“Món nợ” với thiên nhiên
Tính đến ngày 2.8, nhân loại đã sử dụng hết lượng tài nguyên mà Trái Đất tạo trong 1 năm. Mốc thời gian mang ý nghĩa biểu trưng này được ấn định là Overshoot day, tức là ngày tiêu thụ vượt quá giới hạn phục hồi tài nguyên của Trái Đất. Việc thời điểm này mỗi năm đều đến sớm hơn cho thấy hành tinh xanh đang ở giới hạn đỏ.
“Lạm quỹ” tài nguyên
Overshoot day năm nay rơi vào ngày gần như đầu tiên của tháng 8 cho thấy, con người đã tiêu xài hết lượng tài nguyên dùng cho 1 năm chỉ trong vòng 7 tháng. Điều đó đồng nghĩa với việc, trong vòng 5 tháng còn lại (từ ngày 2.8 cho đến hết 31.12), chúng ta sẽ bị “lạm quỹ” tài nguyên để đáp ứng nhu cầu sống của mình.
Overshoot day là một ngày mang tính biểu tượng để tính nhu cầu tiêu thụ của nhân loại trong một năm, do tổ chức phi chính phủ Global Footprint Network đưa ra năm 1960 dựa trên việc tính toán tương đối lượng khí thải carbon, nguồn tài nguyên tiêu thụ trong các lĩnh vực như thủy sản, chăn nuôi gia súc, cây trồng, xây dựng và sử dụng nước. Điều đáng nói là mốc thời gian này ngày càng đến sớm hơn, nghĩa là con người “ngốn” tài nguyên ngày càng nhanh hơn. Năm ngoái, thời điểm nhân loại dùng hết lượng tài nguyên mà Trái Đất có thể đáp ứng cho cả năm là ngày 3.8. Năm 2015, Overshoot day xảy ra vào ngày 4.8. Mặc dù tốc độ sử dụng tài nguyên đã có xu hướng chậm lại từ 6 năm nay, thời điểm mang tính biểu tượng này vẫn tiếp tục tịnh tiến xa hơn so với mốc ngày 31.12. Vào năm 1970, Overshoot day rơi vào ngày 23.12 nhưng kể từ đó cho tới nay, con người ngày càng “lấn vạch” và Overshoot day ngày càng tiến gần hơn, trong vòng 7 tháng như hiện nay.
Tất nhiên, những tính toán trên chỉ mang tính biểu tượng và tương đối, nhưng lời cảnh báo mà overshot day chỉ ra chính là mọi nguồn sống trên hành tinh đang ở giới hạn đỏ. Nguồn sống đó không chỉ bao gồm đất đai, nước và thực phẩm, mà còn là trữ lượng carbon. Loài người đã và đang chạm tới ngưỡng phát thải CO2 kỷ lục vào bầu khí quyển, thậm chí vượt ngưỡng hấp thụ CO2 của rừng và đại dương.
![]() |
4 thói quen phải thay đổi
Global Footprint Network chỉ ra rằng, nếu tình trạng tiêu thụ nguyên liệu vẫn duy trì như hiện nay, kết hợp quy mô dân số thế giới tiếp tục gia tăng không kiểm soát, có lẽ chúng ta sẽ cần tới 1,7 hành tinh mới có thể đủ đáp ứng “cơn thèm khát” tài nguyên. Và đà tiêu thụ này được giữ nguyên, thì chúng ta sẽ cần tới 2 hành tinh vào năm 2050. Tuy nhiên, giữa các nước, lượng tiêu thụ tài nguyên không giống nhau. Bởi nếu cả thế giới “tiêu xài” tài nguyên như người Mỹ, chúng ta sẽ phải cần tới gần 5 hành tinh như Trái Đất nữa mới đủ. Nhưng nếu chúng ta sống như người Ấn, sẽ chỉ cần đến 0,6 hành tinh. Điều đó có nghĩa là, “chúng ta hoàn toàn có thể đảo ngược được tình thế hiện nay”.
Khía cạnh cần thay đổi đầu tiên là hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Theo một thông cáo báo chí từ Global Footprint Network, lượng khí thải carbon đang là yếu tố nguy hiểm có tốc độ gia tăng nhanh nhất đối với hệ sinh thái. Carbon đang dần chiếm tới 60% nhu cầu tiêu thụ của loài người đối với tự nhiên. Mà nguyên nhân của việc phát thải khí CO2 chính là từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Điều đáng mừng là con người đã bắt đầu biết kiềm chế cơn khát nhiên liệu hóa thạch. Trong năm qua, lượng khí thải CO2 gắn với tiêu thụ năng lượng không tăng lên và đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp như vậy. Điều này có thể được giải thích phần nào bởi sự phát triển đáng kể các loại năng lượng tái tạo trong sản xuất điện. Năm ngoái, Costa Rica đã thành công trong việc đưa 100% năng lượng tái tạo vào sử dụng trong 75 ngày liên tục.
Một thách thức trong việc giảm thiểu tiêu thụ năng lượng hóa thạch đó chính là Trung Quốc, quốc gia mới nổi phụ thuộc phần lớn vào nguồn tài nguyên như than đá và dầu mỏ. Trung Quốc là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, soán ngôi Mỹ kể từ năm 2007 cho tới nay. Tại hội nghị COP 21 diễn ra tại Paris, Pháp vào hồi tháng 12.2015, Trung Quốc đã cam kết sẽ cắt giảm tới 50% lượng tiêu thụ từ nay tới năm 2030, tương ứng với khoảng 1 tỷ tấn CO2 phát thải ra bầu khí quyển. Đó là mục tiêu vô cùng tham vọng nhưng cũng rất được thế giới chờ đợi.
Xóa bỏ tình trạng lãng phí lương thực cũng là một nhiệm vụ tối quan trọng. Mỗi năm, khoảng 1,3 tỷ tấn thức ăn bị vứt đi hoặc bị lãng phí, con số này chiếm tới 1/3 lượng thức ăn được tiêu thụ, theo ước tính của Tổ chức Nông, Lương LHQ (FAO). Global Footprint Network cũng kêu gọi hạn chế tiêu thụ thịt (thậm chí nên ngừng ăn thịt) bởi đó là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng phá rừng phục vụ chăn thả gia súc.
Tuy nhiên, chiến dịch này sẽ gặp thách thức lớn từ đà tăng dân số hiện nay. Nếu như những năm 1970, dân số thế giới chỉ có khoảng 4 tỷ người thì cho tới nay, dân số thế giới đã chạm ngưỡng 7 tỷ người. Con số này sẽ là 9,8 tỷ vào năm 2050 và chạm mốc 11,2 tỷ vào cuối thế kỷ XXI. Đó là một áp lực vô cùng lớn đối với nguồn tài nguyên vốn hạn hẹp của Trái Đất.
Vì vậy, theo Global Footprint Network, mỗi cá nhân chứ không chỉ Chính phủ cần góp sức để đảo ngược xu hướng nguy hiểm này. Tổ chức đã thúc đẩy một chiến dịch có tên gọi #movethedate (đẩy lùi Overshoot day) dựa trên 4 khía cạnh mà mỗi cá nhân có thể thực hiện, đó là hướng tới ăn chay, sinh ít con, hạn chế du lịch và hạn chế sử dụng xe cơ giới. Nếu không như vậy, “món nợ” với thiên nhiên của chúng ta sẽ không thể trả cho đến khi mọi điều tàn khốc nhất, đau khổ nhất đổ lên đầu thế hệ tương lai, con cháu của chúng ta.