Từ mối quan hệ truyền thống tới hiện đại
Mối quan hệ Trung Quốc - Mông Cổ tồn tại từ nghìn năm trước nhưng quan hệ hiện đại chính thức được thiết lập cách đây 75 năm. Vào thời điểm đó ở Đông Á, các quốc gia vẫn đang phục hồi sau Thế chiến II và đang đứng trước nguy cơ một cuộc xung đột kéo dài khác - Chiến tranh Lạnh. Đối với Mông Cổ, việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc - một trong những nước láng giềng vĩnh cửu của Mông Cổ, là yếu tố quyết định để Ulan Bator cân bằng, bảo tồn và củng cố nền độc lập và chủ quyền.
Hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 16.10.1949, chỉ hai tuần sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) được thành lập. Quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao đã đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử Mông Cổ. Những gì diễn ra sau đó là nhiều thập kỷ thắng lợi về ngoại giao, giúp giải quyết các vấn đề lãnh thổ và biên giới, mở rộng quan hệ kinh tế, cũng như tạo ra lộ trình về cách hai nước cân bằng lợi ích trong hợp tác và trong quan hệ quốc tế.
Trong chuyến thăm Mông Cổ của Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai vào năm 1960, hai nước đã ký Hiệp định hữu nghị và tương trợ để hỗ trợ kinh tế và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Sau chuyến thăm cấp nhà nước của nhà lãnh đạo Mông Cổ Tsedenbal tới Bắc Kinh năm 1962, hai nước đã ký Hiệp ước biên giới, xác định đường biên giới dài 4.709km.
Đối mặt với những thách thức của Chiến tranh Lạnh, các hoạt động song phương Trung Quốc - Mông Cổ đã chậm lại. Tuy nhiên, trong giai đoạn 1989 - 1990, quan hệ giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền và Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ (MPRP) đã được bình thường hóa và quan hệ song phương được cải thiện tích cực, đặc biệt là trong các vấn đề kinh tế.
Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác năm 1994
Yếu tố địa lý đã quyết định hầu hết các quyết sách về kinh tế của Ulan Bator - Bắc Kinh. Sau cuộc cách mạng dân chủ của Mông Cổ năm 1991, chính sách đối ngoại của Ulan Bator nhằm hướng đến việc nâng cấp quan hệ với các đối tác toàn cầu và có mối quan hệ kinh tế ổn định với Trung Quốc. Trong khi đó, các biện pháp cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình và chính sách mở cửa của Trung Quốc đã tạo cơ hội cho thương mại, kinh tế; thúc đẩy doanh nghiệp Trung Quốc - Mông Cổ hoạt động tích cực. Đối với Ulan Bator, chính sách kinh tế tự do mới được thiết lập của Mông Cổ trước tiên sẽ cần nguồn hỗ trợ tài chính rất lớn để vượt qua những khó khăn kinh tế do chuyển đổi đột ngột sang nền kinh tế thị trường.
Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác năm 1994 đóng vai trò nền tảng trong việc thiết lập mối quan hệ song phương chặt chẽ giữa Ulan Bator và Bắc Kinh. Hiệp ước này cung cấp nguyên tắc chỉ đạo cho quan hệ đối tác Trung Quốc - Mông Cổ trong tương lai dựa trên “quan hệ láng giềng tốt và hợp tác”.
Năm 1998, trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mông Cổ Bagabandi Natsag tới Bắc Kinh, Mông Cổ và Trung Quốc đã tuyên bố thế kỷ XXI là kỷ nguyên quan trọng cho quan hệ đối tác và hợp tác. Chuyến thăm của ông Bagabandi Natsag được tiếp nối bằng các chuyến thăm cấp nhà nước tới Mông Cổ của hai Chủ tịch Trung Quốc, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào vào năm 1999 và 2003.
Từ giữa năm 2000 đến nay, quan hệ song phương giữa Mông Cổ và Trung Quốc tiếp tục phát triển, đặc biệt là trong thương mại, giáo dục và cải thiện môi trường kinh doanh. Bắc Kinh cũng là nhà tài trợ chính cho các dự án phát triển của Mông Cổ thông qua các thỏa thuận cho vay ưu đãi và các khoản vay ưu đãi.
