Công tác bảo vệ môi trường làng nghề là một trong những vấn đề mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất băn khoăn. Bộ đang tập trung nguồn lực để giải quyết 2 vấn đề gồm: môi trường và vùng nguyên liệu.
Hiện nay, vùng nguyên liệu để cho sản xuất làng nghề ở trong nước đang còn khá bất cập, các sản phẩm để được xuất khẩu phải có chứng nhận vùng nguyên liệu đạt chuẩn. Trong bối cảnh hiện nay, thì đây là vấn đề rất lớn.
Năm 2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 801/QĐ-TTg quy định về việc bảo tồn, phát triển làng nghề. Khi tham mưu cho Chính phủ, Bộ Nông nghiệp đã đặt vấn đề áp dụng công nghệ cho làng nghề.
Tháng 9.2023, Chính phủ đã ban hành chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045. Trong đó, có nội dung về bảo tồn, phát triển các làng nghề và đặc biệt là vấn đề bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Trước đây, làng nghề do Bộ Công thương quản lý, song từ năm 2018, Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ra đời thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao quản lý làng nghề. Hiện nay, trong 63 tỉnh, thành thì chỉ duy nhất Hà Nội quay trở lại giao cho ngành Công thương quản lý.
Liên quan đến vấn đề ô nhiễm làng nghề, hiện nay theo thống kê năm 2022 của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn có 817 cơ sở sản xuất làng nghề. Trong đó, bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã và 783 hộ sản xuất.
Tổng số làng nghề hiện nay là hơn 5.400 làng nghề, nhưng được công nhận làng nghề là 2.030 làm nghề. Trong đó, có 1.400 làng nghề và hơn 625 làng nghề truyền thống và 57 làng nghề truyền thống được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia.
Làng nghề hiện đang phân ra 2 nhóm gồm: nhóm doanh nghiệp lớn sản xuất với quy mô công nghiệp, các sản phẩm xuất khẩu quy mô lớn và nhóm sản xuất hộ gia đình, đây là nhóm vừa sản xuất nông nghiệp, vừa sản xuất làng nghề. Điều đáng nói, gây ô nhiễm môi trường lại xuất phát từ các hộ gia đình bởi quy mô sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu. Đối với những doanh nghiệp lớn, họ sẽ ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, có hệ thống xử lý nước thải và hàng năm đều phải đánh giá quan trắc môi trường và được Sở Tài nguyên và Môi trường ở địa phương giám sát rất chặt chẽ.
Tháng 11 mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có tổ chức festival về bảo tồn, phát triển làng nghề với quy mô quốc tế, trong đó có 20 nước tham gia và 42 tỉnh, thành phố trong nước tham gia. Quá trình tổ chức, Bộ trưởng giao thực hiện 300 gian hàng thủ công mỹ nghệ để trưng bày và 2 gian hàng trưng bày công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, sau khi liên hệ với các làng nghề, các doanh nghiệp các địa phương đều trả lời là không có hệ thống máy móc nào dành riêng cho làng nghề. Bởi lẽ, khi xử lý thì mỗi nơi áp dụng cách khác nhau.