Một lối tìm về miền sâu thẳm

- Thứ Hai, 13/09/2021, 11:32 - Chia sẻ
Không chỉ hội tụ những bản sắc văn hóa cổ truyền khởi phát từ tâm linh tín ngưỡng, các nghi lễ giải hạn, cầu an còn ẩn chứa nhiều giá trị nhân văn sâu sắc vốn âm thầm lan chảy trong đời sống của đồng bào các dân tộc.
	Chuẩn bị đồ lễ cho lễ cúng giải hạn
Chuẩn bị đồ lễ cho lễ cúng giải hạn

Lan chảy những mạch ngầm

Á nay xôii sắp saay xôii hốt xôii lạiy cạc ngái ợ nii… (Hôm nay tôi chắp tay tôi khấn tôi lạy các ngài ở đây...). Trong hầu hết bài mo của người Mường đều là như thế, mở đầu câu chuyện dẫn dắt một điều gì đó trong hàng nghìn nghi lễ của ông mo. Nhưng dường như, có sợi dây vô hình nào đó liên kết đồng bào các dân tộc lại với nhau, để dù là người Mường hay người Tày, Nùng, Thái... đều gặp nhau ở lối tìm về đời sống tâm linh sâu thẳm, nơi các thực hành nghi lễ chứa đựng giá trị tín ngưỡng được duy trì, bồi đắp từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Không giống các nghi lễ vốn được ấn định theo ngày tháng, theo mùa trong năm, nghi lễ cúng vía, giải hạn ngoài diễn ra vào đầu năm mới, còn có thể thực hiện ở bất cứ thời điểm nào, mỗi khi gia đình có người bị ốm. Nó đáp ứng nhu cầu cấp bách là cầu mong một cuộc sống an lành cho những người đang sống, những người đã khuất và cả thế giới tâm linh đều yên ổn. Theo quan niệm chung của đồng bào các dân tộc, “vô phúc vái tứ phương, ma cũng cầu, thuốc cũng chữa”.

Nhiều dân tộc, như đồng bào Thái quan niệm cơ thể mỗi người đều có hai phần, phần hồn và phần xác. Mỗi khi phần hồn không khỏe hay không vui, dỗi hờn về điều gì đó hoặc bị ma tà về làm hại sẽ làm phần xác mệt mỏi, ốm đau, sầu muộn... Khi đó, tùy theo mức độ ốm đau, gặp nạn mà tổ chức lễ giải hạn (xên) hoặc làm vía (pèng khuôn) cho người đó. Làm lễ để gọi phần hồn của người đó trở về, nhưng thực chất, chính nhờ tổ chức lễ lạt ấy, anh em họ hàng đến động viên, khích lệ người được làm vía, giải hạn, phần nào giúp họ phấn chấn, vui vẻ vượt qua tai ương trong cuộc sống.

Mấy chục năm nghiên cứu văn hóa dân tộc ở Lạng Sơn, nhà nghiên cứu Vi Hồng Nhân cho biết, người Tày, Nùng có truyền thống làm lễ then để cầu những điều tốt đẹp, trong đó có một ý nghĩa là chữa bệnh. Nhiều người có bệnh đi chữa trị ở bệnh viện không khỏi thì bà con sẽ đón thầy về làm then, cầu an cầu những điều tốt đẹp sẽ đến với người bệnh, với gia đình. Cũng với ý nghĩa nghi lễ tương tự, người Mường gọi là lễ cúng vía, lễ mát nhà... Tất cả nghi lễ này đều cần thầy cúng, còn gọi là thầy then, thầy pụt, thầy tào, thầy mo... - những người có khả năng giao cảm với thế giới thần linh, người đã khuất hoặc dự báo được vận hạn của người khác thông qua nhãn quan của mình.

Một điều không thể thiếu gắn với các nghi lễ ấy là thủ tục lễ lạt phong phú, đa dạng, và đều hàm chứa ý nghĩa riêng. Từ gà, lợn, xôi, rượu, hoa quả, đến từng sợi chỉ buộc tay khi làm lễ... đều mang giá trị vô hình, kết nối con người với những điều linh thiêng, vô hình nhưng có sức mạnh củng cố, giúp con người vững tin tai qua nạn khỏi.

Niềm tin gửi gắm

Theo GS. TSKH Tô Ngọc Thanh, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, các nghi lễ nói chung, trong đó có nghi lễ cúng vía, giải hạn giúp tái hiện một không gian văn hóa dân tộc, một vùng tâm thức phong phú, vừa phản ánh, vừa mô tả, vừa gửi gắm, nhắn nhủ những ngọt bùi cay đắng của cuộc sống ông cha. Đơn cử như trong then, thầy then làm nghi thức đều gắn với những vật dụng truyền đời mang theo bên mình, gắn với những bài khấn vái và những điệu múa chứa đựng tầng nghĩa cổ xưa...

Đó chính là đất sống của những giá trị tinh thần hằn sâu trong tâm hồn mỗi con người trong cộng đồng dân tộc. Bởi lẽ, trong các việc làm lễ giải hạn, đầu tiên là phải tìm gặp thầy để xem ngày lành. Ngày lành ấy là điểm hội tụ các yếu tố thuận lợi về thiên - địa - nhân, cũng là khởi phát của ý thức coi trọng sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Bởi lẽ, việc tiến hành chuẩn bị lễ vật là sự gia công, góp sức của anh em họ hàng, làng xóm, từ đấy tăng cố kết cộng đồng. Chưa kể, trong quá trình thực hành nghi lễ, thầy mo, thầy then, thầy tào... đều có lời khấn vái mang tính đại diện cho tổ tiên khuyên răn con cháu làm điều tốt đẹp, tránh điều xấu hại.

Trải qua thời gian, lễ cúng vía, giải hạn hiện nay diễn ra linh hoạt, phù hợp với sự biến đổi của cuộc sống hiện đại. Theo mo Bùi Văn Hải, Lạc Sơn, Hòa Bình, cúng lễ nói riêng và lễ lạt cúng vía, giải hạn nói chung của người Mường nơi đây không quá nghiêm ngặt như trước, song vẫn phải bảo đảm trình tự thủ tục, lễ nghi theo truyền thống. Nội dung các bài cúng được rút ngắn song vẫn giữ ý nghĩa thể hiện qua những điều răn dạy con cháu lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Vì ý thức “có thờ có thiêng” và sự gài cắm những giá trị tinh thần nhân bản, cho nên các nghi lễ cúng vía, giải hạn vẫn được đồng bào gìn giữ, coi như di sản vô giá trong đời sống văn hóa của dân tộc mình.

Thái Minh