Một dây trầm bổng
Lay động lòng người nhờ âm sắc quyến rũ, nỉ non, thống thiết, thâm trầm, nhưng theo nhạc sĩ Hà Hải, đàn bầu còn có sức khơi gợi niềm tự hào dân tộc và khát vọng cống hiến, xây dựng Tổ quốc. Đó cũng là ý tưởng ông sáng tác ca khúc “Đàn bầu có một dây thôi”.
“Đọc bài thơ Đàn bầu của Lê Tiến Vượng, liên tưởng đến ca khúc Tiếng đàn bầu của nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc, tôi thấy ý đẹp, lời hay nhưng đượm nỗi buồn quá khứ. Đất nước sau 30 năm Đổi mới, tôi muốn một bài hát ca ngợi cây đàn bầu nhưng thể hiện được sự phát triển của Việt Nam hôm nay”, nhạc sĩ Hà Hải tâm sự.
Theo nhạc sĩ Hà Hải, đàn bầu không chỉ gói trọn thanh âm của lịch sử mà còn thể hiện hào khí hướng tới tương lai. Nếu như cách mô tả cung thanh, cung trầm trong ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc thể hiện tình cảm với mẹ cha, nói về biến động của lịch sử đất nước với bao cuộc biến thiên dâu bể; thì trong Đàn bầu có một dây thôi, tác giả muốn đẩy cái thanh thoát, thâm trầm lên một bậc. Hai thanh âm đối tỷ ấy không những in dấu trong sâu thẳm mỗi người, khiến họ gắn bó bền chặt số phận mình với số phận đất nước mà còn gợi nhắc về thắng lợi vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong thời hiện đại; đồng thời, khẳng định truyền thống hàng nghìn năm đoàn kết. “Dù trầm hay bổng cũng nằm ở một dây, cũng như đã là người dân Việt Nam thì phải biết yêu đất nước này. Dù là con người như thế nào, làm nghề gì, ở đâu đi nữa… cũng không thể tách rời hai chữ Việt Nam”.
![]() |
Với ý tưởng như vậy, nhạc sĩ đã đưa hình ảnh đất nước lên đúng vị trí âm thanh cần thiết. “Đàn bầu ngân nga, điệp khúc Việt Nam”. Hai chữ “Việt Nam” ngân dài ở cuối lời ca phác họa tư thế vừa đường hoàng, đĩnh đạc, vừa đậm chất trữ tình, thể hiện một dân tộc anh hùng nhưng vẫn vô cùng lãng mạn. Không mượn bất cứ thể loại dân ca nào cụ thể làm chất liệu nhưng xuyên suốt nhạc phẩm, tác giả đã tạo nên những giai điệu đậm hơi thở truyền thống, lúc dịu êm, khi phấn chấn. Đặc biệt, giọng trưởng - thứ kết hợp, thể hiện nét vui buồn sau từng nốt nhạc, khiến ta hình dung chiếc cần đàn bầu như đang uốn lượn theo bàn tay nghệ sĩ, nhảy nhót, nhấn nhá tạo nên thanh âm độc đáo. Câu cuối “Đàn bầu có một dây thôi” lặp đi lặp lại, ngân nga, vang mãi, nhưng cũng một lần nữa qua đó khẳng định biểu tượng tinh thần anh dũng, đồng lòng của người Việt.
![]() |
Bài hát nhẹ nhàng nhưng để thể hiện thành công không dễ. Đàn bầu có một dây thôi đòi hỏi giọng ca mềm mại, ngọt ngào, thay vì cách hát chỉ quan tâm đến độ vang, dày, phô diễn kỹ thuật thanh nhạc đơn thuần. Nhạc sĩ Hà Hải nói: “Dùng âm nhạc để nói về một nhạc cụ, nhưng hình ảnh đàn bầu cũng tượng trưng cho tất thảy. Bây giờ có nhiều nhạc điện tử, nhạc phương Tây, nhiều người không để ý lắm đến cây đàn bầu. Tôi muốn qua bài hát, gửi gắm tiếng lòng của các nghệ sĩ truyền thống Việt Nam, đang truyền tải vui buồn qua từng thế hệ, làm cho chúng ta đôi lúc nhớ lại, thấy yêu, tự hào về Tổ quốc mình hơn, trân trọng truyền thống hơn”.