Một ASEAN trưởng thành ở tuổi 40

01/09/2007 00:00

Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN) kỷ niệm 40 năm thành lập bằng những bước tiến dài tới Hiến chương đầu tiên trong lịch sử, với định hướng trở thành một tổ chức chính trị - kinh tế tiểu khu vực vận hành trên cơ sở luật lệ. Hiến chương sắp được thông qua liệu có là sự tiếp nối của “phương cách ASEAN” vốn đã trở nên lỗi thời, hay sẽ xây dựng một nền tảng duy lý, vốn không phù hợp với văn hóa châu Á, biến ASEAN trở thành một EU phương Đông?

      Đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm ASEAN, bản dự thảo Hiến chương ASEAN đầu tiên đã được trình lên Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Manil, Philippines. Hiến chương mới sẽ biến ASEAN thành một khối liên kết dựa trên luật lệ, giống như cách thức vận hành của Liên minh châu Âu. Bản dự thảo Hiến chương do Nhóm Những người nổi tiếng (EPG - gồm các cựu quan chức và các quan chức đương nhiệm hàng đầu của ASEAN) nghiên cứu xây dựng. Tháng 12.2006, EPG đã công bố một loạt khuyến nghị về Hiến chương ASEAN, trong đó, đáng chú ý là việc thành lập Hội đồng ASEAN để thay thế Hội nghị Cấp cao ASEAN như tổ chức cao nhất của Hiệp hội. Hiến chương cũng gồm một số vấn đề chủ chốt khác, như các mục tiêu và nguyên tắc cơ bản của ASEAN (nhất là nguyên tắc ra quyết định), vấn đề thành viên, tổ chức bộ máy Hiệp hội trong tương lai, vai trò của Chủ tịch ASEAN và của Tổng thư ký ASEAN... EPG đã đề xuất những biện pháp cụ thể nhằm biến ASEAN thành một tổ chức chặt chẽ hơn. Hiến chương của ASEAN sẽ không quy định các biện pháp trừng phạt các nước thành viên, nhưng ASEAN sẽ tìm các biện pháp để giải quyết những vấn đề ảnh hưởng tới vị thế của khối, bằng những điều khoản cho phép các nhà lãnh đạo có hành động thiết thực trong trường hợp có nước không tuân thủ. 
      Trong 40 năm qua, từng có rất nhiều tuyên bố, kế hoạch... được đưa ra trong khuôn khổ ASEAN nhưng tất cả đều có đặc điểm chung là hầu như không có điều khoản thi hành, chế tài xử phạt đối với thành viên ASEAN không tuân thủ. Điều này một phần bắt nguồn từ cái gọi là “phương cách ASEAN”, dựa trên 2 nội dung quan trọng là nguyên tắc đồng thuận và nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ của nhau. Về cơ bản, trong quá khứ, phương cách ASEAN từng là, như lời nguyên Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải nhận xét, “một cách tiếp cận năng động, khôn khéo, mềm dẻo, phát huy được thế mạnh chính trị của khu vực, những nét đa dạng về văn hóa-xã hội, chính trị, kinh tế của các nước thành viên để biến thách thức thành cơ hội, biến đối đầu và cạnh tranh thành đối thoại và hợp tác”. Với phương cách này, ASEAN đã trở thành một trong những tổ chức khu vực tồn tại lâu nhất từ sau 1945, là khu vực không có các cuộc xung đột quân sự giữa các thành viên kể từ khi thành lập. ASEAN cũng là một tổ chức thành công trong việc đón nhận và hòa nhập một nước đối đầu cũ trở thành một thành viên trụ cột, đó là Việt Nam. Trong khu vực, ASEAN, với tư cách là một tập thể, luôn nhận được sự tôn trọng của các cường quốc, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và  Ấn Độ.
      Tuy nhiên, từ sau cuộc khủng hoảng 1997, phương cách ASEAN đã cho thấy những bất cập của mình. Chính nguyên tắc không can thiệp đã làm cho ASEAN, với tư cách là một tổ chức khu vực, bị tê liệt trong việc giúp đỡ các thành viên sáng lập của mình thoát khỏi khủng hoảng. Thay vào đó, từng nước đi tìm sự giúp đỡ từ Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) hoặc các cường quốc khác ngoài ASEAN. Trong vấn đề tranh chấp về biên giới lãnh thổ, các nước dù thống nhất sẽ giải quyết một cách hòa bình trên cơ sở thỏa thuận, nhưng họ lại tìm đến Tòa án quốc tế TCT thay vì tìm đến các cơ chế ngoại giao của ASEAN (như trường hợp giữa Indonesia và Malaysia). Triển vọng về một Cộng đồng an ninh ASEAN với một môi trường “công bằng, dân chủ và hòa bình” đã được các nước ASEAN thống nhất chấp thuận từ năm 2003, nhưng lại không có công cụ hay chế tài nào đi kèm. Trong khi đó, các tổ chức khu vực tương tự, như Tổ chức Liên Mỹ, có điều khoản trong Hiến chương không ủng hộ việc chống lại chế độ hoặc đảo chính lật đổ các chính phủ của các quốc gia thành viên. Thế nhưng, ASEAN với nguyên tắc “không can thiệp nội bộ”, đã không thể đưa ra một quan điểm chính thức đối với cuộc đảo chính tại Thái Lan năm ngoái. Ngoài ra, còn một số vấn đề gây tranh cãi dai dẳng trong ASEAN nhưng không thể đi tới quyết định giải pháp cuối cùng do chính tính thụ động của “phương cách ASEAN” cũng như sự can thiệp của nước ngoài; có thể kể đến vấn đề nhân quyền của Myamar và trách nhiệm của Indonesia trong việc để xảy ra cháy rừng liên tục qua từng năm gây ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường các nước trong khu vực.
      Tuy vậy, với những nội dung ở trên, dự thảo Hiến chương không phải là một công cụ hoàn toàn mới, xóa bỏ những nét tích cực của “phương cách ASEAN”. Điều này không phải do các quốc gia thành viên ASEAN không dám vượt qua quá khứ, mà chính vì dự thảo Hiến chương, cũng như “phương cách ASEAN” trước kia được xây dựng trên nền tảng văn hóa phương Đông, coi trọng sự đoàn kết và phồn vinh của tập thể cộng đồng hơn lợi ích và quan điểm của từng cá nhân, coi trọng sự khoan dung hơn sự trừng phạt. Chính vì vậy, một cách tiếp cận hoàn toàn duy lý để xây dựng một tổ chức khu vực theo mô hình của Liên minh châu Âu sẽ là sai lầm, nhất là khi ở châu Âu, cách tiếp cận như vậy còn vấp phải quá nhiều khó khăn.
      Nói về đời người, văn hóa phương Đông có câu nói “Tứ thập nhi bất hoặc”, có nghĩa là bước vào tuổi 40, con người đã phân biệt được bản sắc của mình với người khác, không còn nghi ngờ về điều mình cần hay không cần, phân biệt được người tốt kẻ xấu... Có lẽ ở tuổi 40, ASEAN cũng đã đủ trưởng thành để hiểu cần giữ lại điều gì, phát huy và loại bỏ điều gì trong hành trang của mình để tiến bước trở thành một tổ chức khu vực năng động ở trái tim châu Á.

Quang Anh

    Nổi bật
        Mới nhất
        Một ASEAN trưởng thành ở tuổi 40
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO