Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về công tác phòng, chống thiên tai

- Thứ Năm, 24/11/2022, 17:11 - Chia sẻ

Trước diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp và cực đoan, Đảng, Chính phủ và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách; không ngừng hoàn thiện hành lang cơ sở pháp lý trong công tác phòng chống thiên tai. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các địa phương và sự chủ động của người dân, thiệt hại do thiên tai năm 2021 được ghi nhận là thấp nhất trong nhiều năm qua.

Sự thống nhất, vào cuộc của toàn hệ thống chính trị

Quan điểm của Đảng về phòng chống thiên tai thể hiện trong các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, XI, XII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011– 2020; Các nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn … với tinh thần chủ đạo như văn kiện Đại hội XII đã nêu: “Khai thác, sử dụng và quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Lần đầu tiên, Ban Bí thư đã có chỉ thị 42-CT/TW ngày 24.3.2020 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; giao nhiệm vụ cho các cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai một cách đồng bộ.

Những năm qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành một số luật, pháp lệnh liên quan đến phòng, chống thiên tai bao gồm: Luật Tài nguyên nước năm 1998, Luật Đê điều năm 2006; Luật Phòng chống thiên tai 2013, Luật Khí tượng Thủy văn 2015… Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều đã được thông qua; hàng loạt văn bản dưới luật được sửa đổi, bổ sung. Hệ thống pháp luật trên đã hỗ trợ đắc lực trong triển khai các nhiệm vụ quan trọng của công tác phòng chống thiên tai.

Về phía Chính phủ, Nghị định 160/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai từ năm 2019 (đến nay đổi tên thành Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai). Ban chỉ đạo do lãnh đạo Chính phủ làm trưởng ban, cùng sự tham gia của một số lãnh đạo các bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ để tăng cường năng lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành lĩnh vực này. Tổng cục Phòng, chống thiên tai thực hiện nhiệm vụ Văn phòng thường trực của Ban chỉ đạo. Bên cạnh đó, trong năm 2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Gần đây nhất, Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 1.6.2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã chỉ ra: với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là của các địa phương và sự chủ động của người dân, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thiệt hại do thiên tai năm 2021 thấp nhất trong nhiều năm qua.

Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về công tác phòng, chống thiên tai  -0
Đà Nẵng ngập trong biển nước sau trận mưa lũ lịch sử hồi tháng 10.2022

Xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2025

Cuối tháng 10 vừa qua, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trần Văn Tùng, đã làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn. Tại buổi làm việc, thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận đã trao đổi một số nội dung về thực hiện nội dung quy định tại Luật phòng, chống thiên tai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống thiên tai và Luật đê điều; công tác xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai cho giai đoạn 2021- 2025; kế hoạch phòng chống thiên tai năm 2022; kiện toàn ban chỉ đạo, công tác tuyên truyền phối hợp, những mô hình, cách làm hay nhằm chủ động kịp thời trong việc ứng phó với tình hình thiên tai.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Phong cho biết, hiện nay, tình trạng sạt lở, xâm thực bờ biển diễn ra khá nghiêm trọng tại một số khu vực trên địa bàn như TP. Phan Thiết, huyện Tuy Phong. Đây là vấn đề khá cấp bách vì vậy tỉnh mong muốn Trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh đầu tư các công trình kè chống xâm thực nhằm bảo vệ bờ biển, đảm bảo đời sống của người dân.

Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị Đoàn công tác xem xét, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Bộ Nội vụ ban hành Thông tư hướng dẫn các địa phương thành lập Văn phòng thường trực chuyên trách theo quy định tại khoản 3, Điều 27 Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 6.7.2021 của Chính phủ; đề nghị Bộ NN-PTNT và Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai có Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 1.8.2021 của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai…

Kết hợp giải pháp công trình và phi công trình; duy tu, xử lý cấp bách đê điều

Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An Nguyễn Hào, để chủ động ứng phó với thiên tai, nhất là các hình thái thiên tai dị thường thời gian tới nhằm giảm thiểu thiệt hại, cần kết hợp thực hiện những giải pháp công trình và phi công trình.

Về giải pháp công trình, các hệ thống tiêu thoát lũ cần tiến hành nạo vét, thông thoát dòng chảy, đảm bảo mặt cắt tiêu thoát lũ. Nâng cấp, gia cố, hoàn chỉnh hệ thống đê sông, đê bao nội đồng đảm bảo tần suất chống lũ theo tiêu chuẩn hiện hành. Nâng cấp, sửa chữa các hồ chứa chưa đảm bảo an toàn trong phòng, chống lũ. Xây dựng hệ thống cảnh báo lũ tại các vùng thường xuyên bị ảnh hưởng. Tiến hành khảo sát, xây dựng các trạm bơm tiêu tại các vùng trũng thấp để đảm bảo tiêu thoát lũ.

Đối với giải pháp phi công trình, luôn rà soát, cập nhật phương án ứng phó thiên tai đã được phê duyệt. Tập trung vận hành phù hợp các liên hồ chứa, hồ chứa; đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ thủy điện nhỏ, công trình đang thi công, sửa chữa. Thông tin, tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của Luật Phòng chống thiên tai, Luật Thủy lợi, Luật Đê điều.

Nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác phòng, chống thiên tai, trong đó, chú trọng đến công tác tổ chức cứu nạn, cứu hộ; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, nhất là lũ lụt. Đối với các hồ chứa nước, cần xây dựng bản đồ ngập lụt, phương án ứng phó trong các tình huống khẩn cấp, vỡ đập. Lãnh đạo chính quyền các cấp, các ngành cần tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai kịp thời, hiệu quả theo phương châm “bốn tại chỗ”, sẵn sàng sơ tán dân khi xảy ra mưa lớn tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về công tác phòng, chống thiên tai  -0
Thiên tai ngày càng có xu hướng diễn biến cực đoan và bất thường 

Hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều

Để nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật phòng chống thiên tai, thời gian qua, trên địa bàn TP. Hà Nội, chính quyền địa phương đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức trong công tác phòng ngừa, thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai.

Ngoài ra, các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện phổ biến, tuyên truyền Luật Đê điều sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành rộng rãi trong nhân dân và chính quyền, phát các cuốn Luật Đê điều, hỏi đáp về Luật Đê điều, tờ rơi, cùng các tài liệu liên quan nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân.

Đối với lực lượng quản lý đê chuyên trách đều được tham dự các lớp tập huấn và nghiên cứu sâu về Luật Đê điều sửa đổi, thảo luận về những điều khoản còn vướng mắc khi áp dụng thi hành Luật như: hành lang bảo vệ, khu dân cư, khu đô thị, công tác tu bổ đê điều, cấp phép hoạt động liên quan đến đê điều, quản lý, sử dụng bãi sông theo Luật…

Các hạt quản lý đê cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai đến cộng đồng, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và hộ gia đình. Nội dung tập trung vào các văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống thiên tai; quan điểm chỉ đạo trong công tác phòng chống thiên tai của Thành phố; tính chất bất thường của mưa, lũ, bão; trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp xã trong quản lý và bảo vệ đê điều.

Ngoài ra, lực lượng chức năng trên địa bàn Thành phố cũng tổ chức hàng trăm hội nghị với hàng vạn lượt cán bộ và nhân dân tham dự. Đồng thời, các phương tiện thông tin tại các quận, huyện, thị xã đã đồng loạt mở các chiến dịch tuyên truyền Luật Đê điều sửa đổi, các văn bản hướng dẫn thi hành. Đài truyền thanh các xã, phường liên tục phát tin bài tuyên truyền, phổ biến về Luật Đê điều sửa đổi, các văn bản hướng dẫn thi hành.

Định kỳ, Hạt Quản lý đê cung cấp tin, bài tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều, vi phạm và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều để các xã, phường, thị trấn phát trên đài truyền thanh. Thông qua các đợt tập huấn, các cấp chính quyền địa phương ở Hà Nội lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai đến đội ngũ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên và cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong phòng chống thiên tai.

Thảo Anh
#