Một Bộ trưởng Nhật Bản từ chức vì “vạ miệng”
Bộ trưởng Nông nghiệp Nhật Bản Taku Eto vừa phải tuyên bố từ chức nhằm chịu trách nhiệm cho phát ngôn gây tranh cãi của mình.
Sáng 21/5, ông Eto chính thức nộp đơn từ chức Bộ trưởng tại Văn phòng Thủ tướng, do áp lực từ dư luận liên quan đến phát ngôn của ông về gạo.
Theo The Guardian, trong buổi gây quỹ vào ngày 18/5 vừa qua, Bộ trưởng Taku Eto nói rằng mình “chưa bao giờ phải mua gạo” vì được người ủng hộ tặng, thậm chí nhiều đến mức “có thể bán được”.

Trong bối cảnh giá gạo tại nước này đang ở mức cao kỷ lục, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, phát ngôn của người đứng đầu Bộ Nông nghiệp ngay lập tức khiến dư luận dậy sóng. Dù sau đó một ngày ông Taku Eto đã công khai xin lỗi nhưng dư luận và giới chính trị vẫn tiếp tục phản ứng dữ dội.
“Tôi tự hỏi liệu mình có thể tiếp tục giữ chức lãnh đạo Bộ Nông nghiệp vào thời điểm quan trọng đối với giá gạo này hay không, và tôi kết luận là không thể. Một lần nữa, tôi xin lỗi mọi người vì đã đưa ra những phát ngôn hết sức không phù hợp với tư cách là Bộ trưởng khi người dân đang phải vật lộn với tình trạng giá gạo tăng vọt hiện nay”, ông Taku Eto phát biểu sau khi nộp đơn từ chức.
Đây là trường hợp từ chức đầu tiên trong nội các của Thủ tướng Ishiba kể từ khi chính phủ mới được thành lập vào tháng 10 năm ngoái. Theo truyền thông Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba dự kiến sẽ bổ nhiệm ông Shinjiro Koizumi - cựu Bộ trưởng Môi trường - làm người kế nhiệm ông Eto.
Vụ việc này được cho là sẽ ảnh hưởng đến vị thế của Thủ tướng Shigeru Ishiba, nhất là khi cuộc bầu cử Thượng viện quan trọng chuẩn bị diễn ra vào tháng 7 tới. Trước đó, ông Ishiba cũng đã lên tiếng xin lỗi người dân vì phát ngôn không phù hợp của ông Taku Eto.

Hiện giá gạo tại Nhật Bản đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ: 4.268 yen (khoảng 750 nghìn đồng) cho 5kg gạo. Nguyên nhân do nhiều yếu tố, như mất mùa do thời tiết nóng vào năm 2023 và tình trạng thu mua tích trữ do cảnh báo “siêu động đất” năm 2024. Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện một số biện pháp kiểm soát giá cả từ tháng 3, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được hiệu quả đáng kể.
Trong một cuộc khảo sát gần đây của Kyodo, 87% số người được hỏi không hài lòng với cách chính phủ Nhật Bản xử lý cuộc khủng hoảng giá gạo, trong khi tỷ lệ ủng hộ Nội các của Thủ tướng Ishiba cũng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 10 năm ngoái.