Kế thừa và tiếp nối
Vào năm 2013, khi ông Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch nước Trung Quốc, chính sách Mông Cổ vừa tiếp nối các chính sách của những người tiền nhiệm, vừa bao gồm các chương trình nghị sự kinh tế của riêng ông - đặc biệt là mở rộng quan hệ kinh tế thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Năm 2014, ông Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp nhà nước mang tính lịch sử tới Mông Cổ, giúp mở ra một chương mới trong quan hệ song phương khi hai nước nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Đây được coi là thành quả của quá trình thực hiện thành công lâu dài Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác năm 1994. Điều tối quan trọng là các nhà lãnh đạo của cả hai nước đã tuân thủ nguyên tắc cơ bản: Mông Cổ và Trung Quốc cùng tồn tại như những nước láng giềng trong một môi trường địa chính trị liên tục thay đổi.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Mông Cổ năm 2014, ông Tập Cận Bình tuyên bố: “Cả hai nước đều chân thành tôn trọng sự lựa chọn của nhau về chế độ chính trị và con đường phát triển phù hợp với điều kiện quốc gia của mình…”. Do đó, quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2014 đã mở rộng cánh cửa hợp tác kinh tế giữa hai nước trong và ngoài phạm vi của Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Từ năm 2013, Mông Cổ đã có ba cuộc bầu cử Tổng thống. Bất chấp những thay đổi về lãnh đạo, quan hệ Trung Quốc - Mông Cổ vẫn phát triển ổn định trong khi vẫn tuân thủ các nguyên tắc của quan hệ đối tác truyền thống.
“Thập kỷ qua là giai đoạn hợp tác Vành đai và Con đường giữa Trung Quốc và Mông Cổ và sự tăng trưởng nhanh chóng trong quan hệ song phương”, Đại sứ Trung Quốc tại Mông Cổ Shen Minjuan nhấn mạnh. “Thương mại giữa hai nước đã tăng vọt từ 6 tỷ USD vào năm 2013 lên gần 17 tỷ USD vào năm ngoái”.
Hơn nữa, quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện cũng tạo cơ hội cho hoạt động của các doanh nghiệp Trung Quốc bùng nổ ở Mông Cổ. Theo Bộ Ngoại giao Mông Cổ, tính đến năm 2019, có 7.543 doanh nghiệp Trung Quốc đã đăng ký và hoạt động tại Mông Cổ.
Năm 2023, trong cuộc họp giữa Tổng thống Mông Cổ Ukhnaa Khurelsukh và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ ba tại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình lưu ý rằng Mông Cổ là một trong số ít quốc gia đầu tiên ủng hộ BRI. Do đó, Trung Quốc và Mông Cổ cần phối hợp sâu sắc các chiến lược phát triển của mỗi nước với tiến triển rõ ràng trong thương mại và đầu tư. Ông Tập Cận Bình cũng ủng hộ sáng kiến quốc gia Một tỷ cây xanh của Tổng thống Khurelsukh nhằm chống sa mạc hóa.
Hướng tới Cộng đồng chia sẻ tương lai
Để kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Hàn Chính đã đến thăm Mông Cổ vào tháng 9 vừa qua. Cuộc gặp đã đưa đến một thỏa thuận đầu tư thương mại song phương trị giá 20 triệu USD, tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng và đẩy nhanh việc thực hiện các dự án và chương trình, đồng thời "thúc đẩy hợp tác về năng lượng tái tạo, giáo dục và du lịch giữa hai nước".
Cũng trong khuôn khổ một loạt hoạt động kỷ niệm sôi động, Hội hữu nghị Mông Cổ - Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Mông Cổ và Đại sứ quán Trung Quốc tại Mông Cổ đã đồng tổ chức triển lãm ảnh “75 năm hữu nghị” tại Bảo tàng Thành Cát Tư Hãn ở Ulan Bator. Triển lãm ảnh là minh chứng sống động cho hoạt động ngoại giao liên tục giữa Mông Cổ và Trung Quốc trong suốt những chặng đường lịch sử.
Trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm diễn ra ở Đại sứ quán Trung Quốc ở Ulan Bator, Thủ tướng Mông Cổ Oyun-Erdene Luvsannamsrai đã nhấn mạnh mối quan hệ đối tác truyền thống giữa Mông Cổ và Trung Quốc; bày tỏ lạc quan về mối quan hệ hợp tác kinh tế; đồng thời nhấn mạnh "sự tin cậy chính trị giữa hai nước".
Đại sứ Trung Quốc tại Mông Cổ Shen Minjuan nói với The Diplomat: “Được định hướng bởi Tầm nhìn chung về việc xây dựng một “Cộng đồng Trung Quốc - Mông Cổ chia sẻ tương lai” do nguyên thủ hai nước đã nhất trí, hai nước cần tăng cường sự tin cậy chính trị lẫn nhau, thống nhất các chiến lược phát triển, làm sâu sắc hơn hợp tác công nghiệp và cải thiện cơ sở hạ tầng và kết nối biên giới, giúp hợp tác đa dạng hơn và thương mại toàn diện hơn”.
Đối với Mông Cổ, Trung Quốc vẫn là trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại và là đối tác kinh tế hàng đầu của Mông Cổ. Khi hai nước kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao trong tháng 10 lịch sử, cả Mông Cổ và Trung Quốc đều mong muốn đây sẽ là cơ hội để thúc đẩy mối quan hệ hơn nữa, thúc đẩy tăng trưởng song song để mang lại lợi ích cho hai quốc gia, dân tộc.