Mong một cơn mưa (Phần cuối)
Truyện ngắn của Tô Hải Vân

5.
Thứ năm. Đến nơi làm việc, ai nhìn vào mặt gã cũng đều có ánh mắt là lạ. Từ thằng cha thường trực ngoài cổng, ông già giữ xe, cô văn thư đi các phòng phát báo, cho đến trưởng phòng. Dường như mọi người ngay lập tức biết chuyện nàng bỏ gã? Cũng có thể. Ngày nay, chẳng có gì là không thể. Mọi mối liên hệ loằng ngoằng với nhau, và internet như cái mạng nhện.
Nhưng đối với sự kiện này, lẽ ra là không thể. Trong cái thành phố rộng lớn này, có ai biết chuyện giữa gã và nàng? Hay là nàng đã tung chuyện riêng của nàng với gã lên mạng, trên trang blog của nàng? Cũng không thể. Những người ở nơi gã làm việc không vào internet nhiều, họ thích quán bia hơn. Nhìn chung, những cảm giác thường làm cho con người ta lầm lẫn, gã nghĩ. Những ánh mắt là lạ chỉ có thể là sản phẩm của trí tưởng tượng, gã khẳng định như vậy.
Gã vào đến khoang của mình, mở máy tính. Kiểm tra thư điện tử. Hàng đống! Cả một dãy dài thư gửi cho gã. Mọi khi, gã đã lăm lăm con chuột trong tay, thư nào là thư rác, là quảng cáo, thư nào nghi ngờ gài virus, gã lập tức xóa bỏ. Nhưng hôm nay, sau khi duyệt hết cả một danh sách thư dài dằng dặc, gã ngả người trên tựa ghế, mắt chăm chăm nhìn vào màn hình máy tính. Gã nghĩ: Quả thật những thư này đều gửi cho mình. Địa chỉ mình đây, tên mình đây, nhưng mình có quen ai trong số các tác giả thư từ kia đâu! Không hề quen biết! Cũng không có thư nào liên quan đến công việc hoặc chức trách đang làm. Lại còn thư này nữa: Kính gửi ông... tên gã viết rất chính xác. Cả địa chỉ và số điện thoại. Ông (tên gã) thân mến, thân mến cái con khỉ, tao biết mày là cái thằng nào? Chưa hết. Còn cái thư này nữa. Ông (tên gã) thân mến, chúng tôi biết rằng ông đang cần sở hữu một cái ghế thật êm... Quái, chính xác là mình đang cần một cái ghế thật êm, vì mông đang có một cái nhọt, nhưng sao cái thằng cha lạ hoắc nào đó lại biết? Cái thế giới này thật hỗn loạn và tọc mạch. Cho nên thiên hạ biết chuyện của gã và nàng cũng là điều có thể.
Gã muốn chuyển màn hình sang chế độ làm việc, nhưng không hiểu sao gã cứ ì ra. Ngồi một lúc, bỗng keng một tiếng, màn hình báo có thư mới. Thư nàng! Gã nhổm hẳn người lên, bất giác reo: A a!!!
Tiếng reo của gã tuy không to, nhưng trong căn phòng tĩnh lặng ai nấy đều chăm chú làm việc nó lại trở nên rất rõ.
Cả một rừng đầu quay lại nhìn gã.
Nhưng gã bất cần. Gã vội vã mở thư nàng ra đọc. Rất có thể trong đó nàng sẽ lý giải vì sao mấy hôm trước nàng bỏ gã mà đi. Nhưng rồi gã lại thất vọng: Một cái thư trắng.
Tại sao lại chỉ là thư trắng?
Phụ nữ, không sao hiểu nổi.
Nhưng dù sao, mình cũng đã a a được một lần, gã thầm nghĩ.
6.
Thứ sáu. Giám đốc Công ty cho gọi gã. Gã được thông báo là Công ty không hoan nghênh gã tiếp tục làm việc ở Công ty nữa.
Gã đã kêu a a, tuy không to, nhưng đủ để ông Giám đốc và cô thư ký nghe thấy. Có thể đến thằng cha văn thư ngồi tít ngoài kia cũng nghe thấy nữa kia. Gã thở dài: Ông chủ không cần người biết kêu a a, ông chủ cần người làm việc, và biết kêu vâng vâng.
7.
Gã rời cơ quan về nhà. Gã về vào lúc con Bốp bất ngờ nhất. Mọi khi ông chủ mãi đến tối mới về, hôm nay ông chủ sáng đã về! Không cần biết lý do, chỉ cần biết ông chủ về, thế là con chó xồ ra, nhảy cẫng xung quanh gã, sủa rất to, rất vui vẻ.
- Mày sướng thế! - Gã buột miệng.
Và nghĩ: Hay là, gâu gâu của chó chính là tiếng kêu a a của con người?
8.
Tối thứ sáu. Gã đã thất nghiệp được 12 tiếng đồng hồ.
Đã từng thất nghiệp một lần, nên bây giờ không sốc như lần đầu. Hơn nữa, vì đã từng có ý nghĩ bỏ việc ở đó, nên có lúc gã còn khoái chí. Nhưng dù sao, cũng rất khó chịu. Bởi vì gã không phải là người chủ động trong việc này. Dường như mọi mối liên hệ của gã với cuộc đời đều bị cắt.
Bây giờ, gã muốn gọi điện đến cho ai đó. Người đầu tiên gã nghĩ đến là nàng. Dù sao đi chăng nữa, nàng cũng là người thân thuộc với gã hơn cả. Nhưng gã thấy hơi ngần ngại. Gã nhìn chằm chằm vào cái máy điện thoại di động. “Con dế” của gã anh ánh màu bạc. Tuần trước, gã vừa mới đổi “con” cũ, ít hiện đại hơn, lấy “con” này, thuộc loại hiện đại nhất hiện nay. Gã thích kỹ thuật cao. Rất thích. Máy tính của gã bao giờ cũng gài hệ điều hành mới nhất. Các phần mềm khác cũng thế. Bao giờ cũng phải là version cuối cùng!
- Em phải biết, “con” này có thể truy cập mạng, nhận e-mail, lại còn có cả định vị bằng vệ tinh - Gã từng khoe với nàng như vậy.
Gã còn nhớ, khi ấy, nàng nói:
- Tốt quá, định vị bằng vệ tinh, em có thể quản lý anh được rồi. Ngồi bia bọt ở đâu em biết hết.
“Ôi mình ngu quá” - gã nghĩ ngay - “không dưng lại mua xích tự đeo vào cổ.”
Bây giờ, đến xích cũng không còn.
Gã quả quyết bấm máy gọi cho “xích”. Như cả tuần nay, “xích” tắt máy. Không hiểu nàng còn giận gã bao lâu? Trên mặt bàn làm việc của gã vẫn còn quyển sổ tay của nàng, và trong tủ vẫn còn bộ áo vét của nàng.
Gã bặm môi. Phải gọi cho ai chứ nhỉ? Bức bối quá. Gã ngồi trên ghế tựa, duỗi dài chân. Có những lúc trong cuộc đời muốn nói chuyện với ai đó, ai cũng được, gã bây giờ đang trong tâm trạng như thế. Nhưng khi giở danh bạ điện thoại trong máy ra, một danh sách rất dài, từ vần A đến vần Y, chẳng có việc gì làm, gã kiên nhẫn đọc hết một lượt, và gã phát hiện ra rằng mình chẳng thể gọi cho ai. Nàng thì cố tình không trả lời. Bố mẹ thì chẳng biết nói chuyện gì. Đồng nghiệp, có gọi cũng chẳng biết nói sao. Bạn bè, chúng mày đi đâu hết??? Gã quăng cái điện thoại di động rất hiện đại vào xó nhà.
Đột nhiên, có cái gì mềm mềm ấm ấm trên mu bàn tay. Gã giật mình nhìn chéo sang bên cạnh. Con chó yêu của gã đang liếm tay gã. Gã cúi xuống, nâng bổng con chó lên (dù nó nặng ra phết), đặt cả nửa người nó lên lòng mình. Gã vuốt đầu nó, vò đôi tai rất mềm của nó, nghĩ: Mày cóc cần điện thoại di động với máy tính có hệ điều hành mới nhất, có phải không? Con chó kêu ư ử, ra vẻ đồng ý.
9.
Sáng thứ hai. Bây giờ mới hiểu: Thời gian không phải lúc nào cũng dài như nhau.
Suốt mấy ngày qua, gã dọn nhà, tắm cho chó, giặt hết số quần áo nghi ngờ có mùi hôi, sửa chữa hai cái ghế long vít, bán đồng nát rất nhiều tạp chí và báo cũ, và nhiều công việc không tên khác. Rồi hết việc.
Gã lại đứng bên cạnh cửa sổ tầng hai, nhìn sang khu vườn nhà bên cạnh. Vẫn thế, um tùm, cây cối mọc lộn xộn, che lấp một căn nhà nhỏ một tầng cũ kỹ. Một hôm, gã đã gặp cơn mưa ở đó. Và bây giờ, gã rất muốn gặp lại cơn mưa, nhưng trời vẫn nắng chang chang. Gã hiểu: Sẽ chẳng có cơn mưa nào giống cơn mưa nào.
Chẳng có vẻ đàn ông gì cả, gã nghĩ. Thất nghiệp ư? Khinh. Hơn nữa, còn phải kiếm tiền. Nếu không, sống bằng gì?
Thế là, gã nhảy bổ ra đường. Tiền ở các xó xỉnh, ngõ ngách, trong một cuốn sách dạy kinh doanh nào đó gã đã từng đọc nói như vậy. Không cần gọi điện thoại, gã xông thẳng đến mấy địa chỉ “chiến hữu” ngày xưa. Không hiểu sao tên nào cũng “đi họp” vào đúng lúc gã cần đến họ nhất. Mãi đến khi người thư ký tên “chiến hữu” thứ tư báo hắn đi họp không thể tiếp ông (là gã) được, gã đã buột miệng kêu a a khá to.
Ra đến ngoài đường, gã không ngạc nhiên vì hiện tượng đi họp đột xuất của bấy nhiêu con người, mà lại tự ngạc nhiên vì sao mình lại kêu được a a trong lúc ấy.
Rất tình cờ, gã gặp một thằng bạn từ hồi còn học lớp sáu.
Gã nhớ, hồi lớp sáu, thằng này là đứa gầy gò nhất lớp, bị gọi là “còi”, chuyên bị bọn cùng lớp bắt nạt. Chẳng ai chơi với nó, không hiểu vì sao. Trẻ con không tự hỏi vì sao. Thỉnh thoảng lại bị một thằng lớn hơn giả vờ đi ngang qua thụi cho một quả mà không biết kêu ai. Giờ ra chơi nó lủi thủi đứng một xó. Đến đi đái cũng lủi thủi đi một mình. Mà cũng chẳng hiểu vì sao một hôm hứng chí lên, gã rủ thằng kia cùng đi đái. Mày đái xa thế! Nhất lớp! - Gã thán phục. Thế là bắt đầu chơi với nhau. Tuy gọi là chơi với nhau nhưng gã luôn luôn đi trước thằng kia lẽo đẽo theo sau, và luôn luôn phải canh chừng không cho bọn khác thụi vào mạng sườn thằng còi. Nhưng cũng chỉ được một năm, “Còi” chuyển trường.
- Sao bây giờ béo tốt thế? - Gã buột miệng hỏi, thán phục nhìn thằng bạn, trong khi nhìn lại mình thấy gầy gò thảm hại.
- Hi hi - “Còi” cười - nhờ cơn mưa chứng khoán đấy.
Sau hai vại bia, thấy mặt gã như đưa đám, thằng bạn gợi hỏi. Thế là chẳng biết vì sao gã tông tốc kể hết chuyện cho thằng bạn hơn mười lăm năm mới gặp nghe, bỏ qua tất cả những nguyên tắc mà gã từ khi đi làm đã tự răn mình.
Thằng bạn nghe xong ngáp một cái, tuồng như bảo chuyện cũ mèm, chán chết, ai mà chả thế. Lúc sau, nó bảo:
- Đưa tiền đây.
- Gì?
- Đưa hết tiền đây.
- Tiền nào?
- Thì, ông vừa bảo có khoản bồi thường mất việc làm vừa lĩnh ấy? Đưa đây cho tôi.
Gã đưa tiền cho “Còi”. Chắc nó cần. Hơn nữa, gã bây giờ thẳng thiết một cái gì, cầm cọc tiền kia cũng vô dụng.
10.
Thứ tư. Thằng bạn trước còi nay béo đột nhiên gọi điện thoại, nhắn ra quán bia đầu phố. Thì đi, gã nghĩ, thời gian bây giờ mình có khối. Bao nhiêu bạn bè biến hết giờ vớ được thằng bạn cũ rủ đi uống bia cũng hay.
Thằng “còi” gặp gã một cái đã ngáp. Gã chợt buồn cười: Mình nhạt nhẽo, thảm hại đến thế ư?
Đợi gã ngồi xuống, uống xong một hơi dài bia, mép vẫn còn nghe tanh tách bọt vỡ, “Còi” mới đặt lên bàn một cọc tiền to hơn cọc gã đưa cho hắn hôm trước:
- Của ông đấy.
- Sao lắm thế? - Gã ngạc nhiên.
- Ừ, thì, trúng quả chứng khoán. Tôi là dân môi giới mà! Bạn bè giúp nhau tý chút - Hắn cười giả lả - Để kỷ niệm ngày ông khen tôi tài, không phải học giỏi nhất lớp mà đái xa nhất lớp.
Về nhà, cầm xấp tiền nặng trong tay, gã cũng khoái. Gã tung tung tập tiền. Gã cười.
Nhưng thực ra, gã vẫn muốn một điều khác. “Tiền nhiều cũng thích, nhưng vẫn không kêu a a lên được” - Gã nghĩ thầm. Đấy mới chính là cái gã muốn.
Và gã đã hiểu tại sao dạo này, gã rất mong những cơn mưa. Đó là cơ hội rất tốt để có thể kêu a a thật to, và hình như chỉ có những cơn mưa mới giải tỏa được cho gã lòng mong muốn đó.
Nhưng trời vẫn không mưa!
Đồng thời, gã vẫn mong nàng đến, nói lời dịu dàng với gã: Em trở lại với anh đây, nhưng đã mười ngày nay nàng vẫn như biến đi đâu khỏi thế giới này rồi. Dần dà, gã mong nàng chẳng khác mong một cơn mưa. Cả hai nỗi mong đan xen nhau, khiến cho gã lúc nào cũng có cảm giác cồn cào.
Không ngày nào là gã không ra đứng rất lâu cạnh cửa sổ tầng hai, nhìn ra khu vườn bên kia. Đôi khi, gã nghĩ, nếu có ai đó, như nhân viên ghi số điện, nhân viên thu tiền vệ sinh chẳng hạn, đến bên hàng rào khu vườn nhà kia, thì thế nào gã cũng sẽ nhảy bổ xuống bắt chuyện như đã từng nói chuyện với anh chàng nhân viên “một khối rưỡi nước, thế anh tắm ở cơ quan à?” Nếu như sau khi nói chuyện lại có mưa chẳng hạn, gã nghĩ gã nhất định thử hét lên cho mà xem!
11.
Chiều thứ sáu. Trời bức bối không thể chịu được. Gã nghĩ sẽ mưa nhưng đợi mãi chẳng mưa. Gã lấy xe máy, phóng lên cầu Thăng Long. Gã đứng tựa thành cầu, nhìn xuống dòng sông Hồng đang mùa đục ngầu và chảy siết. Chẳng có ngọn gió nào. Đằng sau, xe ô tô, xe máy vụt qua lại, kêu vu vu.
Chỉ có gã đứng một mình ở đây. Những cái xe không cảm giác vùn vụt phía sau lưng, đương nhiên sẽ không để ý gì đến gã. Gã quyết định thử kêu lên một tiếng thật to xem sao. A chẳng hạn? Gã nhìn trước, nhìn sau, rồi nghển cổ, thử kêu như thế. Nhưng không được. Cứ nghẹn trong họng. Không kêu nữa, nói thôi. Nhưng ngay cả nói một chữ a be bé cũng không được. Thế mới khỉ.
12.
Sáng thứ hai. Đêm qua, gã nghĩ, đầu tuần này chắc là phải đi tìm một công việc gì đó ổn định. Không thể đánh đu với chứng khoán được. Cho nên, sáng nay, gã dậy sớm, tắm rửa, chuẩn bị áo quần đàng hoàng.
Trong lúc đang sửa sang lại cái cổ áo trước gương, gã nghe thấy tiếng mở cửa.
Đột ngột nàng bước vào!
Gã mừng quá, reo to “A a!!!” và hình như nhẩy cẫng lên thì phải.
Đang bước tới, nàng dừng ngay lại. Đôi mắt nàng đầy vẻ ngạc nhiên lẫn sợ hãi. Chỉ trong có mấy phút, nàng đã thu ngay quyển sổ tay đặt trên mặt bàn, cái áo vét treo trong tủ, tống hết vào cái ba lô to tướng. Trước khi sập cửa, nàng quay đầu lại, bảo: Đừng bao giờ tìm em nữa.