Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GĐ và ĐT) Hoàng Minh Sơn tại Chương trình gặp mặt “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022, sáng 16.11.
Tận tuỵ với học sinh, tận tuỵ với nghề
Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn gửi lời chúc sức khoẻ và lời tri ân sâu sắc tới các thầy, cô giáo tham dự chương trình nói riêng và toàn thể giáo viên trong cả nước.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: "Dân tộc Việt Nam có truyền thống tôn sư trọng đạo. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, truyền thống ấy luôn được các thế hệ kế thừa, vun đắp và phát huy.
Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn coi Giáo dục là quốc sách hàng đầu, giáo dục trước hết là để phát triển con người là động lực then chốt để phát phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Trong những năm qua, được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và của xã hội, giáo dục nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Có được những thành tựu đó, là nhờ một phần lớn công sức, sự phấn đấu bền bỉ, sáng tạo, không ngại khó khăn, gian khổ của tất cả các thầy, cô giáo trên mọi miền tổ quốc - những người đã hết lòng, tận tụy với nghề nghiệp.
Các thầy, cô là những tấm gương sáng về tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh, tận tụy với học sinh.
Mỗi thầy cô giáo không chỉ là tấm gương sáng về đạo đức nhà giáo, về tinh thần tận tụy với nghề, mà còn phải gương sáng về học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục".
Thứ trưởng ghi nhận, chia sẻ với những nỗi vất vả, nhọc nhằn của các thầy cô trong hành trình tâm huyết, gắn bó, cống hiến cho ngành giáo dục.
68 thầy, cô tiêu biểu tham dự chương trình gặp mặt này là những giáo viên đang dạy học ở những vùng sâu, vùng xa, điều kiện khó khăn, trong đó có 9 thầy, cô là người dân tộc thiểu số; những thầy, cô giáo có thành tích vượt bậc, có học sinh tham gia và giành giải thưởng tại các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; các thầy, cô giáo có sáng kiến đổi mới trong dạy và học, đã được áp dụng thực tế, đạt kết quả cao.
Nhiều thầy cô có hoàn cảnh gia đình khó khăn, điều kiện giảng dạy, trường lớp thiếu thốn, phương tiện di chuyển đến trường chưa đảm bảo, nhiều thầy cô đã hy sinh, dành cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giáo dục tại những nơi khó khăn.
Vượt qua những khó khăn vất vả ấy, các thầy cô đã phấn đấu giảng dạy, công tác, đạt nhiều thành tích trong chuyên môn, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các địa phương.
“Tôi mong các thầy cô tiếp tục cố gắng hơn nữa, nâng cao năng lực, nghiệp vụ, chuyên môn hơn nữa, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trồng người” - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn bày tỏ.
Bộ GD và ĐT đánh giá cao sáng kiến của Trung ương Đoàn TNCS HCM, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long đã phối hợp với Bộ GDĐT tổ chức chương trình này để chia sẻ những khó khăn, vất vả và khuyến khích, động viên, tôn vinh thầy, cô.
Qua 7 năm triển khai, chương trình đã tuyên dương được 390 giáo viên đã cống hiến bền bỉ, không mệt mỏi, dành nhiều thời gian, công sức, tâm huyết vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ.
Tại buổi gặp mặt, Bí Thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết cho biết, kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Ban Tổ chức chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" lựa chọn 4 nhóm giáo viên để tuyên dương là giáo viên có thành tích nổi bật, có học sinh tham gia và giành giải thưởng tại các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế...; các giáo viên có nhiều sáng kiến đổi mới việc dạy và học đã được áp dụng vào thực tế và đạt kết quả cao; giáo viên đang công tác tại vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và các giáo viên đã từng tham gia giảng dạy có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thời gian công tác được xã hội ghi nhận.
Mong muốn môi trường giáo dục hạnh phúc
Tại chương trình gặp mặt, các thầy, cô giáo đã trao đổi, chia sẻ những khó khăn trong quá trình giảng dạy; những động lực giúp các thầy cô tận tâm, cống hiến với nghề và những mong muốn, nguyện vọng về chế độ chính sách cho những giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Các thầy, cô giáo cũng chia sẻ kinh nghiệm trong công tác chuyên môn, giảng dạy, hỗ trợ học sinh trong cuộc sống, học tập. Các thầy cô đều đau đáu nỗi niềm, mong mỏi lớn nhất là làm được điều gì đó cho học trò của mình, để các con yên tâm học tập, có môi trường giáo dục hạnh phúc, có cuộc sống và tương lai tốt đẹp hơn.
Thầy giáo Nguyễn Duy Khánh, giáo viên Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết, hiện nay nhiều thầy, cô giáo gặp khó khăn trong vấn đề sử dụng công nghệ thông tin để chuyển tải bài giảng, mặc dù hiệu quả, lợi ích mang lại là rất lớn. Các thầy, cô giáo, học sinh vẫn khó tiếp cận giảng dạy online vì điều kiện kinh tế, mạng internet ở vùng cao hạn chế.
Cô Đinh Thị Loan, giáo viên Trường Mầm non Khun Há (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) chia sẻ, giáo viên vùng giảng dạy ở vùng cao không những gặp khó khăn vì đường sá, địa hình phức tạp, mà còn phải nỗ lực học tiếng địa phương vì học sinh vùng cao cũng hạn chế khi giao tiếp bằng tiếng Kinh. Mặt khác, các em cũng hạn chế về nhận thức giới và kiến thức sức khoẻ sinh sản,… Điều này cũng khiến giáo viên phải quan tâm nhiều hơn tới các em,...
Lắng nghe các chia sẻ của thầy cô giáo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, lãnh đạo Bộ GD và ĐT ghi nhận, thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn và trăn trở của thầy, cô. Ngành giáo dục tác động đến từng gia đình, đến mọi thành phần trong xã hội, vì vậy kỳ vọng của xã hội, của người dân, của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ngày càng lớn.
Trong khi ngành giáo dục phải gánh vác trách nhiệm trong thời kỳ đổi mới, đổi mới chương trình, đặc biệt đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nhưng đang thiếu rất nhiều về đội ngũ, cơ sở vật chất, chế độ, phương pháp giảng dạy, công nghệ, kỹ năng áp dụng…
"Đổi mới thì rất khó khăn, đổi mới ngành giáo dục càng khó khăn hơn nữa, đổi mới ngành giáo dục trong lúc các nguồn lực hạn hẹp như vậy càng đặc biệt khó khăn", Thứ trưởng nói.
Theo Thứ trưởng, không phải đến bây giờ Đảng, Nhà nước hay Bộ GD và ĐT mới đưa ra giải pháp, mà chế độ chính sách đã có nhiều, tuy nhiên đâu đó vẫn còn nhiều khó khăn, chính sách, chế độ chưa thể bao phủ được hết. Hiện nay, Chính phủ có Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số, miền núi trong thời gian tới, kỳ vọng này sẽ góp phần tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học tại các địa phương.
Ngành giáo dục cũng luôn phấn đấu đề ra, đề xuất những cơ chế, chính sách về tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học của các trường ở địa phương. Cùng với đó là chế độ chính sách với đội ngũ nhà giáo.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ: "Vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có đề xuất với Quốc hội, Chính phủ. Chắc chắn đợt tới, đặc biệt với giáo viên mầm non, tiểu học sẽ có những thay đổi, theo hướng tăng mức lương cơ bản chung của toàn quốc, đây là nỗ lực lớn của ngành".