Một đời (Phần cuối)
Truyện ngắn của Lê Minh Khuê

Cô cũng chẳng nhớ nổi ruộng vườn nhà cửa bị sung công như thế nào. Người tá điền già không nhận đám ruộng chia cho ông. Ông xin ở nhà thờ họ làm bên kia vườn chè để ngày đêm hương khói cho ông bà Tú Thanh. Ông một thân một mình, cũng chẳng ai rầy la ông. Có người hương khói cho cha mẹ, cô Tuy nghĩ mình có thể yên tâm không ngoái đầu lại nơi chôn rau cắt rốn nữa. Cô quỳ xuống giữa từ đường, lạy ông bà Tú. Rồi cô quay sang người lão bộc già, lạy sống ông như gửi gắm.
Anh Thạch về đón vợ con đúng những năm sôi động đó. Miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Buôn bán tư nhân không còn được tồn tại nữa. Cô Tuy thấy hai tay mình như thừa ra. Anh Thạch bảo: Thôi, cố cho quen đi! Anh xin cho vợ vào làm nhân viên của một cơ quan gần nơi anh làm việc. Anh Thạch đi công tác liên miên. Cô Tuy một mình nuôi hai đứa con nhỏ với 36 đồng lương. Cô nấu cơm, quét dọn, thường trực cho một cơ quan nhỏ, công việc như con mọn. Đêm về, mấy mẹ con quây lấy nhau trong căn phòng cơ quan chia cho, lợp tranh, tường đất, nóng thì như nung, mong mưa nhưng mưa lại hứng dột, chiếu chăn ướt sũng. Anh Thạch công tác biệt phái ở khu Bốn hai năm. Hai năm ấy anh chỉ đảo qua nhà được một cái tết, mang cho mấy đứa con hũ mắm tôm, ít cân lạc... rồi đi. Cô Tuy nuôi lợn, nuôi gà, tăng gia thêm rau quả. Chắt bóp được ít tiền, xin cơ quan được miếng đất, cô dựng cho con được cái chỗ chui ra chui vào, hai gian, ngay bên bờ con kênh dẫn nước. Ở bên con kênh này, mấy mẹ con còn đặt lờ, đặt vó nhặt con tôm, con tép. Bàn tay đảm đang của cô đã gây dựng được đời sống yên ấm cho mấy mẹ con. Khi anh Thạch trở về, anh ngạc nhiên hết ra sân lại vào nhà: “Mẹ nó khéo tay quá!”.
Những tưởng như vậy là yên ấm, có chồng, có con, đồng lương ít nhưng chịu khó tăng gia, cải thiện, cũng chả đến nỗi nào. Có lúc cô đã được thảnh thơi, đi xem chiếu bóng ở bãi với con, đi thăm chị em bạn. Một buổi chiều đi làm về, thằng Tập chạy ra đón mẹ ở bờ kênh “có khách, mẹ ơi!” Một người đàn bà còn trẻ, trông điệu bộ không được nền nếp lắm, ngồi trên bậu cửa. Bên cạnh chị là hai thằng bé, một lên ba, một lên hai. Người đàn bà nói giọng miền Trung, thản nhiên lắm, chứ chẳng e ấp gì: “Thưa chị, em đem trả anh Thạch hai cháu đây. Em còn trẻ, em xin phép anh Thạch đi lấy chồng”. Lúc ấy anh Thạch ngồi như hóa gỗ, cúi gầm mặt. Hai đứa bé sợ hãi nép vào nhau. Người đàn bà trẻ đứng lên, vấn lại tóc, xách cái tay nải lên: “Thôi, các con ở lại với ba, với mẹ già... Có gì anh Thạch sẽ nói rõ với chị. Em xin phép đi ngay chuyến tàu xuôi tối nay!”. Hai đứa trẻ nhào ra, chạy theo mẹ. Nhưng mẹ nó đi như chạy, tay quệt mắt, tay xốc cái tay nải, không một lần ngoái lại. Đó là lần đầu tiên, cũng là lần cuối cô Tuy gặp người đàn bà ấy.
