Dải núi giăng ngang chia giới hạn
Chúng tôi đến thăm Hoành Sơn Quan vào buổi chiều để tương đồng với lúc “xế tà” hai trăm năm trước, khi nữ sĩ quê làng hoa Nghi Tàm - Bà Huyện Thanh Quan đi qua nơi này, dừng chân ngắm cảnh viết nên bài thơ trác tuyệt, gửi gắm nỗi u hoài thế sự.
Hoành Sơn Quan là ba chữ đề ở mặt Bắc của cổng. Đây là công trình do vua Minh Mạng cho xây dựng năm 1833, để kiểm soát người qua lại trên đường thiên lý, trước khi vào vùng đất quan trọng, có Kinh đô Huế. Tôi đo thử bằng tay, thì tường của cổng dày chừng 60cm, cổng cao hơn 4m, dù rêu phong và trải qua nhiều phen binh lửa nhưng vẫn còn khá nguyên vẹn. Nghe nói trước đây, hai bên cổng có tường thành và mỗi bên có gần ngàn bậc theo triền núi để qua đèo. Phía trước và sau Hoành Sơn Quan là đường nhựa phẳng lỳ, mặt Bắc còn có mấy chục bậc đá lưu lại dấu xưa khúc khuỷu, còn mặt phía Nam thì đường sát bên cổng.
Tôi đi quanh Hoành Sơn Quan, thử hình dung chỗ nào Bà Huyện nhìn thấy “Lom khom dưới núi tiều vài chú/ Lác đác bên luông rợ mấy nhà” (1). Vẫn ánh mặt trời từ phương Tây vàng rực nhưng không gian đèo Ngang thì quá khác xưa.
Trước và sau Bà Huyện Thanh Quan đã có nhiều người, từ các vị Hoàng đế như Lê Thánh Tông, Thiệu Trị đến các nhà khoa bảng lừng danh, tao nhân mặc khách như Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Trường Tộ… qua đây, để lại cảm xúc và suy tư trong những thi phẩm, đủ biết địa danh này đặc biệt đến thế nào.
Việt Nam là đất nước có nhiều vùng núi non hiểm trở nên có nhiều đèo, người ta hay nhắc đến bốn đèo lớn nhất ở phía Bắc là đèo Pha Đin có độ dài 32km ở Sơn La; đèo Ô Quy Hồ nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, với độ dài kỷ lục gần 50km; đèo Khau Phạ dài trên 30km ở Yên Bái; đèo Mã Pí Lèng dài khoảng 20km thuộc cao nguyên Đồng Văn, Hà Giang. Miền Trung - Tây Nguyên cũng có những đèo hiểm trở, không mấy người không biết như đèo Hải Vân, đèo Hòn Giao, đèo Bảo Lộc... Độ hiểm trở, độ cao và chiều dài đều không bằng nhưng đèo Ngang chỉ dài 2,5km, nối Hà Tĩnh và Quảng Bình, lại nổi tiếng bởi vị trí đặc biệt và bề dày lịch sử không có nơi nào có thể so sánh.
Trong bài Quá Hoành Sơn quan, khắc trên bia đá dựng ở vách núi năm 1842, vua Thiệu Trị viết: Nhất đái miên hoành hạn tải sơn/ Quyển liên khởi phục hải tân gian/ Vệ Nam củng Bắc phân nghiêm tấn/ Lịch cổ lai kim tác hiểm quan… Nghĩa là: Một dải núi giăng ngang chia giới hạn ở đây/ Như hình rồng rắn uốn lượn cao thấp trên bờ biển/ Gìn Nam, giữ Bắc nơi đồn binh nghiêm ngặt/ Từ xưa tới nay đây là cửa ải hiểm yếu.
Nguyễn Trường Tộ trong bài Quá Hoành Sơn Quan hữu cảm cũng nói về ranh giới rằng: Thử địa tích tằng nam bắc hạn/ Hân kim nhất thống bắc nam bình, nghĩa là Nơi đây xưa từng là giới hạn Nam Bắc/ Nay mừng Bắc Nam đã thống nhất, bình yên.
Sách Đồng Khánh địa dư chí viết: “Núi Hoành Sơn ở địa phận các thôn Xuân Sơn, Ngưu Sơn tổng Hoằng Lễ. Một dãy từ phía Tây kéo ngang ra đến biển, làm thành chỗ xung yếu chắn ngang hai miền Nam Bắc. Thời Nam - Bắc phân tranh, trên đỉnh núi có lũy của Ninh Quận công, di tích cũ vẫn còn, nay có cửa ải đóng quân trấn thủ”.
Hòa bình để an cư lạc nghiệp
Nói đến đèo Ngang, không thể không nhắc đến Nguyễn Hoàng (1525 - 1613). Ông là con trai của An Thanh hầu Nguyễn Kim (1468 - 1545), cựu thần nhà Lê, người đã có công phò vua Lê Trang Tông, trung hưng nhà Lê sau khi bị nhà Mạc cướp ngôi. Nguyễn Kim bị sát hại, quyền bính được giao cho Trịnh Kiểm (1503 -1570) - một bề tôi thân cận và cũng là con rể của Nguyễn Kim.
Để củng cố quyền lực, Trịnh Kiểm tìm cách loại dần phe cánh của Nguyễn Kim. Khi anh trai là Nguyễn Uông bị hại, Nguyễn Hoàng sai người ngầm đến hỏi ý kiến Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nguyễn Bỉnh Khiêm nhìn hòn non bộ mà nói: Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân, nghĩa là: Một dải núi Hoành Sơn có thể dung thân muôn đời. Nguyễn Hoàng bèn xin vào trấn thủ Thuận Hóa, khi đó là vùng đất phức tạp “lòng dân hãy còn tráo trở”, được coi là miền biên viễn xa xôi, xứ sở lưu đày các tội nhân và tù binh… nên Trịnh Kiểm đồng ý. Năm 1558, ông vào trấn thủ Thuận Hóa, thực hiện chính sách “vỗ về dân chúng, thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng” nên được “dân mến phục, thường gọi là chúa Tiên”.
Nguyễn Hoàng mở ra một sự nghiệp vĩ đại, nhưng sau khi ông qua đời, mâu thuẫn Trịnh - Nguyễn trở nên gay gắt, mở ra giai đoạn Đàng Trong - Đàng Ngoài phân tranh rất đau thương. Trong gần nửa thế kỷ, từ năm 1627 - 1672, hai bên đã bảy lần đánh lớn và nhiều trận đánh nhỏ, chiến trường chủ yếu ở hai bên của đèo Ngang, trên các vùng đất Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình ngày nay, hao tổn không biết bao nhiêu xương máu.
Sách Nam Triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm (1659 - 1739) kể về giai đoạn chiến tranh liên miên đó, có những câu chuyện toát lên khát vọng hòa bình, tình thương của những người lính ở hai bên chiến tuyến rất xúc động.
Trong một trận công thành, quân Bắc ném trái phá vào thành, quả mẹ sinh năm quả con nổ tung như sấm động. Lúc ấy có người lính bên Bắc ngoài thành nói vọng vào:
- Chúng tôi và các anh em đều là người cả, sao nỡ tàn hại lẫn nhau. Chỉ vì nhà Chúa tranh chấp, anh em ta mới phải chịu chết oan. Tôi bảo anh em, nếu thấy trái phá bay vào, người ở xa thì chạy nấp, người ở gần thì nằm sát mặt đất sẽ tránh được thương vong.
Quân Nam theo đó mà tránh đạn, đỡ thương vong rất nhiều.
Trong trận khác, quân Trịnh lựa chiều gió thả diều giấy cho bay vào lũy của quân Nguyễn, dưới cánh diều có thuốc nổ, khiến doanh trại cháy rừng rực, quân Trịnh lấy nước dập lửa thì lửa càng lan nhanh hơn. Bấy giờ có người quân Bắc từ ngoài thành nói vọng vào: diều giấy có chất dẫn cháy là dầu rái, phải lấy cát mà dập mới được, nếu dùng nước là chết…
Kết thúc những cuộc chiến huynh đệ tương tàn đó, quân Trịnh rút về. Nguyên súy Hiệp Đức của Đàng Trong mở tiệc mừng công. Nhân thấy lá cờ của quân Bắc nhiều vết đạn bắn thủng như tổ ong, bất giác rơi lệ nói: vật còn như thế huống chi là người!
