Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Mù Cang Chải:

Người dân hưởng lợi, diện tích rừng tăng

- Thứ Hai, 27/11/2023, 18:38 - Chia sẻ

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) sau hơn 10 năm triển khai trên địa bàn huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã mang lại nhiều hiệu quả. Có thể khẳng định, đây là một trong những yếu tố góp phần quan trọng để chấm dứt tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép và cải thiện đời sống cho người dân địa phương.

Nguồn lực để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Mù Cang Chải là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái, nằm trong vùng quy hoạch phòng hộ đầu nguồn sông Đà và một phần sông Hồng. Trong những năm qua, được Đảng và Nhà nước quan tâm tạo điều kiện đầu tư thông qua các chương trình Dự án, cùng với sự lỗ lực vươn lên của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc, huyện Mù Cang Chải đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng lên đáng kể. Trong đó, có sự nghiệp quản lý bảo vệ xây dựng và phát triển lâm nghiệp nói chung, phát triển rừng phòng hộ nói riêng.

Rừng và đất rừng là tài nguyên và tiềm năng của huyện. Trong những năm qua, bằng nhiều biện pháp kỹ thuật được áp dụng nhằm nhanh chóng khôi phục lại vốn rừng như: khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, bảo vệ và trồng mới rừng, diện tích rừng trồng, rừng khoanh nuôi, bảo vệ không ngừng được tăng lên. Với hệ thống động, thực vật rất phong phú và đa dạng, gồm nhiều loài, nhiều họ khác nhau, nhiều loại lâm sản, dược liệu quý. 

Những năm gần đây, nhận thức về vai trò của rừng, đặc biệt là giá trị to lớn của dịch vụ môi trường rừng đã được xã hội quan tâm và xem là một trong những giải pháp nhằm duy trì giá trị của rừng; bảo đảm sự công bằng cho người làm rừng, các cơ chế tài chính về chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng là nguồn tài chính bền vững cho bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, giảm thiểu những chi phí đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho những hoạt động bảo vệ và phát triển vốn rừng.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là một bước đột phá trong nhận thức và hành động của toàn xã hội về vai trò của rừng đối với đời sống con người. Chính sách đó quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của người sử dụng và người cung cấp dịch vụ. Như vậy, chính sách không chỉ góp phần nâng cao nhận thức xã hội về giá trị phòng hộ của rừng mà còn trực tiếp tạo thêm nguồn thu nhập cho người làm nghề rừng, góp phần tích cực trong việc ổn định đời sống của người làm nghề rừng, xóa đói, giảm nghèo.

Người dân hưởng lợi, diện tích rừng tăng -0
Mù Cang Chải có tổng diện tích tự nhiên hơn 120.000ha. Ảnh: CLN

Ông Nguyễn Tư Khoa, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải cho biết: Hầu hết diện tích rừng của Mù Cang Chải nằm trong lưu vực sông Hồng và sông Đà được chi trả phí môi trường rừng. Sau nhiều năm thực hiện chính sách chi trả DVMTR, đến nay, các đơn vị chủ rừng Ban quản lý rừng huyện, Hạt kiểm lâm huyện đã nhận trên 500 tỷ đồng. Tính riêng năm 2022, huyện đã tiếp nhận và chi trả 49 tỷ đồng tiền từ DVMTR cho người dân được nhận khoán bảo vệ rừng. Năm 2023, tổng diện tích rừng Ban Quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải và Hạt kiểm lâm huyện được nhận phí DVMTR gần 70.000ha với số tiền chi trả trên 49 tỷ đồng.

Qua hơn 10 năm triển khai chính sách DVMTR đã nâng cao nhận thức và trách nhiệm của chính quyền các xã và người dân về công tác bảo vệ, phát triển rừng. Tại các khu vực rừng được chi trả tiền DVMTR, người dân có ý thức rất cao trong công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Tình trạng xâm lấn, chặt phá rừng từng bước được đẩy lùi.

"Để chính sách tiếp tục mang lại hiệu quả, các chủ rừng, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức để người dân nhận thấy lợi ích từ việc bảo vệ rừng. Cùng với đó, cần có chính sách phát triển kinh tế dưới tán rừng, trồng một số cây có giá trị kinh tế như: Dổi, Sâm Ngọc Linh, Sâm Hàn để người dân có thêm thu nhập, giúp người dân thêm gắn bó với rừng, tạo được sinh kế bền vững từ rừng”, ông Nguyễn Tư Khoa nói.

Cải thiện sinh kế cho người dân

Với phương châm "lấy rừng để nuôi rừng", chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của Yên Bái đã mang lại những lợi ích thiết thực, nâng cao nhận thức và huy động nguồn lực xã hội để quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Đồng thời, nâng cao vị thế, vai trò của môi trường rừng đến phát triển kinh tế - xã hội, tạo mối liên kết, cộng đồng trách nhiệm của chủ rừng với đơn vị sử dụng môi trường rừng, giảm đáng kể đầu tư từ ngân sách Nhà nước.

Ông Nguyễn Anh Phương, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải cho biết, cùng các nguồn thu khác từ rừng, phí dịch vụ môi trường rừng đã góp phần quan trọng nâng cao thu nhập của người dân, ổn định cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao ý thức người dân trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng rừng được phối hợp làm chặt chẽ, mỗi năm một lần. Do đó, tình trạng lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép giảm rõ rệt.

Nhờ có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhiều thôn, bản trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã xây dựng thành công mô hình phát triển sinh kế, giải quyết việc làm; hỗ trợ hoạt động tuần tra bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng; xây dựng nhiều công trình phúc lợi phục vụ dân sinh như: xây dựng nhà văn hóa, đường bê tông, hội trường thôn bản, sân chơi thể thao… góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân giữ rừng.

Bên cạnh đó, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã hỗ trợ hiệu quả cho công tác phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng, nhiều khu rừng nghèo kiệt được phục hồi và đủ tiêu chí cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Công tác quản lý rừng từng bước đi vào nề nếp, các chủ rừng đã lập hồ sơ quản lý rừng, làm tiền đề tiến tới giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư theo quy định của Luật Lâm nghiệp.

Người dân hưởng lợi, diện tích rừng tăng -0
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải tuyên truyền tới bà con người Mông, xã Mồ Dề về tầm quan trọng của rừng. Ảnh: CLN

Để nâng cao hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn thời gian tới, bà Hoàng Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái cho biết, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời mọi quy định của chính sách, các cơ quan chức năng cần khắc phục, điều chỉnh một số tồn tại, hạn chế mà qua giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp đã chỉ rõ.

Cụ thể là: cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và người dân trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, hướng tới không còn tình trạng lấn chiếm, phá rừng làm nương rẫy; cụ thể hóa các tiêu chí về chất lượng rừng để giao khoán phục hồi rừng tới chủ rừng, khắc phục tình trạng suy giảm chất lượng rừng.

Đồng thời, điều chỉnh nguồn thu cho một số địa phương có rừng nhưng không có đơn vị sử dụng dịch vụ rừng cho tương xứng; điều tiết mức chi trả dịch vụ môi trường rừng giữa các địa phương để không còn sự chênh lệch quá lớn, đảm bảo lợi ích công bằng giữa các đối tượng được thụ hưởng.

Cao Linh
#