Một cuộc tình lãng mạn (Phần cuối)
Truyện ngắn của Ma Văn Kháng

24/06/2014 08:38

>> Một cuộc tình lãng mạn (Phần 1)

Gạt bỏ ra ngoài tai hết thảy những lời góp ý mách bảo, Lâm lặp đi lặp lại nếp sống và thái độ của mình. Thứ bảy, chủ nhật từ tám giờ sáng, chàng đã đắm mình vào khu rừng sách vở trong thư viện và cùng với cái bánh mỳ bảy nghìn bạc bọ, chàng ngốn vào mình kiến thức hay ho của loài người. Rồi tiếp đó đến mười giờ đêm, khi thư viện đóng cửa, chàng mới xách cái cặp da cá sấu đỏ hồng đi về, để lại bắt đầu mê mải với cây violon, cùng những bản nhạc trữ tình của Trịnh Công Sơn và nhạc cổ điển phương Tây.

Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ.

Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao.

Minh họa của Thúy Hằng
Minh họa của Thúy Hằng
Ôi, âm nhạc, chỉ có âm nhạc qua cây đàn nhỏ bé kỳ diệu này mới nói được tâm hồn rạo rực niềm kiêu hãnh của chàng lúc này.

Nhưng, hôm nay thì hình như khác với thường lệ. Lâm ôm cái cặp da cá sấu về tới nhà, mở ra thì ngồi thừ, quên cả việc mở hộp đàn.

- Anh Khang này. Anh có...

- Có chuyện gì vậy?

Tôi nhổm dậy, nhìn má chàng. Không, má chàng chỉ ửng hồng niềm vui hân hoan. Chàng banh miệng chiếc cặp da cá sấu, và quay lại nhìn tôi:

- Anh Khang, anh có đặt vào cặp tôi hai hộp vitamin tổng hợp này không?

Tôi nhìn vào lòng chiếc cặp, lắc đầu. Lâm ngơ ngác:

- Lạ nhỉ. Thế thì ai đặt vào cho tôi thế không biết. Hay là cụ Dung, con người cổ xưa chơi khăm tôi?

- Cụ Dung về quê rồi. Nghĩ xem, hôm nay cậu để cái cặp ở những đâu?

- Để ở những đâu nhỉ? À, trước khi đi thư viện, tôi có tạt qua ngồi chơi một lúc ở căng tin cô Hương...

Lâm nhăn nhăn trán, rồi vỗ bộp một cái vào chiếc cặp da, như có ý đã ngờ ngợ đoán ra rồi.

Lâm đã đoán ra người nào cho anh hai hộp vitamin tổng hợp? Có lẽ là chưa. Vì mấy hôm sau nữa chàng lại một lần banh miệng cặp gạn hỏi tôi có phải là chủ nhân của hai thanh sô cô la Nga và một hộp cà phê Trung Nguyên? Và khoảng một tuần sau, chàng lại như tra hỏi tôi cùng ông Dung, xem chúng tôi có phải là thủ phạm đầu têu trò đùa dai này không? Trong cặp của chàng lần này có nửa tá khăn mùi soa kẻ sọc của Tiệp.

Lâm đã lần lần biến đổi thành người khác từ dịp này. Có vẻ như chàng thấy cái bộ mặt kênh kiệu, vênh vác lạnh lẽo của mình không còn hợp thời nữa.

***

Đêm ấy có lẽ là khuya lắm rồi, Lâm mới về đến nhà. Cởi bỏ bộ quần áo ướt rượt, chàng khua chúng tôi dậy. Và như một kẻ đã lột xác hoàn toàn, sôi nổi chàng nói:

- Tôi sẽ kể chuyện của tôi cho anh Khang và bác Dung nghe sau. Còn bây giờ xin hỏi bác Dung cái câu hỏi đã có lần tôi hỏi bác: thời trai trẻ, bác đã yêu như thế nào?

 Ông Dung ngồi dậy, tìm ống điếu, rít một hơi thuốc lào, phả khói rồi xua xua tay:

- Thì tôi đã nói rồi. Quê mùa, đơn giản thôi. Tất nhiên, cũng như mọi đôi lứa, ái tình khởi đầu luôn luôn là cái duyên kỳ ngộ bí ẩn, không bày biện lồ lộ ra thanh thiên đâu. Nó cũng giống như những tặng phẩm của một bàn tay bí mật nào đó đã đặt vào trong chiếc cặp da cá sấu của cậu vậy.

- Thế nhưng... cái kết thúc cuối cùng là thế nào? Và ai là kẻ quyết định?

- Nó là do cái duyên trời cho. Nó là cái mệnh con người, tính khí phong cốt con người tạo nên. Quê tớ là vùng cửa sông. Cả đời tớ là sống cùng sông nước. Nhà cô ấy ở bên kia con sông. Tớ ở bên này. Hằng ngày, tớ dong trâu sang bãi Soi giữa dòng, vừa thả trâu vừa chơi diều. Mùa nước cạn, cô ấy cũng lội bộ ra đây làm cỏ ngô, cỏ đậu. Bất ngờ hôm ấy tớ đang ở nhà thì trời đổ mưa sầm sập và nước sông đổ về ngập ngụa cả bãi Soi. Lúc ấy, không hiểu tớ nghĩ thế nào mà lại trèo lên con thuyền, và đang chơi vơi giữa dòng thì nghe thấy tiếng cô ấy gọi: Anh ơi, anh ơi... cứu em với...

Nhìn Lâm như dò ý tứ của chàng, tôi rụt rè nói rằng, cơn mưa đưa ông Dung đến với người yêu của ông là cơn mưa lành, nghĩa rằng là cuộc tình này có sự xếp sắp và tham dự của ông trời. Và tôi bỗng nhận ra Lâm như kẻ đang trong mộng mị bỗng choàng tỉnh.

Chàng ôm hai má, run rẩy nói không ra hơi nhưng vẫn không giấu được thói quen tự đắc:

- Thế thì rõ rồi. Thế thì đúng rồi.

Ôi, cái cuộc đời như ngẫu nhiên như sắp đặt, vừa trần trụi vừa hết sức lãng mạn này. Thì ra tối nay, nhìn trời mưa sụt sùi, lòng dạ chợt vô cùng bâng khuâng, chẳng biết làm gì, Lâm, chàng trí thức đa tài, liền đi tới Nhà hát Lớn để mua một chiếc vé vào nghe nhạc giao hưởng. Và chàng đâu ngờ rằng, có một người con gái cũng đang có tâm trạng như chàng, tự giải thoát mình ra khỏi nỗi buồn của cơn mưa, cũng đã đến đây. Người đó là cô Hương làm việc ở căng tin tổng công ty. Nhìn thấy nhau, hai người liền đổ sập vào nhau và thế là mọi việc đã rõ ràng, cơn mưa lành trời cho đã đưa họ đến với nhau. Bởi vì từ rất lâu rồi, Hương đã thầm cảm mến chàng, quý trọng ý chí và nghị lực của chàng, qua những tặng phẩm cô bí mật gửi cho chàng. Còn chàng thì cũng vậy. Chàng vô cùng cảm phục và yêu quý cô khi biết cô đã tốt nghiệp đại học sư phạm, chưa có việc làm, tình nguyện vào phục vụ ở đây để lấy tiền nuôi bốn em ăn học; cô là một phụ nữ đa cảm và xinh đẹp.

Còn bây giờ thì không kìm được thói ngạo mạn đã trở thành cố hữu, Lâm bước tới, nghiêng nghiêng cái khuôn mặt đầy vẻ tự đắc của mình:

- Bác Dung này, bác có hình dung ra được không? Cứ như là tôi và Hương đã hẹn hò nhau từ kiếp trước. Sau khi ôm hôn nhau, chúng tôi ra khỏi rạp, rồi khoác tay nhau đi miên man trong mưa rơi. Đi trong mưa rơi tầm tã. Nói thật thế hệ bác, kể cả khi bác chèo thuyền ra bãi Soi để cứu cô gái nọ, trong cảnh sông nước hữu tình liệu có được cái cảnh yêu đương lãng mạn ấy không? Chắc là không chứ gì.

