Xử lý rác tái chế chưa đạt hiệu quả
Theo số liệu thống kê năm 2019, mỗi ngày, TP Hồ Chí Minh thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, tỷ lệ chất thải hữu cơ chiếm 45 - 55%; nhựa, nilon chiếm 10 - 15%; chất thải tái chế từ 15 - 20%; chất thải khác từ 15 - 20%. Chất thải nhựa vẫn chiếm tỷ trọng cao, với hơn 1.500 tấn; tỷ lệ gia tăng khối lượng hàng năm khoảng 6 - 10%. Nguồn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu từ hộ gia đình, chợ, trung tâm thương mại, cơ quan, bệnh viện, trường học, khu công nghiệp, công trình xây dựng.
Việc gia tăng nhanh chóng chất thải rắn đô thị với tính chất, thành phần đa dạng, phức tạp đã trở thành áp lực cho các nhà quản lý và các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải. Trưởng phòng Công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh (CITENCO) Cao Văn Tuấn cho biết, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn tại TP Hồ Chí Minh hiện khá dàn trải, chưa tập trung; phương tiện, thiết bị, công nghệ thu gom, vận chuyển, xử lý chưa đồng bộ, hiện đại; tỷ trọng rác do lực lượng dân lập thu gom cao (60%).
Bên cạnh đó, công tác xử lý rác thải, phân loại rác tại nguồn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Thành phố hiện chưa tổ chức được mạng lưới thu gom chất thải tái chế, vì vậy, có hơn 80% khối lượng chất thải tái chế đang chôn lấp cùng với chất thải sinh hoạt, gây lãng phí tài nguyên, ngân sách và ảnh hưởng đến môi trường. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng chưa có khu xử lý chất thải tái chế tập trung khiến công tác quản lý và xử lý chất thải tái chế chưa đạt hiệu quả.
Rác thải tái chế có thể đổi để lấy tiền hoặc quà |
Nguồn: ITN
Tổ chức lại hệ thống thu gom, xử lý
Theo các chuyên gia, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là giải pháp rất cấp thiết hiện nay. Nếu thực hiện thành công sẽ giúp các nhà quản lý, các đơn vị xử lý có nhiều giải pháp trong xử lý tái chế chất thải. Thực hiện điều này, CITENCO đã xây dựng đề án Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Theo đó, CITENCO sẽ tổ chức lại mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế theo từng giai đoạn. Giai đoạn 1, dự án được thực hiện tại 2 trạm trung chuyển rác Quang Trung (quận Gò Vấp) và Tống Văn Trân (quận 11). Đồng thời, còn có các điểm thu gom khác là các chủ nguồn thải có khối lượng phát sinh lớn; phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan đoàn thể chính trị xã hội tổ chức tuần lễ thu đổi chất thải tái chế định kỳ hàng tuần, hàng tháng.
Hoạt động thu gom chất thải tái chế cũng sẽ được thông qua hình thức đổi quà là các nhu yếu phẩm, các mặt hàng tiêu dùng của Công ty Unilever, phiếu quà tặng siêu thị Co.op Mart, phiếu ưu đãi mua sắm và du lịch… hay quy đổi thành tiền theo mức giá thị trường. Theo kế hoạch, dự án sẽ được triển khai thí điểm từ đầu năm 2021, sau 1 năm thí điểm và đánh giá, đơn vị thực hiện sẽ đề xuất thành phố triển khai giai đoạn 2 là xây dựng nhà máy xử lý và tái chế rác thải nguyên liệu từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Giám đốc Công ty CITENCO Huỳnh Minh Nhựt nhấn mạnh, dự án nhằm thúc đẩy, nâng cao hiệu quả trong triển khai, thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; quản lý, thu hồi, tái chế và tái sử dụng chất thải tái chế một cách hiệu quả, giúp nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất xanh, sản xuất không phát thải, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn gắn với mục tiêu phát triển bền vững.
Ngoài ra, để tăng cường nguồn lực bảo đảm triển khai thành công dự án, CITENCO và Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Bản ký kết có hiệu lực trong vòng 36 tháng, tập trung vào việc thiết lập mạng lưới thu gom chất thải tái chế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Theo Chủ tịch PRO Việt Nam Phạm Phú Ngọc Trai, để giảm thiểu rác từ đồ nhựa sử dụng một lần, giảm phát sinh chất thải nhựa, nâng cao nhận thức của người dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, PRO Việt Nam đã xây dựng và hỗ trợ phát triển năng lực xử lý tái chế bao bì; đưa ra chiến lược xây dựng năng lực thu gom rác thải bao bì hiệu quả.
Với tầm nhìn đến năm 2030, tất cả bao bì sản xuất, phân phối và kinh doanh đều được thu gom và tái chế, PRO Việt Nam đã và đang tập trung vào các chiến lược ưu tiên như giáo dục hành vi sử dụng và xử lý bao bì; xây dựng nội dung thông điệp tuyên truyền thu gom và xử lý rác thải thông qua logo và được đưa ra thị trường như một nguyên tắc trong kinh doanh.