Hiệp Đức sai dựng đàn tế chiến sĩ trận vong, nhưng không chỉ tế quân Nguyễn mà bên ngoài thành cũng lập một đàn tế quân Trịnh, dùng đại lễ thái lao. Tế xong Hiệp Đức cho quân mai táng thi hài quân bên Bắc chu đáo.
Thế mới thấy xưa cũng như nay, Nhân dân đều cầu mong hòa bình để an cư lạc nghiệp, thời nào cũng chán ghét, lên án chiến tranh tàn sát lẫn nhau. Nguyên súy Hiệp Đức tức là Tôn Thất Hiệp, hoàng tử con chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần. Sau chiến tranh, ông xuất gia, làm sư trụ trì chùa Minh Thiện dù mới ngoài 20 tuổi.
Mở cõi và thống nhất đất nước
Trước áp lực từ Đàng Ngoài, hướng phát triển duy nhất của Đàng Trong là phương Nam nên các chúa Nguyễn đã kiên trì thực hiện chiến lược đó, mở rộng lãnh thổ, đạt được thành tựu kỳ vĩ và ngoạn mục.
Năm 1611, chúa Tiên từ Quảng Nam mở rộng biên giới đến Phú Yên ngày nay, các thế hệ sau tiếp tục hành trình ấy, từng bước thu phục toàn bộ đất đai của Champa và một phần đất của vua Chân Lạp nhượng lại, cộng với phần đất đai Mạc Cửu, Mạc Thiên Tứ khai phá, Đàng Trong đã mở rộng đến miền Đông Nam Bộ rộng lớn và vùng châu thổ sông Mê Kông phì nhiêu.
Ngược dòng lịch sử, trong thời kỳ Bắc thuộc, từ cuối thế kỷ thứ II, miền đất từ Quảng Bình trở vào có tên là Tượng Lâm, nước Hồ Tôn. Tượng Lâm được thư tịch Trung Hoa từ thời Tần, Hán xác định là cực Nam của quận Nhật Nam. Sau khi nhà Hán thay nhà Triệu đô hộ Giao Châu (năm 111 trước Công nguyên) thì ngoài Giao Chỉ, Cửu Chân, nhà Hán đặt thêm quận Nhật Nam. Sử sách ngày nay ghi nhận, trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 40, có sự tham gia của Nhân dân Tượng Lâm.
Nước Lâm Ấp ra đời vào năm 192, đây là quốc gia của người Champa và các cộng đồng dân cư khác trên dải đất miền Trung mà trung tâm là Trà Kiệu (Quảng Nam ngày nay).
Năm 879, một vương triều mới của Champa (sử cũ gọi là Chiêm Thành) được thành lập ở Đồng Dương (Quảng Nam ngày nay) mở ra một giai đoạn đặc sắc của vương quốc này. Đồng Dương - Indrapura vừa là hoàng cung, vừa là đền thờ Phật, ngày nay còn để những dấu vết kiến trúc và tượng Phật nổi tiếng.
Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi sự kiện, năm 979 hai cha con Đinh Tiên Hoàng bị sát hại, Vệ Vương Toàn mới 6 tuổi đã lên ngôi, có Dương Thái hậu nhiếp chính và Lê Hoàn phò trợ. Lợi dụng tình thế này, sứ quân Ngô Nhật Khánh liên kết với quân Chiêm Thành đưa quân đi hơn ngàn chiến thuyền tiến đánh Hoa Lư, nhưng do gặp bão ở cửa bề Đại Nha và Tiểu Khang đa số thuyền bị đắm, Nhật Khánh và rất nhiều quân Chiêm chết đuối… Nếu không có trận bão này thì không biết lịch sử sẽ thay đổi ra sao.
Từ đây, lịch sử mở ra một trang mới với rất nhiều cuộc giao tranh vượt qua ranh giới Hoành Sơn. Năm 982, Lê Đại Hành mang quân tiến đánh Chiêm Thành, chém vua Bề Mi Thuế của Chiêm tại trận, quân Chiêm đại bại, bị san phẳng thành trì, chấm dứt triều đại Indrapura. Vương quốc Champa có 5 tiểu vương quốc trải dài từ Đèo Ngang (Quảng Bình) đến mũi Kê Gà (Bình Thuận) gồm: Indrapura (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế), Amaravati (Quảng Nam), Vijaya (Quảng Ngãi – Bình Định), Kauthara (Phú Yên - Khánh Hòa) và Panduraga (Bình Thuận).