Cô Tuy đứng sững lúc lâu, chờ cho anh Thạch ôm hai đứa con trở lại. Chẳng nói gì, cô òa khóc. Cô khóc vì thương cho phận đàn bà, một chốc phải bỏ lại hai đứa con. Cô khóc vì thương cho mấy đứa trẻ con chồng, ăn mặc rách rưới, chắc từ khi sinh ra đến giờ chẳng sung sướng gì. Cô lẳng lặng đi nấu nồi cơm to, bảo thằng Tập ra gỡ lưới xem có được con tôm con tép gì không, bảo cu Dũng ra vườn nhổ mấy cây cải. Nấu nướng xong, cô dắt hai đứa trẻ ra mương. Cả hai đứa, mắt sưng to vì khóc, tức tưởi, đứng im cho một người đàn bà xa lạ lau rửa, người đàn bà có hai bàn tay phồng rộp vì làm lụng nhưng mọi nét ở bà đều khiến lũ trẻ an lòng, bà hiền hậu như mặt đất, như những cây cỏ bên đường. Đêm đó cô Tuy nằm giữa. Bên ngoài là hai thằng con cô: Thằng Tập thằng Dũng. Bên trong là hai đứa con riêng của chồng: Thắng và Thế. Hai đứa trẻ tức tưởi trong giấc ngủ. Cô Tuy đưa tay vuốt tóc thằng Thắng. Mái tóc trẻ thơ mềm như nắm lông gà con làm cô thổn thức. Thực ra mình cũng chưa đến nỗi khổ. Đứa trẻ này mới khổ... Một tình cảm tự nhiên lạ lùng xâm chiếm tâm hồn người mẹ. Từ hôm đó, cô Tuy thấy mình quyến luyến với Thắng. Đứa trẻ ý tứ, rụt rè, hay khóc vụng một mình và hay nhìn cô Tuy bằng đôi mắt mở to, không một nét nào khác với anh Thạch.
Anh Thạch thanh minh nhưng cô Tuy bảo: “Mình ạ, mọi sự đã thế rồi, mình an tâm đi”. Con gái ông bà Tú Thanh, dù quanh năm không được một ngày an nhàn, vẫn là con người của gia phong nền nếp. Cô không bao giờ dám nói một lời không lễ độ với chồng. Anh Thạch đã giáng cho cô một vố đau. Những năm anh đi công tác biệt phái, anh đã kịp có một gia đình vụng trộm. Anh không chu cấp một đồng cho những đứa con chính của mình. Rồi bây giờ, anh mang kết quả về cho cô. Nhưng đối với cô, những đứa trẻ vô tội này có thể làm cho số phận cô bớt cay đắng. Chúng thông minh, hiếu thảo từ bé. Cả bốn đứa mau chóng kết thành anh em nhờ bàn tay chăm sóc chu đáo, tấm lòng nhân hậu vô bờ của người mẹ.
Anh Thạch bị cơ quan kiểm điểm. Cô Tuy lên gặp thủ trưởng của anh, xin cho anh. Kỷ luật của anh nhờ thế nhẹ đi nhiều lắm.
Những đứa trẻ dần lớn lên.
Những năm hòa bình ngắn ngủi đi qua. Chiến tranh. Không quân Mỹ ném những loạt bom đầu tiên xuống nhà máy điện bên kia sông. Anh Thạch được gọi tái ngũ. Khi đi, lần đầu tiên trong suốt những năm chung sống bên nhau, anh nắm tay cô Tuy, nước mắt mờ mịt: “Tôi may mắn mà có mình”. Cô Tuy cũng khóc: “Em ơn mình mới phải. Em lại có thêm được hai đứa con!”.
Lương cô Tuy đã tăng lên được 44 đồng, cộng thêm phụ cấp đi B của anh Thạch, mấy mẹ con bữa no bữa đói nuôi nhau. Suốt những năm chiến tranh, bom cày xới quanh nhà. Căn nhà của mấy mẹ con ở gần cầu tỉnh lộ, bị bom cháy hai lần. Hai lần, xen kẽ vào những quãng nghỉ của bom đạn, Tập và Thắng, hai đứa lớn nhất, lại giúp mẹ dựng nhà. Thắng lớn lên, trầm lặng như có nghĩ ngợi lớn lao, nhưng sức vóc dẻo dai, can đảm như đàn ông thực thụ. Cô Tuy nhặt nhạnh len vụn, đan cho một cái áo. May cho cái sơ mi vải màu cỏ úa, Thắng không dám mặc. Cái áo bằng len vụn mẹ đan trông đẹp đến nỗi mặc vào thấy tiếc. Cái áo sơ mi mẹ may tay cũng vậy, có lẽ chỉ nên mặc vào lúc hội hè... Hai cái áo cứ nằm trong chiếc rương cũ, chờ đợi một ngày vui... Thường ngày, mấy đứa mặc những thứ vá víu. Quần áo anh Thạch để lại, cô vá đụp cho hai đứa mặc. Mong cho có ngày chúng nó không phải mặc áo vá!
Thắng đi học về, chăn dắt đàn vịt và nuôi hai con lợn. Nó nhặt nhạnh cái đun, vơ thức ăn cho lợn đã mệt rã người. Thời ấy, sờ đến cái gì là thiếu cái ấy. Người ta nhặt hết từ hạt thóc rơi cho đến ngọn rau dại. Cánh đồng trống không, cày cấy không nổi vì bom đạn. Thắng vẫn cặm cụi đi đến từng bờ ruộng, lúc về thế nào trong cái rổ mang bên người cũng có cua, có ốc, có những nắm rau dại.
Tập đã vào quân đội. Thắng nghiễm nhiên trở thành người đàn ông quán xuyến mọi công việc trong nhà. Nó cứ thế, mò mẫm suốt đêm ngoài đồng. Khi về đến nhà, chỉ việc chong ngọn đèn, che kín lại ngồi trong hầm học bài. Nó học hành thông minh, mẹ không bao giờ phải nhắc. Hôm ấy, bọn Mỹ bay suốt ngày trên vùng trời gần thành phố. Một chuỗi bom ném quanh nhà. Thắng ngồi học trong lớp học sơ tán, nhìn về phía nhà thấy khói bốc lên, nó vùng chạy. Nó chạy qua cánh đồng, lao bừa qua cả khoảng ruộng có dấu bom nổ chậm công binh cắm biển nhắc. Nó vừa chạy vừa ngột thở vì lo sợ. Hai đứa em đi học rồi. Chỉ có mẹ ở nhà...
Nó vấp ngã, không để ý gì đến xung quanh. Nó lội qua cả một chuỗi hố bom phía cổng dẫn vào nhà. Bờ con kênh bị phá. Nước đang chảy ồ ồ vào mấy hố bom mới. Hai con lợn hồng hộc trong chuồng và mái nhà nghi ngút cháy. Có lẽ nó không cháy to được vì bùn và đất đã hầu như đè sập ngôi nhà. Thắng đứng trên bờ hố bom đào giữa sân, gào to: “Mẹ ơi!”. Tiếng kêu của nó chìm trong tiếng máy bay. Nó đi về phía nhà. Bàn tay nó đau nhói vì dọn dẹp các thứ trên đường đi. Nó ráng sức nhấc cái kèo nhà đã sập, lấy cái xô múc nước dội lên đám cháy. Ngọn lửa tắt. Nó chui vào trong nhà và nghe thấy tiếng rên. “Mẹ!” Nó nhào tới. Cô Tuy nằm trên bậu cửa, một cây cột đè ngang, không thể nào ra được. Thắng giúp mẹ nhấc cây cột, rồi ôm choàng lấy mẹ, nó khóc òa lên: “Mẹ ơi...”.
Cô Tuy gượng dậy. May quá, không bị thương nhưng cây cột làm cô bị đau như gẫy ở đùi. Đến lúc này cô mới hốt hoảng: “Chân con làm sao thế?”. Thắng nhìn xuống hai cẳng chân, quần rách bươm, máu ra đã dính bết những mảnh vải vào nhau. Nó đã chạy, đã lội qua gai, đã bị mảnh bom cứa vào chân tứa máu. Nhưng tai nạn qua rồi. Hai mẹ con ôm nhau, vừa cười vừa khóc.
Sau lần dựng lại nhà đó, Thắng có giấy gọi nhập ngũ. Đã là năm 1973, chiến tranh đang đến hồi kết thúc. Hôm nó đi, cô Tuy giở cái áo len, cái áo sơ mi đưa cho nó. Nhưng Thắng bảo: “Con có quân phục rồi. Mẹ giữ cho con, khi nào về con mặc”... Cô Tuy đưa con ra chỗ tập trung quân. Thắng dúi vào tay mẹ cân đường mới được phát: “Mẹ mang về cho các em”. Lần đó Thắng đi và không trở về nữa. Cũng không có một dòng thư. Điều lạ lùng nhất cô Tuy luôn không hiểu được mình, cô không lo lắng nhiều cho chồng, cho con đẻ. Tất cả đang ở chiến trường. Trong những lo lắng bồn chồn, cô hướng phần nhiều về Thắng. Cô thương Thắng chưa một lần được mặc cái áo lành lặn, chưa biết miếng cơm no. Tính nó hay nhường nhịn. Nó cũng sống để hy sinh, để dành miếng ngon cho người khác. Nó giống cô.
*
Chiến tranh kết thúc. Ông Thạch về trước. Ông bàn với vợ đưa cả gia đình về quê nội. Chiều chồng, bà Tuy bán nhà, bán vườn cây ăn trái mà trước khi đi bộ đội, Thắng đã rào giậu, đem phù sa về tôn vườn, mua cây giống về trồng. Cây sắp có trái thì phải trao cho người khác. Cả nhà dắt díu nhau, đồ đạc đóng vào thùng, vào hộp cho lên xe khách. Chiến tranh mới kết thúc, chặng đường có mấy trăm cây số phải đi hàng tuần. Bà Tuy lại đau xót thấy một lần nữa, mình phải di chuyển, phải bán rẻ những gì hai bàn tay mình làm ra, để đến một vùng đất xa lạ.
Người anh ruột của ông Thạch ở thành phố, có bốn cửa hàng bán dụng cụ xe máy. Cách mạng về, ông sợ nhiều nhà bị tịch thu nên hứa hẹn với ông Thạch, một ông em cách mạng trăm phần trăm: “Chú đưa thím với các cháu vô. Tui cho hẳn cái chỗ ni mà làm ăn”.
Bà Tuy lại xắn tay áo lên, quét dọn, sửa sang cơ sở vốn là chỗ sửa xe cộ, máy móc, thành chỗ ở. Ba năm sau, Tập trở về giúp mẹ. Nhà cửa vừa đi vào nếp thì ông anh ông Thạch trở mặt: “Tui cho cô chú mượn, có cho hẳn mô... Tôi đền cho cô chú ít tiền, tìm chỗ khác”.
Ông em cách mạng bị lợi dụng đã xong. Người anh trai đã nhẫn tâm quay lưng lại trước cảnh sống của người em, sau khi nhờ công sức của em để hợp lý hóa tài sản. Ông Thạch tức giận, tính đi kiện. Nhưng bà Tuy cản chồng: “Mình ạ, thôi. Tôi tính nên quay về miền Bắc. Đó mới là nơi hợp với mình. Tôi cũng muốn về để chờ thằng Thắng”.
Thời gian sau chiến tranh, đám con cái của bà Giáo, người chị cùng cha khác mẹ với bà, những người mà sau cách mạng, bà đã bán đi cả trăm cây vàng để chu cấp... giờ đây là những người giàu có không thể tả. Họ được học hành đến nơi đến chốn, tất cả đều trốn quân đội vì nhiều lý do, giờ đây họ đã vào tiếp quản các chân quản lý khoa học ở các thành phố lớn. Mỗi người năm, ba biệt thự. Vàng hàng két. Họ biết bà Tuy đang gặp khó khăn: bà phải đưa các con trở lại Bắc. Tiền không có - họ kháo nhau như vậy - nhưng một lời thăm hỏi của họ cũng không hề đến tai bà Tuy. Bà Giáo là người duy nhất quan tâm đến người em đã cưu mang gia đình mình. Nhưng tiền bạc là của các con bà. Bản thân bà cũng phải làm quả bóng, ở nhà thằng này một tháng, rồi cuối tháng phải đến nhà kia. Bà không thể làm gì được.
Sau cùng, cơ quan cũ của bà Tuy, bạn bè chiến đấu của ông Thạch, của Tập đã xúm vào giúp đỡ. Bà Tuy mua lại được căn nhà và mảnh vườn cũ. Trở về nơi có những kỷ niệm về Thắng, bà Tuy mới thấy yên lòng.
Một lần, cô Quý con gái thứ ba của bà Giáo dẫn mấy đứa con thơm tho đi du lịch qua nhà bà Tuy. Cô Quý là người con duy nhất của bà Giáo ở lại Hà Nội, vì chồng cô là cán bộ cao cấp, cô không chuyển vào Sài Gòn được. Bà Tuy kiếm cua về rang muối đãi mẹ con cô cháu. Cô Quý ra vườn, vào sân khen nhà đẹp, hứa rằng năm nào cô cũng cho các cháu đến thăm dì. Thằng con cô Quý kêu: “Cua bò lổm ngổm trong bụng con rồi đây này. Lần sau con không thích ăn cua”. Dạo ấy còn là thời tem phiếu. Buổi chiều, bà Tuy dành nửa tháng lương của ông Thạch để mua gà, mua giò. Những đứa trẻ con cô Quý sáng mắt lên: Thịt gà ở đây ngon lắm.
Cô Quý quay về Hà Nội và không một lần quay lại nữa. Cả khi bà Tuy đau ốm, cả khi những đứa trẻ con của bà phải đi học xa, cũng không một ai trong đám con bà Giáo ngó ngàng đến người có thời đã tiêu tốn cả trăm cây vàng cưu mang mình...
*
Mắt bà không còn nhìn rõ. Nhưng đêm nay bà thấy lòng mình nhàn hạ: Thắng đã được đưa về nằm trong nghĩa trang của xã.
Đứa con dâu, vợ thằng Thế cựa mình, ôm lấy mẹ.