Cử tri và Nhân dân trong nước cũng như đồng bào ta ở nước ngoài rất phấn khởi trước kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trong đó, ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, nổi bật là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn cho phép. An sinh xã hội được bảo đảm. Điều đó cho thấy chủ trương của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững dựa vào năng suất các yếu tố tổng hợpđã dần đi vào cuộc sống hiệu quả.
“Điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”
Dư luận cử tri và Nhân dân đồng tình, có ấn tượng sâu sắc đối với phát biểu của người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV. Cùng với đánh giá cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, nhất là đổi mới hoạt động lập pháp, cải tiến giám sát tối cao, phản ứng chính sách nhanh nhạy, kịp thời, cùng Chính phủ quyết định, ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, có ý nghĩa lớn, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chăm lo đời sống Nhân dân trước, trong và sau đại dịch Covid-19. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thẳng thắn chỉ ra những vấn đề hạn chế còn tồn tại, kéo dài nhiều năm, cần sớm được khắc phục.
Đó là: “Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”. Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi”..., “Thủ tục hành chính còn rườm rà, dịch vụ công trực tuyến tuy đã được cải tiến nhưng chưa thuận tiện, thông suốt; tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu. Phân cấp, phân quyền chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm...”. Thực tế cho thấy, đưa cuộc sống vào luật và hiện thực hóa chính sách vào cuộc sống là công việc khó, đòi hỏi có lộ trình và cần thời gian. Cử tri và Nhân dân trân trọng, đánh giá cao những sáng kiến lập pháp có giá trị, có sức sống, hợp lòng dân, không chỉ phản ánh tinh thần lao động nghiêm túc bằng trí óc, sự trăn trở, lăn lộn với thực tế của người đại biểu Nhân dân, mà còn giàu lòng trắc ẩn, sự thấu hiểu, đồng cảm với cuộc sống của người dân, được Nhân dân đồng tình ủng hộ.
Tuy vậy, cũng còn không ít bất cập, hạn chế như việc phân cấp, phân quyền theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015. Chẳng hạn, theo Điều 54 và Điều 56 của Luật, HĐND thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền “Quyết định các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển đô thị, chương trình, kế hoạch xây dựng công trình hạ tầng đô thị, giao thông theo quy định của pháp luật”; còn UBND có thẩm quyền “Quyết định cơ chế khuyến khích phát triển công trình hạ tầng đô thị trên địa bàn theo quy định của pháp luật”, nhưng sau 9 năm thi hành Luật, có rất ít chính quyền đô thị thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương sử dụng thẩm quyền này đề ban hành chính sách, mang lại lợi ích cho Nhân dân sở tại. Điều này chứng tỏ quyết tâm, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung và năng lực thể chế của một số cán bộ địa phương chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Một vấn đề hạn chế khác ở địa phương là việc xây dựng, thực hiện chính quyền điện tử chưa hiệu quả, chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa thông suốt. Một số cổng thông tin điện tử của cơ quan, địa phương chậm cập nhật minh bạch thông tin, có nơi chỉ như 1 "trang báo cũ".
Hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân
Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Nhân dân đồng tình cao với ý kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9.11.2022 của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XIII) của Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong đó, tập trung nhấn mạnh 3 vấn đề lớn, đó là: Đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp; thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; đổi mới mạnh mẽ tổ chức, hoạt động của Quốc hội.
Người đứng đầu Đảng và Nhà nước yêu cầu phải chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Song song đó, đổi mới quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật, thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, coi đây là bước đo lường kết quả và hiệu quả chính sách, hun đúc lòng tin của Nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; tập trung kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật; khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới, tạo khung khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, tạo đột phá cho phát triển đất nước trong những năm tiếp theo.
Với thời gian 29,5 ngày, Quốc hội kỳ họp thứ Tám sẽ phải hoàn thành một khối lượng công tác lập pháp rất lớn. Cử tri và Nhân dân tin tưởng, kỳ vọng với tinh thần trách nhiệm và ý chí hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, Quốc hội sẽ hoàn thành thắng lợi Chương trình đã đề ra với những quyết sách đúng đắn, thể hiện ý nguyện của Nhân dân, đáp ứng niềm tin và sự ủy thác của cử tri, Nhân dân.