Một con người đôn hậu, sâu sát và trí tuệ

Hà An ghi 18/03/2018 08:07

Là người có 25 năm làm việc ở Trung ương với cố Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, nguyên Chủ nhiệm VPQH VŨ MÃO xúc động: Cố Thủ tướng Phan Văn Khải có nhiều đóng góp thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước. Đặc biệt, ông là con người đôn hậu, giản dị, khiêm tốn, chân thành, sâu sát và trí tuệ. Ông đã vượt qua được nhận thức tầm thường “quyền anh, quyền tôi”, góp phần tạo nên sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan lập pháp và hành pháp.

Có nhiều cống hiến, đóng góp

- Ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của Thủ tướng Phan Văn Khải trong lĩnh vực ngoại giao, đối ngoại của Việt Nam?

- Có thể nói từ sau Đại hội VI năm 1986, đất nước ta đi vào sự nghiệp đổi mới, trong đó những người lãnh đạo như đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt… là lớp đàn anh. Đồng chí Phan Văn Khải là lớp tiếp theo, và có nhiều công lao đóng góp vào sự nghiệp đổi mới của đất nước.  Đặc biệt, khi giữ trách nhiệm Thủ tướng Chính phủ từ năm 1997, đồng chí đã có hoạt động rất toàn diện trong nhiều lĩnh vực.

Về hoạt động đối ngoại, đồng chí có nhiều cống hiến, đóng góp. Ở thời kỳ đó, đất nước ta đang mở cửa hội nhập, tất nhiên từ một tình hình rất khó khăn bao vây cấm vận chuyển, sang mở cửa hội nhập quốc tế. Đó là thời kỳ rất sôi động, mà cũng rất khó khăn. Ở thời kỳ làm Thủ tướng, đồng chí Phan Văn Khải luôn luôn suy nghĩ để làm sao hội nhập được quốc tế, tranh thủ được bạn bè và quan trọng là để người ta hiểu mình, ủng hộ mình. Và điều thiết thực cho mình là người ta giúp mình những kinh nghiệm để quản lý, phát triển đất nước. Nhớ lại thời điểm 1997, thời kỳ khủng hoảng, khi đó Thủ tướng Phan Văn Khải đã rất cố gắng tranh thủ những lãnh đạo của các nước, nhất là thủ tướng các nước, hoặc là mình đến thăm, làm việc với nước họ, hội nghị quốc tế hay khi họ sang thăm nước ta, chủ động để hỏi han. Riêng khía cạnh này, Thủ tướng Phan Văn Khải trao đổi với nhiều người, nhưng riêng với tôi, ông có những tâm sự rất chân thành. Ông nói rằng, thực ra mình phải học hỏi, mình cũng đã tài giỏi đâu, biết nhiều đâu, nhất là những lĩnh vực về kinh tế, hội nhập, cơ chế thị trường, nền kinh tế thị trường như thế nào, phát triển kinh tế tư nhân ra sao. Đặc biệt, trong thời điểm khủng hoảng kinh tế năm 1997 của khu vực châu Á, làm thế nào để thoát ra khỏi khủng hoảng? Thủ tướng Phan Văn Khải đã trao đổi với Thái Lan, Malaysia, Singapore, kể cả Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản bằng một thái độ khiêm tốn, chân thành. Có thể nói, ông đã khai thác được rất nhiều tư liệu, kinh nghiệm từ các nước trong những giải pháp để vượt qua cuộc khủng hoảng đó. Tôi nghĩ đó là việc làm mà chúng ta có thể đánh giá rất cao về Thủ tướng Phan Văn Khải.

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Mão với cố Thủ tướng Phan Văn Khải Ảnh: TL
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Mão với cố Thủ tướng Phan Văn Khải Ảnh: TL 

- Lĩnh vực đối ngoại nói chung, và quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Thủ tướng Phan Văn Khải cũng có đóng góp vô cùng to lớn trong việc củng cố, tăng cường quan hệ giữa hai nước, đặc biệt năm 2005 khi Thủ tướng sang thăm Hoa Kỳ. Ông có thể chia sẻ thêm về những đóng góp này?

- Có thể nói, Thủ tướng Phan Văn Khải cùng các đồng chí lãnh đạo của đất nước ta rất chủ động trong vấn đề quan hệ với Hoa Kỳ. Thực ra, chúng ta cũng có thời điểm rất thuận lợi để xây dựng quan hệ với Hoa Kỳ sau chiến tranh, nhưng do hoàn cảnh thực tế thời kỳ đó, nên thời điểm đó bị bỏ qua. Đến lúc thấy, nên khép lại quá khứ cùng nhau xây dựng tương lai, chúng ta đã rất chủ động. Thủ tướng luôn là người suy nghĩ trăn trở tìm mọi giải pháp để tạo sự nhận thức thống nhất ở cơ quan lãnh đạo.

Thủ tướng Phan Văn Khải là người phải triển khai thực hiện cụ thể, và có thể nói là một trong những người “đứng mũi chịu sào” trong việc này. Đặc biệt, trong lần đi thăm Hoa Kỳ, đồng chí cũng rất chủ động đặt mối quan hệ, gặp gỡ trao đổi để người ta hiểu mình hơn, để người ta thấy được tấm lòng, sự chân thực của mình và hiểu, giúp mình - đó là một yêu cầu thực sự. Và về mặt pháp lý phải xây dựng một mối quan hệ bằng những văn bản pháp luật ký kết giữa hai nước trong trường hợp như vậy. Thủ tướng cũng đã cố gắng bằng sức lực, nhận thức của mình để các đồng chí lãnh đạo cùng đồng tâm, cùng hiểu như vậy.

Nhưng không phải là không có khó khăn, có lúc cũng hẫng hụt, trăn trở… nhưng vẫn phải cố gắng vượt qua, tiếp tục kiên trì phát triển mối quan hệ đó. Tôi cho rằng, đấy là một hành động, một tư duy, một thay đổi cần thiết của một người lãnh đạo.

Vượt qua “quyền anh, quyền tôi”

- Là một người bạn đồng hành nhiều năm với Thủ tướng Phan Văn Khải, cảm nhận của ông về Thủ tướng như thế nào?

- Thực ra, tôi và Thủ tướng Phan Văn Khải có 25 năm làm việc trong Trung ương, các cơ quan lãnh đạo vĩ mô. Đồng chí Phan Văn Khải làm bên Chính phủ, còn tôi làm bên QH.
Tôi nhớ mùa xuân năm 1982, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, tôi và đồng chí Khải cùng tham gia Ban Chấp hành Trung ương, mỗi người ở một cương vị công tác. Nhưng đồng chí Khải là một người khiêm tốn, chân thành, giản dị. Khi ông là Thủ tướng Chính phủ, tôi là Chủ nhiệm VPQH, ông vẫn coi tôi là người bạn cũ. Khi chúng tôi kết thúc nhiệm kỳ QH cuối cùng, thì đồng chí Phan Văn Khải đề nghị với tôi là để phóng viên chụp một bức ảnh và bảo phải bá vai nhau như hai người bạn. Đồng thời, đề nghị phóng viên ghi đề tặng cho chúng tôi mỗi người một bức là “những người bạn 5 khóa Trung ương”.

Thủ tướng Phan Văn Khải là người chân thành, giản dị và gần gũi. Nên dù có khác nhau về cương vị nhưng chúng tôi không có phân biệt, hài hòa với nhau, chia sẻ với nhau những buồn vui. Đấy là điều rất đặc biệt, chúng tôi có thể trao đổi với nhau rất nhiều việc. Đặc biệt, khi đảm nhận cương vị Thủ tướng, là cơ quan hành pháp cao nhất, nhưng theo Hiến pháp, toàn bộ hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… chịu sự giám sát của QH - cơ quan lập pháp cao nhất. Ở đây có mối quan hệ của QH, Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Đảng như thế nào, để trên những đường hướng chung, những quyết định chung của Đảng thì hai cơ quan lập pháp và hành pháp phải phối hợp thật tốt thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. QH là cơ quan lập pháp, thực hiện chức năng giám sát, Chính phủ là cơ quan hành pháp nhưng làm sao để có lợi ích chung chứ không phải “quyền anh, quyền tôi”.

Tôi thấy ở Thủ tướng Phan Văn Khải là đã vượt qua được cái ngưỡng này, vượt qua được nhận thức tầm thường “quyền anh, quyền tôi” mà luôn có sự phối hợp. Tôi là người hiểu rõ nhất vì tôi là cầu nối của UBTVQH với Chính phủ. Tất cả mọi vấn đề qua lại chuẩn bị cho cuộc họp QH hoặc những vấn đề gì cần giám sát, rồi kết quả giám sát như thế nào, công bố cho QH, cho dân biết. Thời kỳ ấy, chúng tôi đều phải suy nghĩ, nghiên cứu để làm sao có lợi nhất trong mối liên hệ của hai cơ quan.

- Nếu nói bằng một vài chữ ngắn gọn về Thủ tướng Phan Văn Khải, ông có thể đúc kết như thế nào? 

- Đó là một nhà lãnh đạo, một con người đôn hậu, khiêm tốn, sâu sát và trí tuệ.

- Xin chân thành cảm ơn ông!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Một con người đôn hậu, sâu sát và trí tuệ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO