Việt Nam là quốc gia biển, diện tích biển gần gấp ba lần diện tích lãnh thổ đất liền, có mật độ đa dạng sinh học biển cao với đường bờ biển dài hơn 3.200km, có 44 vịnh, 114 cửa sông lớn nhỏ. Việt Nam có tiềm năng phát triển kinh tế biển mạnh và là quốc gia có nền công nghiệp dựa chủ yếu vào tài nguyên biển, do đó việc duy trì chức năng và giá trị dịch vụ của các hệ sinh thái biển và ven biển là điều cốt lõi đối với phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và an sinh xã hội Việt Nam. Ngày nay, kinh tế biển chiếm khoảng 48% tổng sản phẩm quốc nội, dự kiến đạt mốc 53% vào năm 2020.
Tuy nhiên, vùng duyên hải Việt Nam là những khu vực dễ bị tác động trong điều kiện môi trường chưa được bảo đảm và đầu tư chưa hợp lý, trong đó các ngành công nghiệp và cộng đồng sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nhất. Quy hoạch không gian biển đã được áp dụng ở những khu vực có tồn tại các mâu thuẫn, xung đột giữa các đối tượng sử dụng tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Một trong những lý do thành công của Quy hoạch không gian biển trên toàn cầu là ưu tiên giải quyết các nhu cầu của các bên liên quan tại địa phương. Quá trình này gắn kết tất cả các bên lại với nhau từ các ngành công nghiệp, dịch vụ, Chính phủ đến cộng đồng địa phương và xã hội dân sự trong một số nỗ lực cùng xây dựng các chiến lược sử dụng tài nguyên, nhằm đem lại lợi ích cho tất cả các bên.
Hội thảo là diễn đàn đầu tiên thảo luận về việc áp dụng quy hoạch không gian biển tại Việt Nam; là một bước quan trọng để tìm kiếm các giải pháp cho các vấn đề hiện đang đe dọa không chỉ đến sức khỏe môi trường mà còn đến tương lai của biển và vùng bờ biển của Việt Nam.
Nỗ lực, tăng cường các biện pháp phát triển, bảo vệ cây xanh đô thị
Cây xanh luôn giữ vai trò quan trọng, được ví như những “lá phổi” của thành phố. Chính vì vậy, trước những thiệt hại nặng nề về cây xanh sau cơn bão số 3 vừa qua, lãnh đạo TP. Hà Nội khi chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả của bão đều nhấn mạnh phải cứu cây, nhất là những cây cổ thụ, cây cần bảo tồn, cây quý hiếm.