Theo hồ sơ của bệnh viện, sáng ngày 5.12, trong quá trình di chuyển tại gia đình, một bệnh nhân ở Hà Nội bị ngã cầu thang và gây chấn thương sọ não nặng. Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai trước khi chuyển về Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) để tiếp tục điều trị. Dù các bác sĩ đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp hồi sức chuyên sâu, tình trạng của bệnh nhân không cải thiện.
Đêm ngày 6.12, các hoạt động kiểm tra, đánh giá xác định chết não đã được thực hiện 8 lần. 5h sáng 7.12 thực hiện xét nghiệm cuối cùng xác nhận não không còn hoạt động nữa. Với tấm lòng nhân đạo "cho đi là còn mãi", gia đình nạn nhân đã đồng ý hiến mô, tạng của nạn nhân để cứu sống nhiều người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo khác.
Và vào lúc 6h30 phút sáng 7.12, ca phẫu thuật lấy tạng được tiến hành tại Bệnh viện Thanh Nhàn, với sự phối hợp chặt chẽ giữa đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện và Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) bảo đảm an toàn, chặt chẽ, khoa học, tuân thủ đúng các quy chuẩn chuyên môn và quy định của pháp luật.
Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn PGS.TS Đào Quang Minh cho biết, sau khi hội chẩn, bệnh nhân đã chết não, tổ công tác xã hội của 2 bệnh viện là Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Thanh Nhàn đã phối hợp động viên, giải thích cho người nhà bệnh nhân và được sự đồng thuận từ người nhà của bệnh nhân đồng ý hiến tạng. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa để có thể mang lại cuộc sống cho nhiều người.
Các tạng đều được bảo quản đúng quy trình ở mức cao nhất và vận chuyển nhanh chóng đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Tại đây, 4 phòng mổ cùng lúc sáng đèn để đồng thời tiến hành 1 ca ghép tim, 1 ca ghép gan và 2 ca ghép thận. Đến 16h cùng ngày, 4 ca ghép đã được thực hiện thành công.
PGS.TS Đào Quang Minh cho biết, tổ tư vấn viên vận động hiến tặng mô, tạng sau chết/chết não được thành lập từ tháng 10.2024 và đây là ca đầu tiên, tổ tham gia vận động thành công với sự hỗ trợ tận tình của các đồng nghiệp tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Đại diện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, dù còn một hành trình dài chăm sóc hồi sức sau ghép, nhưng hành động nhân văn của gia đình người cho tạng đã góp phần thắp sáng tia hy vọng hồi sinh, nối dài sự sống cho nhiều người khác.
Được biết đây là lần đầu tiên, Bệnh viện Thanh Nhàn thực hiện ca lấy tạng từ người hiến sau khi chết não. Đây sẽ là bước tiền đề để bệnh viện cùng góp sức tham gia vào hoạt động làm cầu nối hồi sinh những cuộc đời.
Theo Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, một người chết não có thể hiến tạng cứu sống 8 người khác và có thể giúp cải thiện cuộc sống cho 75 - 100 người khác. Ca chết não hiến tạng đầu tiên ở nước ta là vào tháng 5.2010 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Tính đến tháng 9.2024, sau 32 năm triển khai ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước ghi nhận 180 ca chết não hiến tạng.