Trình hiện chân thực và sinh động
“Khi nhận được cuốn sách, tôi trân trọng đặt nó lên giá sách. Trong giá sách ở nhà tôi có cuốn Lịch sử thế giới bằng hình, Lịch sử châu Âu bằng hình, đều là tiếng Anh, giờ có thêm cuốn Lịch sử Việt Nam bằng hình, bằng tiếng Việt” - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.TS Sử học Hoàng Anh Tuấn chia sẻ tại tọa đàm ra mắt sách Lịch sử Việt Nam bằng hình sáng 26.9. Từ công tác nghiên cứu, đọc và học sử học, kinh nghiệm làm quản lý về xuất bản, GS.TS. Hoàng Anh Tuấn nhận định đây là ấn phẩm vừa có tính mới lạ trong mô thức xuất bản về lĩnh vực đặc thù, vừa có độ bao phủ rất rộng và sự tổng hợp tri thức khoa học chuyên sâu, cập nhật nội dung mang “hơi thở mới” của khoa học lịch sử. “Điều đó khiến cá nhân tôi và nhiều người không thể không bày tỏ sự ngưỡng mộ”.
“Lịch sử Việt Nam bằng tranh chúng ta đã có rồi nhưng lịch sử Việt Nam bằng hình thì đây là lần đầu tiên”. Chỉ ra như vậy, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, PGS.TS. Trần Đức Cường cho rằng, có thể gọi Lịch sử Việt Nam bằng hình là thông sử hay lược sử đều đúng. Cuốn sách gồm 659 trang, 2.000 hình ảnh và bản đồ, thể hiện một cách hệ thống, công phu về lịch sử Việt Nam từ cách đây 80 vạn năm đến nay, trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa - nghệ thuật, kiến trúc, phong tục tập quán… Ở đó, chúng ta thấy quá trình dựng nước và giữ nước được tái hiện toàn cảnh, thấy bản trường ca hào hùng và bi tráng về một đất nước có bề dày hàng nghìn năm văn hiến, nơi các thế hệ người Việt Nam đã định hình nên một quốc gia có bản sắc riêng.
Cuốn sách đưa độc giả ngược về quá khứ với những trận đánh làm thay đổi lịch sử Việt Nam như trận Bạch Đằng năm 938, trận Chi Lăng năm 1427, trận Ngọc Hồi năm 1789, trận Điện Biên Phủ năm 1954… Bên cạnh những trận đánh vang danh, các danh nhân lịch sử cũng được giới thiệu hành trạng và sự nghiệp như Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp… Bên cạnh lịch sử Việt Nam, cuối mỗi phần trong sách đều có thêm bài khái quát vắn tắt tình hình Trung Quốc và phương Tây ứng với từng giai đoạn lịch sử trong nước.
Cách đưa nội dung như vậy giúp độc giả dễ dàng đối sánh, soi chiếu rộng ra khung cảnh thế giới đương thời, lý giải được nhiều bước ngoặt quan trọng của dòng chảy lịch sử nước nhà. Theo PGS.TS. Trần Đức Cường, “cùng với số lượng minh họa phong phú và đa dạng, sự trình hiện hình ảnh di tích, hiện vật… để minh họa cho ngôn từ, lịch sử hiện ra một cách chân thực, trang trọng, đẹp đẽ, dễ đi sâu vào tâm trí. Là người trong ngành, tôi đọc Lịch sử Việt Nam bằng hình với tâm thế thật chậm, căn ke từng chi tiết, để rồi nhận thấy cả một pho sử Việt hiện ra một cách hệ thống, toàn diện, sinh động và hấp dẫn”.
Mở lối tiếp cận sử Việt
Ý tưởng hình thành cuốn sách Lịch sử Việt Nam bằng hình bắt đầu từ 17 năm trước. Bấy giờ, Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A mới thành lập được 3 năm. Giám đốc, họa sĩ Trần Đại Thắng đi dự Hội chợ sách Frankfurt, Đức (tháng 10. 2007) và choáng ngợp với những cuốn sách lịch sử hoành tráng, chuyên nghiệp của nước ngoài. Anh nhen nhóm làm được cuốn sách lịch sử Việt Nam như vậy. Tuy nhiên, làm sao để gói trọn di sản lịch sử, văn hóa đồ sộ mà tiền nhân để lại, làm sao để có một cuốn lịch sử Việt Nam mới mẻ, hiện đại, không dễ. Phải 8 năm sau, đến năm 2015, ban biên tập của Đông A mới bắt tay hiện thực hóa ý tưởng này.
Trưởng ban biên tập Đông A Đỗ Quốc Đạt Nhân cho biết, khi trao đổi, xây dựng đề cương, bố cục, định các phần, quy tụ đội ngũ biên soạn… chủ đích ban biên tập hướng đến là phác họa toàn cảnh về lịch sử Việt Nam, không xoáy sâu vào các trận đánh, triều đại mà tập trung vào những dấu ấn, con người, những lát cắt văn hóa được bồi đắp trong dòng lịch sử Việt Nam, cập nhật các dữ liệu nghiên cứu mới nhất được công bố. “Ví dụ, trong sách có những bài nói về sự ra đời của một số nghề như gốm, in ấn…; sự hình thành một số thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn… Mỗi phần như vậy chỉ khoảng 2 - 4 trang, từ đó tổng hợp cho hình dung bức tranh toàn cảnh. Cách làm này nhằm phù hợp với đa dạng đối tượng độc giả, cả những ai ít thời gian, lần đầu tiếp cận với lịch sử”, ông Đỗ Quốc Đạt Nhân nói.
Một tinh thần làm sách lịch sử công phu và hiện đại là điều mà PGS.TS. Phan Ngọc Huyền, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cảm nhận được khi tiếp cận bản thảo Lịch sử Việt Nam bằng hình. PGS.TS. Phan Ngọc Huyền chỉ ra cách sắp xếp, nội dung, trình bày dữ liệu khiến độc giả ấn tượng, cảm thấy gần gũi khi tìm hiểu về lịch sử so với các sách sử truyền thống. “Các lớp thời gian, lớp văn hóa được trình hiện ấn tượng thông qua cách đặt tiêu đề súc tích mà gây chờ đợi như Số phận công thần, Sóng gió vương triều, Những nhà canh tân, Thế giới chuyển biến… Trước mỗi phần bao giờ cũng có khái quát dòng thời gian và thông tin cơ bản để dẫn vào nội dung chính. Đó tựa như những cánh cửa mời gọi người đọc bước vào sử học Việt Nam”.
Theo nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, PGS.TS. Trần Trọng Dương, xã hội ngày nay cần nhiều hơn nữa những cánh cửa mời gọi công chúng tìm về lịch sử và yêu thích lịch sử. Những ấn phẩm giá trị không chỉ cung cấp tư liệu lịch sử, câu chuyện lịch sử bằng ngôn ngữ viết mà còn bằng hình ảnh, cảm nhận trực quan, cộng hưởng xúc cảm của con người hiện đại. “Đó là cái mới từ giá trị cũ, là sự tiếp nối tri thức, thành tựu của biết bao thế hệ đi trước. Đó còn là khởi đầu cho sứ mệnh truyền tải thông điệp lịch sử theo cách riêng, cho hành trình ‘tuyên chiến’ với thiết bị công nghệ, để chúng ta tiếp cận lịch sử một cách đầy xúc cảm”.