Một chặng đường dài
Vào đầu tháng này, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy đã công bố báo cáo có tiêu đề “Hướng tới một Liên minh Kinh tế và Tiền tệ (EMU) thực sự”. Nhiều người cho rằng đây là một trong những bước đi đầu tiên của EU nhằm xây dựng một liên minh tiền tệ mới hay còn gọi là phiên bản 2.0 của Eurozone trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công ở “lục địa già” vẫn chưa có hồi kết. Tuy nhiên, tại cuộc họp của Hội đồng châu Âu sau đó, các nhà lãnh đạo EU đã không thể đạt được đồng thuận về một lộ trình dài hạn và đầy tham vọng hướng tới việc xây dựng một liên minh như vậy. Có vẻ như việc xây dựng EMU thực sự vẫn là một chặng đường dài đối với EU.
Phiên bản Eurozone 2.0
Trong báo cáo trên, ông Van Rompuy đã bày tỏ mong muốn hình thành một liên minh ngân hàng đầy đủ và hoàn thiện ở châu lục này, đồng thời đề xuất các biện pháp để đảm bảo sự ổn định và tính thống nhất của EMU.
Báo cáo là tập hợp của các ý tưởng cải cách và sẽ được thực hiện theo ba giai đoạn, trong đó mục tiêu của giai đoạn 1 (2012-2013) là đảm bảo sự bền vững về tài chính và phá vỡ mối liên hệ giữa hệ thống ngân hàng và vấn đề nợ công. Trong giai đoạn 2 (2013-2014), EU sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống tài chính hợp nhất và thúc đẩy các chính sách cơ cấu hợp lý. Giai đoạn 3 (sau năm 2014) tập trung vào cải thiện sức đề kháng của EMU thông qua việc thành lập một bộ phận giảm sốc ở cấp trung ương.
![]() Nguồn: Theo DW |
Trước đó, vào giữa tháng 8.2012, trong bài viết trên tờ Wall Street Journal, Phó chủ tịch EC cho rằng, các vấn đề kinh tế ngày nay (ở Eurozone) đã bén rễ sâu ngay từ những ngày đầu tiên của dự án châu Âu cách đây 13 năm. Cũng trong bài viết này, ông Rehn nhắc lại sự cần thiết phải cùng chia sẻ nợ giữa 17 nước thành viên Eurozone, cũng như trao quyền cho Cơ chế Ổn định châu Âu (ESM) - bức tường lửa vĩnh viễn của liên minh tiền tệ - để tái cấp vốn trực tiếp cho các ngân hàng.
Con đường đầy chông gai
Trong số 17 nước thành viên Eurozone, Đức là nước kiên quyết phản đối ý tưởng chia sẻ gánh nặng nợ nần. Người Đức lo sợ rằng, bản kế hoạch của vị Chủ tịch Hội đồng châu Âu không khuyến khích các nước tăng cường kỷ luật ngân sách và khả năng cạnh tranh – điều mà Thủ tướng Đức Angela Merkel coi là nhân tố chủ chốt để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Bà Merkel phản đối bất cứ hình thức vay nợ chung nào và các bước đi xa hơn hướng tới một liên minh mới mà ở đó các nước cùng chia sẻ nghĩa vụ nợ.
Các nước thành viên khác có tình hình tài chính tốt và được xếp hạng tín nhiệm AAA cũng bác bỏ ý tưởng trên và coi đó là một con đường dẫn tới sự gia tăng các khoản nợ nần. Những nước đang gặp khó khăn như Italy, Tây Ban Nha và Pháp cũng không mặn mà với ý tưởng và chỉ kêu gọi tăng cường đoàn kết và thúc đẩy tăng trưởng. Trong khi đó, các nước không sử dụng đồng euro như Anh, Đan Mạch và Thụy Điển lại tỏ ra hoài nghi về báo cáo trên.