Hổn hển tiếng nọ lấp tiếng kia vì xúc động, Lâm lập cập mở hộp đàn, lấy cây violon xinh xắn đặt lên vai, rồi lim dim mắt. Chỉ tiếc đàn của chàng vừa cất lên thì đã liền bặt tiếng như một tiếng đàn câm. Giọng ông Dung có một âm lượng và âm sắc thật lạ lùng. Nó chế ngự không gian.

- Cậu nói đúng - Ông Dung nói - Và tôi thật sự mừng cho cậu. Nói thật là cả thế hệ chúng tôi mừng cho thế hệ trẻ các cậu, cậu Lâm à. Tình yêu của các cô cậu lãng mạn và đẹp, chưa từng có ở thế hệ chúng tôi đâu.

- Bác cũng nhận ra như thế.

- Đúng là thế - Ông Dung gật đầu, giọng thấp xuống một cung bậc, và do vậy đã trở nên khàn rè - Cái cảnh tôi dong thuyền ra bãi Soi gặp cô ấy rồi nảy sinh xúc động là sau này tôi nghĩ ra thôi. Chuyện chúng tôi yêu nhau thật sự là về sau cơ. Quê tôi là vùng cửa sông. Năm 1970, giặc Mỹ thả thủy lôi. Tôi ở trong đội rà phá, để thông đường cho tàu ta đi vào Nam tiếp tế cho mặt trận. Mười tám tuổi tôi gia nhập bộ đội vận tải thủy. Chúng tôi ngồi trên ca nô phóng với tốc độ nhanh. Dưới đáy ca nô có gắn thiết bị kích thích thủy lôi nổ. Công việc sinh tử. Nên trước khi vào cuộc tôi được làm lễ truy điệu.

- Nghĩa là coi như đi vào chỗ chết.

- Đúng thế. Nghĩa là coi như cõi chết chắc chắn.

- Chà.

Âm sắc hạ xuống một cung bậc nữa, giọng ông Dung chỉ còn thoang thoảng và lập bập ngắt quãng bên tai tôi:

- Hôm ấy tôi rà phá được năm quả, thì ca nô bị dính thủy lôi, và tôi sau khi bị hất tung lên cao thì rơi xuống nước rồi chìm nghỉm. Cái chết nắm chắc rồi. Đúng như tiền định. Vậy mà lạ chưa, tôi lại mở mắt, và thấy mình ướt sũng nước, còn gằm sát mặt mình là gương mặt một người con gái mắt đầm đìa lệ. Anh, chân anh bị giập nát hết rồi. Nhưng anh đừng lo lắng gì. Em sẽ chung tình với anh, sẽ nuôi anh mãi mãi. Đó là tiếng nói đầu tiên tôi nghe thấy, tiếng nói của người con gái tôi đã gặp trong cơn mưa lũ năm trước. Thế đấy. Cứ như là trong chiêm bao. Nhưng thật tình là rất đơn giản, chẳng có gì là lãng mạn cả. Nhưng mà không sao đâu. Kìa. Cậu kéo đàn đi chứ.

Mưa vẫn mưa bay... Mặt đỏ dừ vì miễn cưỡng, chiếc vĩ cầm trong tay Lâm rì rì đưa đẩy trên mấy sợi dây đàn. Vậy là đã tồn tại một thời lửa đạn và một tình yêu có sắc màu bi tráng, lãng mạn một kiểu cách như thế. Lần đầu tiên chàng thấy mình rơi vào trạng thái bẽ bàng và ngượng ngập, nhưng rất may tiếng đàn đã thổ lộ một cách kín đáo tâm trạng ấy hộ chàng; thêm nữa cùng với nỗi ngượng ngập xấu hổ trong chàng lúc này còn là niềm ước ao và ngưỡng vọng, chúng khiến tiếng đàn của chàng lát sau đã trở lại ngọt ngào quyến rũ như mọi ngày...

    Nổi bật
        Mới nhất
        Một cuộc tình lãng mạn (Phần cuối)<br><i>Truyện ngắn của Ma Văn Kháng</i>
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO