Mối tình bí mật của cha đẻ Hoàng tử bé

20/06/2007 00:00

Hơn 60 năm đã trôi qua kể từ khi mất tích trong thế chiến II nhưng đến nay, Antoine de Saint-Exupéry vẫn là một biểu tượng. Danh tiếng ấy không đơn thuần chỉ nhờ cuốn tiểu thuyết hết sức nổi tiếng Hoàng tử bé (The Little Prince) mà còn bởi những cuộc phiêu lưu đầy cảm hứng của ông ở nhiều lĩnh vực, trong đó có cả tình yêu.

      Không chỉ là một phi công, nhà thơ mà con người tài ba này còn là một ảo thuật gia, một nhà toán học, một người thiết kế và phát minh các thiết bị hàng không. Để nói về ông, người Pháp dùng thành ngữ mais il savait tout faire – không gì không thể làm được. Còn với những người khác, ông được coi là người Phục hưng (Renaissance man) của thời hiện đại, một thuật ngữ dùng để chỉ những bộ óc bách khoa thường xuất hiện vào thời Phục hưng.  
      Xuất thân từ một gia đình dòng dõi quý tộc đã suy vi, nhân vật có bề ngoài bình dân này là một người đàn ông có sức hấp dẫn khó lòng cưỡng lại. Mặc dù luôn bày tỏ tình yêu bất diệt với Consuela, người vợ đồng bóng mang dòng máu Salvador, nhưng Sain-Exupéry thường vướng phải các mối quan hệ ngoài hôn nhân. Những cuộc chinh phục say đắm ấy được liệt kê tường tận bởi hàng trăm người viết tiểu sử, những người săm soi đến từng chi tiết cuộc đời của Sain-Exupéry, một Don Quixote của thời đại mới. Mặc dù thế, các tác giả này đã bỏ qua, hay nói đúng hơn là không tiếp cận nổi một nhân vật đáng nhớ, bởi không nghi ngờ gì nữa, người phụ nữ đó chính là tình yêu cuộc đời của Sain-Exupéry.
      Bà là một nhà viết tiểu sử quyết đoán, đã dành cả cuộc đời mình để cố gắng “xóa sạch bản thân ra khỏi hồ sơ của Saint-Exupéry”. Trong tập sách lọt vào chung khảo giải Pulitzer, tác giả Stacy Schiff đã dùng cụm từ Quý bà B khi nói đến người đàn bà này. Giải thích cho sự kiệm lời ấy, Schiff cho biết: “Bà ta là một phụ nữ quyền lực tại Pháp”. Còn Curtis Cate, tác giả bản ghi chép cuối cùng về cuộc đời của Saint-Exupéry cũng bị thuyết phục để bỏ qua mối quan hệ giữa nhân vật của ông với người phụ nữ này.  “Nếu tôi nhớ không nhầm”, Curtis từng kể lại tại nhà riêng ở Paris, “bà ta nói rằng nếu tôi đề cập tên tuổi của bà, tôi sẽ bị kiện. Sau đó chúng tôi ăn trưa cùng nhau và đi đến một dàn xếp ổn thỏa”.
      Trên thực tế Quý bà B là Hélène de Vogé, một phụ nữ mỹ lệ, nổi tiếng bởi trí thông minh cũng như vẻ đẹp say đắm. De Vogé rất mê vẽ tranh và từng theo học tại Trường Mỹ thuật. Bà cũng am hiểu văn chương và có thể nói thông thạo vài ngoại ngữ. Kết hôn với Comte Jean de Vogé vào năm 1927 đồng nghĩa với việc Hélène đặt chân vào một trong những gia đình Công giáo danh giá nhất nước Pháp và phải một thời gian dài về sau, Saint-Exupéry mới thay thế được hình ảnh người chồng Comte trong trái tim của bà. Đến năm 1934, Hélène và Antoine gần như là yêu nhau công khai. Saint-Exupéry gọi bà là Nellie, lúc đó ông là một nhà văn và một ký giả hết sức được ca ngợi. 
      Năm 1935 cái tên Saint-Exupéry tràn ngập các mặt báo do một bất cẩn khi cố gắng phá kỷ lục thời gian bay từ Paris đến Sài Gòn. Máy bay của ông bị rơi tại sa mạc Libya nhưng thật kỳ lạ, ông sống sót để kể lại câu chuyện ấy. Vụ tai nạn cũng đặt ông vào hàng ngũ các tượng đài của những người kể chuyện và ưa mạo hiểm vĩ đại nhất thế giới. Tuy nhiên, chiến tranh xảy ra đã giáng một đòn mạnh vào danh tiếng của ông. Khi nước Pháp ngập trong khói lửa bom đạn, ông lại ở Mỹ. Một số người đã hồ đồ buộc tội ông chủ bại và bỏ trốn. Khi Saint-Exupéry từ chối tán thành phong trào Nước Pháp tự do của Charles de Gaulle, ông bị buộc tội theo Vichy, chính quyền dưới con mắt của de Gaulle là thân phát xít.
      Trên thực tế, Saint-Exupéry là một phi hành gia dũng cảm, người hăng hái quay trở lại cuộc chiến. Sau cuộc đổ bộ của Đồng minh lên Bắc Phi, ông gia nhập đơn vị do thám của không quân Pháp tại Algeria vào năm 1943. Cũng năm này ông xuất bản tác phẩm có lẽ là nổi tiếng nhất của mình, Hoàng tử bé, kể về một cậu bé say mê trong thế giới các tiểu tinh cầu, tình cờ gặp một phi công bị rơi trên sa mạc. Để thoát khỏi những ràng buộc tinh thần, Hoàng tử bé đã quyết định rời khỏi trái đất.
      Ngày 31-7-1944, ngay sau lần sinh nhật thứ 44, Saint-Exupéry cất cánh bay qua Địa Trung Hải để rồi chẳng bao giờ trở về. Xoay quanh số phận của ông nảy sinh rất nhiều lời đồn đại nhưng không ai đưa được ra một kết luận cụ thể nào. 
      Nhằm lưu lại tên tuổi của Saint-Exupéry, Hélène de Vogé, người thừa hưởng di sản văn học của nhà văn bắt tay vào việc quảng bá danh tiếng văn học cho ông. Bà hào phóng cung cấp cho mọi người các nguồn tư liệu cũng như quyền được viết về Saint-Exupéry với một điều kiện nghiêm ngặt rằng mối quan hệ chi tiết của bà với nhà văn sẽ không bao giờ được tiết lộ. Với tác giả Curtis Cate, điều này hoàn toàn dễ hiểu khi de Vogé muốn bảo vệ đời tư, nhưng theo các tài liệu mà tờ The Daily Telegraph có được, có thể một động cơ hoàn toàn khác đã khiến Hélène de Vogé làm như thế.
      Hơn 17 trang báo cáo của Cơ quan Mật vụ Chiến lược (OSS), tiền thân của CIA, được trình bày chi tiết đã biểu lộ sự nghi ngờ rằng Hélène de Vogé là điệp viên của chính quyền Vichy và cộng tác viên của đảng Quốc xã. Và thật ngạc nhiên, các hoạt động của bà, như điệp viên OSS trình báo, diễn ra như trong một cuốn tiểu thuyết của Ian Fleming, cha đẻ của Jame Bond huyền thoại. Hélène dường như di chuyển thoải mái với hàng loạt bí danh giữa các vùng bị chiếm đóng của Pháp, London, New York và các lãnh thổ Đồng minh khác. Xác định Saint-Exupéry với tư cách là người yêu của Hélène, báo cáo của OSS nêu rõ: “Mặc dù là một người Pháp ái quốc nhưng Saint-Exupéry vẫn là một người có thái độ lập lờ”.
      Liệu có phải do biết được điều này mà de Vogé cho rằng nếu như mối tình của mình được công khai, những hành động mập mờ thời kỳ chiến tranh của bà sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của Saint-Exupéry? Chắc hẳn bà đã đúng khi e ngại điều ấy và đó là lý do xác đáng cho sự mong muốn được nặc danh trong tiểu sử nhà văn.
      Thật ra, những tài liệu được coi là “mật” này không còn là bí mật từ hơn một thập kỷ nay. Một số trong đó có thể được tìm thấy tại Lưu trữ Quốc gia Mỹ với một chút chi phí. Ngoài ra, trong cuốn tiểu sử xuất bản năm 1994 về Saint-Exupéry của Stacy Schif cũng đã bao gồm các trích dẫn đến những tài liệu này. Tuy nhiên, không một ký giả hay cây viết nào của Pháp đứng ra để lần theo. 
      Song, cho dù có chộp được tư liệu này, các nhà phê bình cũng phải hết sức thận trọng. Các tài liệu của Mỹ thể hiện một sự ngây thơ nhất định về tình trạng nước Pháp trong thời kỳ chiến tranh. Trên thực tế, không gì có thể minh định rõ ràng là đen hay trắng trong quãng thời gian ấy. Không phải tất cả những người làm trong chính quyền Vichy đều thân Đức, rất nhiều trong số họ là người chống phát xít.
      Có thể Saint-Exupéry đã lưỡng lự về de Gaulle; ông xem vị tướng này tốt hơn Hitler đôi chút, nhưng rõ ràng không thể nghi ngờ gì về tình yêu bất diệt của nhà văn với nước Pháp. Bức tranh chân thực về Saint-Exupéry, theo như nhiều người nhìn nhận, được khắc họa rõ nét trong tiểu sử của Curtis Cate: một người đàn ông của các giá trị nổi tiếng và bền vững lâm vào một khoảng thời gian trong đó tất cả hướng đi đều suy thoái.
Có lẽ Saint-Exupéry, cũng giống như Hoàng tử bé của mình, không lĩnh hội được tính chất kỳ cục của thế giới hiện đại đến nỗi phải bỏ đi để tìm kiếm bản thân trong một thế giới khác đơn giản và tốt đẹp hơn.

Đăng Ngọc
Theo Telegraph

    Nổi bật
        Mới nhất
        Mối tình bí mật của cha đẻ Hoàng tử bé
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO