Một đạo luật tốt

- Thứ Bảy, 19/09/2020, 06:54 - Chia sẻ

Nói chính xác thì dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ không hẳn là chỉ được tách ra một phần từ Luật Giao thông đường bộ hiện hành. Dù được đề xuất bổ sung vào chương trình khá muộn nhưng dự luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 16.9 đã có sự độc lập tương đối rõ về phạm vi điều chỉnh so với dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Mục tiêu kỳ vọng đối với dự luật này cũng vô cùng lớn khi lãnh đạo Bộ Công an nhiều lần khẳng định, với các nội dung chuyên sâu hơn và có lực lượng xuyên suốt sẽ giúp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ tốt hơn, hiệu quả hơn - điều mà nhiều năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ hiện nay vẫn chưa tạo ra sự chuyển biến rõ rệt, nhất là tình trạng tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông.

Dẫu vậy, băn khoăn đối với việc Chính phủ quyết định trình hai dự án Luật thay vì chỉ 1 dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) như ban đầu khi trình Quốc hội đưa vào chương trình lập pháp năm 2020 cũng khá nhiều. Nguyên do chủ yếu, đáng tiếc lại nằm ở việc hai dự án Luật đều chưa trả lời thật rõ và thuyết phục nhiều vấn đề cốt lõi. Trong đó, phải kể đến việc bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật như thế nào.

Giao thông đường bộ là sự kết hợp giữa hai yếu tố: Giao thông tĩnh (bao gồm cơ sở hạ tầng, hành lang an toàn giao thông, dải phân cách, biển hiệu…) và giao thông động (gồm phương tiện giao thông, người tham gia giao thông, quy tắc an toàn giao thông, các biện pháp xử lý sự cố giao thông, tai nạn giao thông, vi phạm pháp luật về giao thông…). Nếu tách hai yếu tố này ra thì đúng như Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã cảnh báo: Sẽ không còn tổng thể của giao thông đường bộ nữa.

Thực tế, nếu đọc kỹ hai dự thảo Luật thì không khó để chỉ ra những điểm chồng lấn, trùng lặp và “chưa thoát ra được”. Đơn cử, những quy định liên quan đến bảo đảm an toàn giao thông như: hành lang an toàn giao thông, dải phân cách giao thông đường bộ, điểm dừng để đón học sinh, bảo trì, vận hành công trình giao thông đường bộ, xử lý điểm đen, hệ thống quản lý điều hành giao thông, trung tâm quản lý điều hành giao thông… vẫn được quy định trong dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Trong khi lẽ ra, với mục tiêu chuyên sâu hơn về an toàn giao thông thì các quy định này phải được đưa về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Thêm vào đó, dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ dù đã được chuẩn bị công phu, có nhiều quy định mới, cụ thể nhưng nhìn từ kỹ thuật lập pháp thì việc luật hóa các nội dung này ngay trong dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cũng không khó khăn gì. Bởi thực chất, ở đây như nhận xét của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, chỉ là câu chuyện phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của từng chủ thể trong khi việc tách thành 2 dự án luật sẽ khiến cho công tác lập pháp trở nên rắc rối hơn nhiều.

Từ hai dự án Luật này còn thấy một nỗi lo khác: Dường như các cơ quan quản lý nhà nước đang bị lúng túng hoặc thậm chí đang thiếu một tầm nhìn mang tính tổng thể trong các đề xuất xây dựng luật. Việc tách phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ thành hai dự án Luật và đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào chương trình lập pháp của Quốc hội khi Kỳ họp thứ Mười chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ khai mạc đã cho thấy rõ điều này.

Đi vào nội dung chi tiết thì có những đề xuất rất quan trọng, chắc chắn sẽ gây xáo trộn rất lớn cả về tổ chức bộ máy, con người và các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan nhưng lại chưa được tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng. Đơn cử như thẩm quyền quản lý giữa Bộ Công an và Bộ Giao thông - Vận tải về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe dân sự, dù lãnh đạo hai Bộ này cho biết đã thống nhất với nhau - nhưng nếu đọc kỹ hồ sơ của hai dự án Luật sẽ không khỏi nghi ngại. Bởi lẽ, dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì chưa đánh giá rõ được những bất cập, hạn chế hoặc mâu thuẫn, chồng chéo trong công tác quản lý nhà nước về vấn đề này để làm cơ sở cho việc phân định lại nhiệm vụ giữa hai bộ. Còn hồ sơ dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) gửi Bộ Tư pháp thẩm định vào tháng 7 vừa qua thì vẫn quy định Bộ Giao thông - Vận tải thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giấy phép lái xe. “Không có tổng kết, đánh giá cụ thể cũng như đề xuất việc chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Giao thông - Vận tải trong lĩnh vực này”, Bộ Tư pháp chỉ rõ trong báo cáo thẩm định dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tại Phiên họp thứ 48, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất sẽ trình Quốc hội cả hai dự án Luật tại Kỳ họp thứ Mười tới. “Về nguyên tắc, hai dự án Luật này phải đi cùng với nhau khi trình ra Quốc hội”, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh khi kết luận phiên họp sáng 16.9. Yêu cầu như thế là để đại biểu Quốc hội có thể xem xét tổng thể các nội dung của cả hai dự án Luật, từ đó quyết định có tách riêng như đề xuất của Chính phủ hiện nay hay không.

Một đạo luật tốt trước hết phải khả thi nhất, tường minh nhất và có tính ổn định dài lâu. Từ nay đến Kỳ họp thứ Mười thời gian không còn nhiều. Có thuyết phục được Quốc hội hay không hoàn toàn phụ thuộc vào việc cơ quan trình sẽ giải quyết những vấn đề băn khoăn, lấn cấn giữa hai dự án Luật và trong từng dự án Luật này như thế nào.

Hải Lam