Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, UBND thành phố vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình hành động số 38-CTrHĐ/TU ngày 4.4.2023 của Thành ủy thành phố về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16.6.2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách
Theo đó, về thể chế, TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu, đề xuất các nội dung liên quan góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách, đồng thời rà soát, ban hành các quy định phù hợp với chính sách, pháp luật và thực tiễn về quản lý, sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện Đề án Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai.
Về nguồn lực đất đai, TP. Hồ Chí Minh quản lý, khai thác, sử dụng đất tiết kiệm, bền vững, hiệu quả trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội ở thành phố; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, xây dựng hệ thống quản lý đất đai tiên tiến, ưu tiên xây dựng cơ sở dữ liệu đất, hạ tầng thông tin đất đai hiện đại để đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện và căn bản về quản lý đất, bảo đảm tài nguyên đất được quản lý chặt chẽ theo pháp luật, theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Xây dựng thị trường quyền sử dụng đất, thị trường bất động sản, trở thành kênh phân bổ đất hợp lý, công bằng, hiệu quả.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND Thành phố cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ, thống nhất; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền phù hợp theo cơ chế kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.
Bên cạnh đó, tập trung giải quyết những tồn tại, vướng mắc liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với sản xuất và xây dựng kinh tế; đất đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng chưa thực hiện dự án...
Đến năm 2030, cơ bản hoàn thành việc xây dựng, vận hành hệ thống thông tin đất đai để phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai, tra cứu thông tin đất đai bằng hệ thống điện tử và mạng Internet. Đồng thời, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý đất toàn ngành từ thành phố đến cơ sở, kịp thời thể chế hóa văn bản, đẩy mạnh cải cách hành chính góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Khắc phục đồng bộ tình trạng sử dụng đất lãng phí, để đất hoang hóa, ô nhiễm, suy thoái và những tồn tại, vướng mắc về quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất tại TP. Hồ Chí Minh. Nguồn: ITN
Xây dựng nền tảng, cơ sở dữ liệu về giá đất
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, một trong những nội dung quan trọng của Kế hoạch hành động là hoàn thành cơ sở dữ liệu bản đồ địa chính đồng bộ với hồ sơ, cơ sở dữ liệu địa giới hành chính các cấp; xây dựng, vận hành và khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu địa chính TP. Hồ Chí Minh; đáp ứng các điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu, tạo nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai; hoàn tất việc áp dụng công nghệ thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất phục vụ cho công tác định giá đất và xây dựng bảng giá các loại đất.
Trên thực tế, theo ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, ngay từ tháng 8.2022, Sở đã công bố nền tảng số theo hướng mở để chia sẻ dữ liệu tài nguyên môi trường nói chung và không gian địa lý nói riêng. Thông qua nền tảng chia sẻ này, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cá nhân dễ dàng tiếp cận các dữ liệu tài nguyên và môi trường, đặc biệt là dữ liệu không gian địa lý để khai thác, sử dụng, tích hợp, phát triển mới các ứng dụng trên nhiều nền tảng công nghệ khác nhau.
Sở cũng tập trung xây dựng và cung cấp các dịch vụ dữ liệu có tích hợp không gian địa lý, những dữ liệu có liên quan đến tọa độ như bản đồ với các định dạng khác nhau, dữ liệu ảnh hàng không, ảnh viễn thám… Trên 80% dữ liệu của ngành tài nguyên và môi trường là dữ liệu không gian địa lý. Thông qua nền tảng này, người dân và các tổ chức có thể biết và tìm hiểu về quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất; các tổ chức, sở, ban, ngành có thể khai thác dữ liệu để tích hợp dữ liệu chuyên ngành, tạo ra dữ liệu mới mang giá trị cao hơn.
"Các tổ chức, cá nhân, sở, ngành bớt phải giao tiếp bằng văn bản, không cần công văn, giấy đề nghị để được cung cấp thông tin, dữ liệu của ngành tài nguyên và môi trường. Cũng qua nền tảng này, với tài khoản được cấp, bất cứ ai cũng có thể tìm hiểu, tra cứu các loại dữ liệu của ngành một cách thuận tiện, nhanh chóng, thậm chí có thể download dữ liệu để trực tiếp xử lý, nghiên cứu… giảm được rất nhiều thời gian trong việc giao tiếp, tiếp cận về dữ liệu" - ông Trần Văn Bảy cho biết.
Bên cạnh đó, dựa trên dịch vụ dữ liệu của nền tảng số, sẽ tạo ra được những sản phẩm, ứng dụng phần mềm mới, chỉ khai thác dữ liệu thông qua dịch vụ web mà không cần phải làm lại dữ liệu; giúp rút ngắn nhiều thời gian và kinh phí triển khai.