Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh

Tăng cường hợp tác, bảo đảm an ninh nguồn nước

- Thứ Ba, 22/11/2022, 07:00 - Chia sẻ

Theo nhận định của các chuyên gia, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường tại TP. Hồ Chí Minh là thách thức trong công tác bảo đảm an toàn cấp nước, đặc biệt trong bối cảnh suy giảm chất lượng nước thô và thiếu nước do xâm nhập mặn. Thực tế đó đòi hỏi, cần tăng cường hợp tác, để cấp nước bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.

Đầu tư, lắp đặt trạm quan trắc nước

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, Sở đã từng bước phối hợp, đề xuất các dự án để đầu tư, lắp đặt 10 trạm quan trắc chất lượng nước mặt tự động liên tục. Cụ thể, dự án đầu tư trung tâm quan trắc và phân tích môi trường, trong đó có hạng mục đầu tư, lắp đặt 2 trạm quan trắc tự động liên tục chất lượng nước mặt. Ngoài ra, Thành phố còn thực hiện dự án nâng cao năng lực quan trắc môi trường tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó có hạng mục đầu tư, lắp đặt 8 trạm quan trắc tự động liên tục chất lượng nước mặt.

Bên cạnh đó, giai đoạn 2023 - 2025, TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục lộ trình nâng cấp và mở rộng mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường tại Thành phố. Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường; huy động tối đa các nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, các dự án, các doanh nghiệp để nâng cấp và đầu tư mới cho mạng lưới quan trắc.

Là đơn vị được ví như mạch sống của Thành phố, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) hiện nay đang áp dụng các giải pháp ứng phó ngắn hạn để bảo đảm cho hoạt động xử lý nước luôn ổn định và ứng phó kịp thời với các tác động của chất lượng nguồn nước. Đơn cử như thiết lập các thiết bị giám sát chất lượng nguồn nước online và các ngưỡng cảnh báo đối với các chỉ tiêu chất lượng nước cơ bản (nồng độ oxy hòa tan, amoniac, độ đục, độ mặn, lượng dầu tràn bề mặt...) để từ đó có các giải pháp ứng phó kịp thời với những biến động này. Phối hợp với các đơn vị vận hành các hồ chứa nước đầu nguồn để kịp thời hỗ trợ xả nước để đẩy mặn, pha loãng ô nhiễm hoặc đẩy chất ô nhiễm ra khỏi vùng lấy nước.

Theo ông Trần Kim Thạch, phòng Quản lý chất lượng nước Sawaco, đối với mạng lưới cấp nước, Sawaco lên các kịch bản vận hành hệ thống mạng để điều nguồn nước khi có sự cố xảy ra, bảo đảm khả năng cấp nước cho Thành phố ở mức nhiều nhất có thể. Bên cạnh đó, cũng có phương án cấp nước khẩn cấp thông qua việc vận hành trở lại 46 trạm cấp nước sử dụng nước ngầm, từ đó, bảo đảm cấp nước cho nhu cầu tối thiểu của người dân (khoảng 5 lít nước/người/ngày).

Chất lượng nước được Công ty CP Cấp nước Chợ Lớn kiểm tra nghiêm ngặt trước khi cung cấp đến người dân. Nguồn: ITN
Chất lượng nước được Công ty CP Cấp nước Chợ Lớn kiểm tra nghiêm ngặt trước khi cung cấp đến người dân
 Nguồn: ITN

Đồng bộ các giải pháp ngắn hạn và dài hạn

Theo các chuyên gia, ngành nước hiện nay, đặc biệt là chất lượng nguồn nước thô đang đối diện với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu như tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán, thời tiết chuyển biến khắc nghiệt… Do đó, cần nghiên cứu và triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau, song song với việc tăng cường hợp tác là nhóm giải pháp tất yếu đem lại hiệu quả bền vững.

Để bảo đảm cho an toàn cấp nước, chủ động ứng phó với các nguồn nước bị biến động do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nguồn nước bị ô nhiễm, Sawaco đã phối hợp Sở Xây dựng đề xuất và được UBND Thành phố chấp thuận thông qua "Đề án phát triển hệ thống cấp nước thành phố giai đoạn 2020 - 2050 và chương trình cung cấp nước sạch, chấm dứt khai thác nguồn ngầm giai đoạn 2020 - 2030".

Theo đó, xây dựng các hồ chứa nước thô đầu nguồn với mục đích vừa là nơi tiền xử lý nước giảm thiểu các chất ô nhiễm trong nguồn nước thông qua quá trình làm sạch tự nhiên, đồng thời đảm bảo trữ nước khi có sự cố về nguồn nước thô trên sông Sài Gòn. Bên cạnh đó, xây dựng các bể chứa ngầm trong Thành phố để làm nơi ổn định áp lực cho toàn hệ thống, đồng thời cũng là nơi dự trữ nguồn nước sạch để bảo đảm an toàn cấp nước trong trường hợp xảy ra các sự cố tại các nhà máy xử lý nước.

Hợp tác với nước ngoài, tăng chất lượng cấp nước cũng là nhiệm vụ quan trọng được các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh triển khai. Có thể điểm tên một dự án đáng chú ý như dự án giảm tỷ lệ thất thoát nước tại TP. Hồ Chí Minh bằng vật tư thiết bị công nghệ Nhật Bản giai đoạn 2022 - 2025. Dự án này được tài trợ bởi Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thông qua Công ty Tabuchi và Cục Cấp nước Osaka. Khi hoàn thiện, sẽ giúp ngành cấp nước Thành phố kéo giảm tỷ lệ thất thoát nước tại một số khu vực có tỷ lệ thất thoát nước cao, các khu vực có nhiều đường ống cũ mục. Cùng với đó là rất nhiều dự án hợp tác khác trong và ngoài nước đã thực hiện trong 10 năm qua và tiếp tục kéo dài trong giai đoạn tới đang được xúc tiến. 

Thanh Điểu