Trên thực tế, bất cứ cuộc thảo luận nào giữa các nhà lãnh đạo trong Eurozone đều cùng quay về một vấn đề là: ởã đâu, khi nào và làm thế nào để cộng đồng hóa nợ nần và các gánh nặng của các quốc gia thành viên? Ông Martin Schulz, Chủ tịch Quốc hội châu Âu, cho rằng đó là “vấn đề cốt lõi” trong các cuộc thảo luận của các nhà lãnh đạo châu Âu trong thời gian qua. Tuy nhiên, điều đáng buồn là họ vẫn chưa tìm ra được lời giải cho câu hỏi hóc búa đó.
Cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt, người hiện đang lãnh đạo phái theo chủ nghĩa tự do trong Quốc hội châu Âu, cho rằng: “Vào thời điểm này, lãi suất trái phiếu chính phủ đã giảm một chút so với một vài tháng trước đây và điều đó cũng đồng nghĩa với việc áp lực lên các nhà lãnh đạo chính trị đang giảm. Họ nghĩ sẽ có nhiều thời gian hơn để giải quyết các vấn đề của mình”. Tuy nhiên, theo ông Verhofstadt, cuộc khủng hoảng hiện nay “vẫn chưa kết thúc. Khủng hoảng đang tác động rất mạnh lên chúng ta trên nhiều mặt kinh tế, xã hội và tài chính”.
Theo các nhà phân tích, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ chưa thể ra quyết định về vấn đề này trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội ở Đức vào tháng 9.2013. Cựu Thủ tướng Verhofstadt nói: “Các cuộc bầu cử ở tầm quốc gia vẫn chiếm ưu thế trong chương trình nghị sự của châu Âu”.
Trong số các cuộc bầu cử sắp tới, nhiều người lo ngại cuộc bầu cử trước thời hạn ở Italy trong năm 2013 có thể tác động lên lịch trình cải cách ở Eurozone. Có khả năng cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi sẽ ra tranh cử và trở thành người đứng đầu chính phủ Italy sau khi Thủ tướng Mario Monti, người đã đáp ứng được kỳ vọng của những người ủng hộ ở cả EU và ECB khi thành công trong việc giảm lãi suất vay mượn của Italy và đưa tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP của nước này trong năm nay về giới hạn cho phép của EU (dưới 3%), từ chức. Sự trở lại của Berlusconi là điều mà các thị trường không hề mong đợi bởi vì nó có thể làm chệch hướng tiến trình cải cách đang diễn ra ở “đất nước hình chiếc ủng”. Bên cạnh đó, người ta cũng lo ngại việc đạt được đồng thuận trong EU có thể sẽ trở nên khó khăn hơn nếu thiếu ông Monti, người đã vượt qua sự phản đối của Đức tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6.2012 để giúp EU đạt được đồng thuận trong vấn đề hỗ trợ tài chính cho các nước đang gặp khó khăn.
Trước tình hình đó, ông Nigel Farage, một thành viên của Đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) cho rằng liên minh tiền tệ hiện nay không có tương lai. Ông nói: “Liên minh ngân hàng sẽ không làm thay đổi sự thật rằng có sự khác biệt quá lớn về khả năng cạnh tranh giữa Đức và các nước trong vùng Địa Trung Hải”. Trong khi đó, cựu Thủ tướng Verhofstadt có vẻ cũng bắt đầu mất kiên nhẫn khi nói rằng “chúng ta cần phá vỡ Eurozone”. Tuy nhiên, không có nguyên thủ châu Âu nào ủng hộ một giải pháp như vậy. Thậm chí cả ông David Cameron, Thủ tướng Anh, một nước không gia nhập Eurozone, cũng không muốn chứng kiến một kết cục không có hậu như vậy đối với đồng euro.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Áo Werner Faymann đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành các cuộc thảo luận về tương lai của EU. Ông nói: “Tôi không hy vọng rằng hôm nay, chúng ta sẽ nhất trí về mô hình EU trong vòng 20 năm tới. Tuy nhiên, việc thảo luận chính sách về việc làm thế nào để chúng ta có thể hợp tác tốt hơn và chặt chẽ hơn với nhau là rất quan trọng”.