Bảo đảm an toàn của người dân là trên hết
Mưa lớn từ thượng nguồn liên tục đổ về những ngày qua đã khiến bờ sông Vu Gia (đoạn qua huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) bị sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp hàng loạt khu dân cư hai bên bờ sông. Nghiêm trọng nhất là khu vực thôn Khương Mỹ (xã Đại Cường, huyện Đại Lộc) khi nước đã “ngoạm” sâu vào đất liền hơn 1m, đe dọa tuyến đường duy nhất ra vào thôn. Chủ tịch UBND xã Phan Phước Mơ cho biết, tình trạng sạt lở bờ sông Vu Gia đang diễn biến ngày càng phức tạp hơn. Để khắc phục tạm thời, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng dân quân, tự vệ, cán bộ thôn, xã cùng với người dân đắp một bờ đê tạm chạy dọc theo bờ sông.
Có mặt tại hiện trường trong những ngày qua có thể thấy, để ứng phó với sạt lở đất do mưa lũ, người dân xã Đại Cường đã đóng cọc tre để tạo thành một bờ đê tạm, sau đó dùng bao tải bỏ cát xuống để chèn chống tạo thành mái taluy bảo vệ. Tuy nhiên, phương án “vá sông” này cũng chỉ tạm thời cầm cự, về lâu dài cần phải có bờ kè bằng bê tông để gia cố chắc chắn.
“Nếu khu vực này bị sạt lở nặng hơn sẽ uy hiếp con đường độc đạo dẫn vào thôn Khương Mỹ. Lúc đó, hơn 200 hộ dân trong thôn sẽ bị cô lập hoàn toàn. Do đó, chính quyền địa phương đã huy động tất cả lực lượng, không quản ngại mưa lớn cùng gia cố tuyến đê bao tạm bằng cọc tre và bao cát”, Chủ tịch UBND xã Đại Cường Phan Phước Mơ cho biết.
Không chỉ huyện Đại Lộc, tình hình mưa lũ, sạt lở đang diễn ra phức tạp tại nhiều huyện, thị xã của tỉnh Quảng Nam. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã có công điện gửi Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh, các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện về việc ứng phó mưa lũ và thời tiết nguy hiểm trên biển. Theo đó, để tập trung ứng phó bảo đảm kịp thời, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai mưa lũ gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác phòng chống thiên tai kịp thời, hiệu quả theo phương châm “bốn tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ, đặt nhiệm vụ bảo đảm an toàn của người dân là trên hết...
Tại Thừa Thiên Huế, ngày 15.11, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh cũng có công điện khẩn số 07/CĐ-PCTT về việc chủ động ứng phó với mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh. Trong đó, yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc Công điện số 1034/CĐ-TTg ngày 31.10.2023 của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó mưa lũ, bảo đảm an toàn cho người dân tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và TP. Huế triển khai sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng, ngập lụt sâu, chia cắt; các khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất. Bố trí lực lượng kiểm soát, rào chắn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người...
Chiều 15.11, Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, hiện các đơn vị đang khẩn trương giải tỏa đất đá, bùn lầy tại nhiều điểm sạt lở do mưa lớn trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan. Trong đó, tại Km46+300, lực lượng chức năng đã tập trung tối đa các phương tiện, máy móc để xử lý từng điểm sạt lở. Theo lãnh đạo Ban, tại những vị trí này, sẽ đào rộng và tạo thềm chờ khoảng 10m, có hàng rọ đá để khi đất đá sạt xuống thì giảm thiểu tràn ra đường. Mặt khác, để bảo đảm giao thông được thông suốt, đơn vị thi công dành một làn đường cho các phương tiện qua lại.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, nhiều tuyến Quốc lộ đi qua địa phương này đang bị sạt lở, ngập lụt tại nhiều điểm, gây ách tắc giao thông kéo dài. Sở Giao thông Vận tải cùng các lực lượng chức năng đang tập trung xử lý các điểm sạt lở, để các phương tiện sớm di chuyển bình thường trở lại như: Tuyến Quốc lộ 40B đoạn qua các xã Trà Sơn (huyện Bắc Trà My), xã Trà Mai, Trà Don, Trà Nam (huyện Nam Trà My), tuyến Quốc lộ 14H bị tắc tại Km63+700; Cầu Khe Rinh (Km65+402) và Cầu Bến Đình (Km71+410) do nước ngập sâu hơn 1m; tại Km67+900 nước ngập sâu 2m. Tuyến Quốc lộ 14D...