Củng cố và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai
Nhờ có sự chuẩn bị tốt trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nên tỷ lệ thiệt hại do thiên tai tại Lào Cai giảm rõ rệt theo từng năm. Với đặc thù là tỉnh vùng cao, thường xuyên xảy ra thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chủ động cập nhật các bản tin dự báo thời tiết hàng ngày, tăng cường tuyên truyền đến người dân để sớm có phương án phòng, chống thiên tai kịp thời. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; củng cố và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã; thực hiện tốt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”.
Trước diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, UBND tỉnh Lào Cai đề xuất, kiến nghị với Trung ương hỗ trợ kinh phí cho tỉnh xây dựng bản đồ nguy cơ sạt lở đất (giai đoạn 1, năm 2022 tại các địa phương hay xảy ra sạt lở đất: Bát Xát, Văn Bàn, Sa Pa, Bắc Hà, Bảo Yên), các địa phương khác xây dựng bản đồ sạt lở đất vào năm 2024 và xây dựng bản đồ ngập úng vùng hạ du trên sông Chảy; bố trí kinh phí hỗ trợ cho tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2021.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ cho tỉnh Lào Cai triển khai thêm 1 xã thực hiện mô hình “xã bảo đảm đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh theo quy định về phòng, chống thiên tai tại chỗ” trong chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (tại 1 xã thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai). Đề nghị Trung ương sớm ban hành quy định về trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư, sửa chữa các danh mục công trình hư hỏng do thiên tai; điểm sắp xếp dân cư tập trung theo hướng rút gọn, trình tự thủ tục (áp dụng với công trình cấp bách); ban hành trình tự, thủ tục cưỡng chế đối với những tổ chức, cá nhân khi phải di chuyển ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm.
Phương châm “4 tại chỗ” vẫn còn nguyên giá trị
Quảng Bình vốn nằm ở vùng thường xuyên có thiên tai xảy ra, do vậy, tỉnh luôn xác định ở trong tâm thế sẵn sàng các phương án để ứng phó tốt nhất với kịch bản thiên tai diễn biến xấu nhất, không chủ quan, đặc biệt trong việc bảo đảm an toàn về con người. Người dân phải tuân thủ sự chỉ đạo của cán bộ, lực lượng chức năng, không để bị động trong phòng, chống thiên tai.
Sau trận mưa lũ lịch sử tháng 10.2020, tỉnh nhận thấy rõ phương châm “4 tại chỗ” vẫn còn nguyên giá trị cần phải tiếp tục quán triệt, phát huy cao hơn nữa trong công tác phòng chống thiên tai. Việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” không chỉ ở các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước mà phải xuất phát từ từng người dân, hộ gia đình. Trong đó, việc bảo đảm phương tiện, nâng cao tính chuyên nghiệp của lực lượng phòng, chống thiên tai, nhất là ở cơ sở phải được quan tâm đúng mức.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho rằng, người chỉ huy ở từng cấp phải bám sát thực tiễn, trực tiếp chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các phương án, kịch bản ứng phó, khắc phục hậu quả, thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời khơi dậy và phát huy tinh thần tương thân tương ái, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác phòng chống thiên tai.
Đáng chú ý, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, sớm triển khai các lực lượng, phương tiện về các địa bàn xung yếu, trọng yếu là yếu tố quyết định tính chủ động trong ứng phó, cứu hộ, cứu nạn. Các lực lượng tham gia phòng chống thiên tai tuân thủ lệnh chỉ huy, các quy định trong phòng chống thiên tai, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và người dân.
6 bài học kinh nghiệm về ứng phó bão
Tại cuộc họp đánh giá thiệt hại, rút kinh nghiệm, khắc phục hậu quả cơn bão số 4 (tên quốc tế là Noru) diễn ra vào cuối tháng 9.2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh 6 bài học kinh nghiệm về công tác ứng phó bão.
Thứ nhất, cương quyết, quyết liệt, nhất quán vận động, di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm là yếu tố quyết định để không bị thiệt hại về người.
Thứ hai, nắm chắc diễn biến, bám sát tình hình, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp để phòng, chống bão kịp thời, hiệu quả.
Thứ ba, chủ động xây dựng kịch bản, phương án phòng, chống bão phù hợp tình hình, thường xuyên tổ chức diễn tập, cập nhật, hoàn thiện và khi xảy ra tình huống thì vận hành các kịch bản, phương án này theo phương châm "4 tại chỗ".
Thứ tư, công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, chủ động, tích cực, bám sát tình tình, từ sớm, từ xa, từ cơ sở.
Thứ năm, thông tin thông suốt, toàn diện, đầy đủ, hướng dẫn kịp thời để các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và người dân chủ động ứng phó.
Thứ sáu, các địa phương đã phát huy tinh thần chủ động, luôn đề cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan hay hoang mang, mất bình tĩnh trong ứng phó thiên tai. Các cấp ủy, chính quyền và nhân dân đã chủ động, bản lĩnh, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, kinh nghiệm, hiểu biết của mình, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của nhân dân với tinh thần đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau để ứng phó với thiên tai.