Champa từng là một quốc gia hùng mạnh, kinh tế, văn hóa phát triển mà những tòa tháp Chăm sừng sững vượt thời gian còn lại đến ngày nay một cách bí ẩn, là nhân chứng rõ nét nhất. Nếu Đại Việt ba lần đánh tan quân Mông - Nguyên, thì Champa dưới sự lãnh đạo của Chế Mân, với sự hỗ trợ của Đại Việt, cũng khiến quân Nguyên phải rút quân.
Dưới triều Trần, vua Chăm cử sứ thần mang lễ vật thịnh soạn đến triều cống Đại Việt. Quan hệ hai quốc gia rất tốt đẹp, nhất là giai đoạn chống quân Nguyên, nhưng khi nhà Trần suy yếu thì tình hình thay đổi nhanh chóng. Cuối thời Trần, chỉ trong 30 năm (1361 - 1391), quân Chiêm có 12 lần tấn công Đại Việt, trong đó có ba lần tiến thẳng vào Thăng Long và một lần đến Quảng Oai, uy hiếp Thăng Long.
Các triều đại Đại Việt từ Tiền Lê đến Lý, Trần, Lê, Nguyễn luôn đặt ra mục tiêu bình Chiêm để mở mang bờ cõi. Năm 1069, do Champa quấy rối biên giới nên vua Lý Thánh Tông cầm quân chinh phạt Champa, vua Chiêm đã cắt đất ba châu Bố Chính, Ma Linh và Địa Lý cho Đại Việt để vua Chiêm được toàn mạng. Biên giới Đại Việt vào đến Bến Hải, Quảng Trị ngày nay.
Nhà Trần, với sính lễ cưới công chúa Huyền Trân, biên giới đến đèo Hải Vân.
Năm 1471, vua Lê Thánh Tông cầm quân tiến đánh Kinh đô Vijaya vàng son của Champa, kinh đô thất thủ, vùng đất phía Bắc của Champa sáp nhập vào Đại Việt, lãnh thổ của Đại Việt tiến đến đèo Cù Mông. Sau thất bại này Champa suy yếu, không còn là mối đe dọa ở phía Nam đối với Đại Việt.
Những bước tiến đó là tiền đề vững chắc cho các chúa Nguyễn sau này đi tiếp hành trình mở cõi và thống nhất đất nước, để Việt Nam liền một dải từ Trà Cổ đến mũi Cà Mau vào năm 1802. Lịch sử Champa cũng là một phần của lịch sử Việt Nam, cộng đồng người Chăm và các dân tộc cư dân của vương quốc Champa xưa là thành viên của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
***
Đứng trên đèo Ngang gió thổi lồng lộng nhìn về phương Nam, thấy con đường quốc lộ như sợi chỉ trắng ở lưng chừng núi in trên nền cỏ cây lao xao trong ráng chiều. Bình yên đến lạ! Tôi chợt nghĩ rằng, trong lịch sử loài người có lẽ chiến tranh gắn với bản tính của con người, dù muốn hay không nó vẫn xảy ra. Các cuộc chiến tranh thể hiện khát vọng của nhà cầm quyền, của các anh hùng cái thế. Lê Đại Hành, Lý Thánh Tông, Lý Thường Kiệt, Lê Thánh Tông, Nguyễn Hoàng hay Chế Mân, Chế Bồng Nga… đã thể hiện khát vọng của họ vì sự lớn mạnh của đất nước, của vương triều khiến hậu thế phải kính trọng.
Nhìn Hoành Sơn Quan rêu phong yên bình hôm nay, ta còn thấy ở đó những võ công hiển hách và khát vọng phát triển đất nước của cha ông!
-----
[1] Câu này vẫn được đọc là “Lác đác bên sông chợ mấy nhà”, tác giả đọc theo ý cụ Lỗ Công Nguyễn Văn Bách.