Đắk Lắk:

Vụ danh thắng hồ Lắk bị xâm chiếm, gây ô nhiễm: UBND huyện chỉ đạo xử lý, đường ống xả thải lén lút bị tháo dỡ, chở đi

Sau khi Báo Đại biểu Nhân dân phản ánh về trại chăn nuôi heo ở thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, Đắk Lắk xả thải xuống hồ Lắk gây ô nhiễm, bao chiếm hồ Lắk để nuôi cá, UBND huyện Lắk đã có công văn hỏa tốc chỉ đạo xử lý các vấn đề báo nêu. Đáng chú ý, đường ống xả chất thải trực tiếp xuống hồ vừa bị một nhóm người lén lút tháo dỡ, chở đi.

Đắk Lắk: Danh thắng hồ Lắk đang bị xâm hại
Một góc hồ Lắk có dấu hiệu bị ô nhiễm

Ngày 17.5, UBND huyện Lắk đã có Công văn hỏa tốc số 1240/UBND-TNMT gửi UBND thị trấn Liên Sơn, chỉ đạo xử lý nội dung Báo Đại biểu Nhân dân phản ánh tình trạng xả thải ra môi trường của trang trại chăn nuôi heo tại tổ dân phố 4, thị trấn Liên Sơn.

Công văn nêu rõ, để tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường, trong hoạt động chăn nuôi trên địa bàn, UBND huyện đã ban hành Công văn số 673/UBND-TNMT ngày 12.4.2023 về việc triển khai các quy định của pháp luật về môi trường đối với các dự án, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện.

Theo đó, UBND huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn Liên Sơn tổ chức triển khai các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đến các dự án, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn quản lý; yêu cầu các chủ dự án, chủ cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường quy định tại Điều 39, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, tiến hành lập báo cáo đề xuất, cấp giấy phép môi trường và phải đảm bảo về thời điểm cấp giấy phép môi trường quy định tại khoản 2, Điều 42 về Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, việc chấp hành các quy định của pháp luật về môi trường đối với cơ sở chăn nuôi (quy mô nông hộ và quy mô trang trại); kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm theo thẩm quyền (nếu có).

Danh thắng hồ Lắk đang bị xâm hại 
Nước thải từ đường ống nhựa xả ra hồ Lắk gây ô nhiễm, bốc mùi

Công văn hỏa tốc cũng nêu rõ, riêng đối với thị trấn Liên Sơn, UBND huyện đã ban hành Công văn số 2827/UBND-TNMT ngày 12.12.2023 về việc xử lý các nội dung có liên quan đến hoạt động chăn nuôi trên địa bàn thị trấn Liên Sơn.

Theo đó, đề nghị UBND thị trấn Liên Sơn tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn và xử lý theo thẩm quyền. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo kịp thời về UBND huyện để chỉ đạo xử lý; tổ chức vận động các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn thị trấn Liên Sơn đăng ký, cam kết việc thực hiện di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi hoặc chấm dứt hoạt động chăn nuôi trước ngày 1.1.2025 theo quy định của Luật Chăn nuôi năm 2018 và theo Nghị quyết 09/2021/HĐND ngày 13.8.2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

Danh thắng hồ Lắk đang bị xâm hại 
Một góc hồ Lắk bị bao chiếm để làm hồ nuôi cá

Đồng thời, đối với nội dung phản ánh hoạt động chăn nuôi heo của trang trại tại tổ dân phố 4, thị trấn Liên Sơn, xả nước thải chưa xử lý ra môi trường, bốc mùi, ảnh hưởng đến đời sống người dân; đối với nội dung này, ngày 27.12.2023, UBND huyện đã ban hành Công văn số 2955/UBND-VP về việc xử lý nội dung đề xuất của ban tiếp công dân về việc đề xuất xử lý đơn của các hộ dân ở tổ dân phố 4, thị trấn Liên Sơn.

Theo đó, UBND huyện giao UBND thị trấn Liên Sơn chủ trì, phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế, xem xét, giải quyết đảm bảo theo đúng quy định. Đồng thời báo cáo kết quả giải quyết về UBND huyện.

Căn cứ biên bản kiểm tra ngày 7.3.2024 đối với trang trại chăn nuôi của hộ ông Lê Viết Thành, tổ dân phố 4, thị trấn Liên Sơn, Đoàn kiểm tra đã đề nghị hộ ông Lê Viết Thành phải khắc phục, xử lý sự cố rò rỉ hệ thống xử lý nước thải và hoàn thành xong trước ngày 31.3.2024. Đồng thời, phải có biện pháp xử lý triệt để khối lượng nước thải chăn nuôi bị đọng do rò rỉ nước thải tại cống chảy qua Quốc lộ 27 đảm bảo không gây ô nhiễm môi trưởng, ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.

Tuy nhiên, đến nay UBND huyện vẫn chưa nhận được báo cáo kết quả giải quyết của UBND thị trấn Liên Sơn làm ảnh hưởng đến việc chỉ đạo, xử lý của UBND huyện.

Đắk Lắk: Danh thắng hồ Lắk đang bị xâm hại
Sau khi Báo Đại biểu Nhân dân có nhiều bài viết phản ánh, UBND huyện Lắk đã ra công văn hỏa tốc chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, báo cáo

Công văn hỏa tốc của UBND huyện Lắk cũng thể hiện, để có cơ sở xử lý phản ánh của Báo Đại biểu Nhân dân, UBND huyện đề nghị UBND thị trấn Liên Sơn khẩn trương báo cáo kết quả giải quyết đối với hoạt động chăn nuôi heo của hộ ông Lê Viết Thành trong ngày 17.5 để chỉ đạo, xử lý.

Tuy nhiên, ngày 18.5, trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, một lãnh đạo Phòng TN-MT huyện Lắk cho biết, vẫn chưa nhận được các báo cáo của UBND thị trấn Liên Sơn.

Trong khi đó, theo phản ánh của người dân, sau khi Báo Đại biểu Nhân dân có nhiều bài viết phản ánh về trang trại heo xả thải gây ô nhiễm môi trường, lắp đặt đường ống PVC xả thải trực tiếp chất thải từ trang trại ra hồ Lắk, có hành vi bao chiếm hồ Lắk để nuôi cá, chứa nước thải, bất ngờ trong ngày 17.5, phía trang trại đã cho người tháo dỡ đường ống, chở đi.

Đắk Lắk: Danh thắng hồ Lắk đang bị xâm hại
Đường ống nhựa dẫn nước thải đổ thẳng xuống hồ Lắk
Đắk Lắk: Danh thắng hồ Lắk đang bị xâm hại
Nước thải đen ngòm, sủi bọt, bốc mùi đổ trực tiếp xuống hồ Lắk
Trang trại xả thải ra hồ Lắk đã tháo dỡ đường ồng nhựa đem cất giấu
Sáng 17.5, đường ống nhựa dẫn chất thải đổ thẳng ra hồ Lắk bị một số người lén lút tháo dỡ, chở đi

Hồ Lắk là hồ nước ngọt lớn nhất ở Tây Nguyên, với diện tích khoảng 6,2km2, nằm ở độ cao hơn 500m so với mực nước biển. Đây là hồ nước ngọt tự nhiên lớn thứ hai ở Việt Nam, chỉ sau hồ Ba Bể ở tỉnh Bắc Kạn. Đứng trên cao nhìn xuống, mặt hồ Lắk rộng lớn, phẳng lặng, phản chiếu hình bóng của núi rừng, mang đến cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ nhưng bình yên và thơ mộng.

Quanh hồ Lắk là những cánh đồng lúa nước bạt ngàn xen lẫn các buôn làng của đồng bào M’nông sinh sống bao đời nay như: buôn Lê, buôn Jun, buôn M’Liêng…, đến nay vẫn mang vẻ đẹp nguyên sơ vốn có của vùng đất Tây Nguyên. Tọa lạc trên một ngọn đồi rất đẹp bên hồ Lắk là Biệt điện Bảo Đại, nơi vị vua cuối cùng của triều Nguyễn làm nơi dừng chân khi vua và gia đình lên Buôn Ma Thuột nghỉ mát, săn bắn. Chính vì vậy, hồ Lắk đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, nổi tiếng không chỉ riêng Đắk Lắk mà cả khu vực Tây Nguyên.

Năm 1993, hồ Lắk được Nhà nước công nhận là Di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia.

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, danh thắng này đang bị xâm hại. Ghi nhận thực tế tại một khu vực eo của hồ Lắk, tiếp giáp với Quốc lộ 27 (tổ dân phố 4, thị trấn Liên Sơn), tại đây người dân dùng tre dựng thành “đê bao” dài hàng chục mét, bao chiếm mặt hồ Lắk để nuôi cá, trồng rau…

Không chỉ vậy, một hộ gia đình nuôi heo theo mô hình trang trại, quy mô hàng trăm con đã cho chôn đường ống nhựa PVC dài hàng mục mét, dẫn nước thải từ trang trại đổ thẳng xuống hồ Lắk…

Môi trường

Người Hà Nội “khát” đô thị xanh, ủng hộ chính sách hạn chế phương tiện gây ô nhiễm
Xã hội

Người Hà Nội “khát” đô thị xanh, ủng hộ chính sách hạn chế phương tiện gây ô nhiễm

Giao thông vận tải đang là nguồn phát thải bụi mịn lớn nhất, chiếm 50-70%, chủ yếu đến từ hàng triệu xe máy và ô tô sử dụng xăng dầu trên đường phố mỗi ngày. Theo các chuyên gia, để “cứu” Hà Nội khỏi bụi mịn, không còn cách nào khác là phải xanh hóa những “trạm phát thải di động” gây ô nhiễm này.

Hành trình 20 năm nỗ lực chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam
Xã hội

Hành trình 20 năm nỗ lực chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam

Sáng 22.10, tại Hà Nội, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam (EVN) đã tổ chức họp báo thông tin chương trình “Chấm dứt nuôi nhốt gấu tại Việt Nam – Hành trình sắp cán đích”, nhìn lại chặng đường gần 20 năm nỗ lực chấm dứt hoạt động nuôi gấu lấy mật và tôn vinh các cơ quan, tổ chức có nhiều đóng góp trong nỗ lực bảo vệ gấu tại Việt Nam.

Triển lãm "Rừng và Biến đổi khí hậu": Thành quả nghiên cứu của Tây Ban Nha - Việt Nam
Môi trường

Triển lãm "Rừng và Biến đổi khí hậu": Thành quả nghiên cứu của Tây Ban Nha - Việt Nam

Triển lãm "Rừng và Biến đổi khí hậu" do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) và Trường Đại học Valladolid (Tây Ban Nha) tổ chức, dưới sự hỗ trợ của Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam đã nâng cao sự hiểu biết của người dân về tầm quan trọng của rừng trong việc chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sống. 

Tập trung nguồn lực nâng cao sức khỏe đất, hướng tới phát triển bền vững
Môi trường

Tập trung nguồn lực nâng cao sức khỏe đất, hướng tới phát triển bền vững

Đất là tư liệu sản xuất đặc biệt, là ngôi nhà của các hệ sinh thái. Sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng là yếu tố then chốt trong việc đảm bảo năng suất và chất lượng cây trồng, duy trì an ninh lương thực và phát triển nền nông nghiệp bền vững… Vì vậy, sức khỏe đất đang là vấn đề được Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm.

Hà Nội hủy kết quả đấu giá 3 mỏ cát
Môi trường

Hà Nội hủy kết quả đấu giá 3 mỏ cát

Ngày 8.10, theo thông tin từ UBND thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố Hà Nội vừa có văn bản số 924/QĐ-STNMT-KHTC (ngày 4.10) Quyết định về việc hủy kết quả lựa chọn đơn vị thực hiện gói thầu Tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản (đợt 1) gồm: Mỏ Liên Mạc (Thượng Cát); Mỏ Tây Đằng - Minh Châu; Mỏ Châu Sơn theo Quyết định số 889/QĐ-STNMT-KHTC ngày 16.8.2023 của Sở Tài nguyên - Môi trường.