Xoa dịu người dân
Đức đã quyết định siết chặt kiểm giới, dựng lên nhiều trạm kiểm soát trên đất liền với các nước láng giềng trong 6 tháng, bắt đầu từ ngày 16.9.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cho biết, Ðức không thể tiếp nhận thêm người di cư, bởi các nguồn lực dành cho người tị nạn đã gần cạn kiệt, trong khi số lượng người nhập cư bất hợp pháp vào nước này vượt tầm kiểm soát. Chỉ trong 7 tháng tính từ đầu năm 2024, số người nhập cảnh trái phép vào Ðức đã lên tới khoảng 50.000 người. Thêm vào đó, chi phí thuê chỗ ở và chăm sóc người tị nạn khiến hệ thống phúc lợi của nền kinh tế hàng đầu EU rơi vào tình trạng quá tải.
Dòng người di cư bất hợp pháp không chỉ khiến gánh nặng tài chính gia tăng, mà còn đặt ra thách thức về bảo vệ an ninh quốc gia trước các mối đe dọa cực đoan. Thời gian qua, Đức đã chứng kiến hàng loạt vụ tấn công gây hậu quả nghiêm trọng liên tiếp. Mới đây nhất là vụ tấn công bằng dao tại thành phố Solingen đã khiến 3 người chết và 8 người bị thương. Nghi phạm được xác định là người Syria, bị nghi có liên quan tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Có thể nói, vụ tấn công là giọt nước làm tràn ly, khiến làn sóng phẫn nộ lan khắp nước Ðức, gây sức ép yêu cầu chính phủ mạnh tay xử lý nạn nhập cư trái phép.
Thêm vào đó, trong bối cảnh cuộc bầu cử liên bang năm 2025 đang đến gần, sức ép đối với Chính phủ Thủ tướng Olaf Scholz cũng ngày càng tăng. Trong nhiều năm qua, Ðức được đánh giá là quốc gia hào phóng khi luôn chào đón người tị nạn đến từ Syria, Ukraine và nhiều điểm nóng xung đột trên thế giới. Tuy nhiên, số người tị nạn ngày càng tăng cao và vượt tầm kiểm soát, các dịch vụ xã hội bị quá tải và nỗi lo về an ninh tăng dần do các cuộc tấn công cực đoan liên tiếp xảy ra.
Giới phân tích nhận định, hành động siết chặt kiểm soát biên giới được coi là bước đi cần thiết để chính phủ xoa dịu làn sóng bất bình, củng cố niềm tin của người dân. Ông Faeser nhấn mạnh, Chính phủ Đức không còn lựa chọn nào khác nên mới phải đưa ra quyết định nêu trên, và giải thích việc kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn sẽ giúp mục đích hạn chế khủng bố và tội phạm xuyên biên giới.
Lo ngại hiệu ứng domino
Tuy nhiên, ngay khi các biện pháp kiểm soát biên giới mới được triển khai, Berlin đã đối mặt sự chỉ trích từ các nước EU. Theo đó, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã lên án và tuyên bố sẽ triệu tập các cuộc họp tham vấn khẩn cấp với những nước bị ảnh hưởng. Trong khi Áo tuyên bố sẽ không tiếp nhận bất kỳ người xin tị nạn nào bị Ðức từ chối.
Ngoài ra, quyết định của Chính phủ Đức cũng giáng một đòn mạnh vào một trong những nguyên tắc cốt lõi của EU, là sự tự do di chuyển qua biên giới nội bộ, một đặc điểm chính của Hiệp ước Schengen. Động thái của Đức đã đi chệch khỏi nguyên tắc này, gây ra lo ngại về khả năng tan rã của khu vực Schengen. Người phát ngôn Bộ Nội vụ Cộng hòa Séc Hana Mala cảnh báo, một quyết định như vậy có thể gây ra “hiệu ứng domino” trên toàn khu vực.
Các chuyên gia nhận định rằng, đường lối cứng rắn của Đức về biên giới phản ánh một thực tế trong EU, là không thể đưa ra được phản ứng thống nhất và hiệu quả đối với cuộc khủng hoảng người tị nạn đang diễn ra tại khu vực này. Giải pháp thực sự không phải là hành động đơn phương, mà là đẩy nhanh việc thực hiện Hiệp ước châu Âu về Di cư và Tị nạn (EPMA). Hiệp ước này được thiết kế để phân bổ trách nhiệm công bằng hơn, đưa ra sự hỗ trợ dựa trên tinh thần đoàn kết và hợp lý hóa quy trình xin tị nạn. Mặc dù EPMA đã được nhất trí về nguyên tắc nhưng bị trì hoãn đến năm 2026 mới bắt đầu có hiệu lực. Lý do chủ yếu đến từ những bất đồng chính trị giữa các quốc gia thành viên và sự phản đối từ các quốc gia không muốn chia sẻ trách nhiệm đối với những người xin tị nạn.
Các chuyên gia đánh giá rằng, sự trì hoãn chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng di cư, làm nổi bật lên sự bất lực của EU trong việc giải quyết các vấn đề gai góc theo thời gian thực, từ đó thúc đẩy các quốc gia thành viên tự mình giải quyết vấn đề. Họ đồng thời cảnh báo rằng, một chiến lược củng cố an ninh quốc gia nhưng gây tổn hại đến các nước láng giềng thì khó có thể thành công. Nếu không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của dòng người tị nạn và xây dựng chính sách thống nhất trên toàn EU, các biện pháp kiểm soát biên giới riêng lẻ sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng ở bất kỳ đâu.
Thêm vào đó, chính sách siết chặt biên giới chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đến kinh tế. Theo dữ liệu từ Cơ quan Việc làm Liên bang Đức, các hạn chế chặt chẽ hơn của Đức đối với hơn 3.700km biên giới đất liền sẽ ảnh hưởng đến khoảng 240.000 người thường đi lại xuyên biên giới. Khu vực Schengen từng linh hoạt, nơi 1,7 triệu người vượt biên giới mỗi ngày để làm việc và giao dịch, tạo ra hàng nghìn tỷ euro mỗi năm, hiện đang phải đối mặt với sự chậm trễ, thách thức về hậu cần và chi phí tăng cao.
Transport and Logistics Netherlands (TLN) - một tổ chức trong ngành vận tải của Hà Lan, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác động tiềm tàng đối với thương mại. Sự cứng rắn của Chính phủ Đức đang làm suy yếu Hiệp ước Schengen và quyền tự do lưu thông hàng hóa; đồng thời cảnh báo rằng sự chậm trễ trong vận chuyển có thể dẫn đến hậu quả khó lường đối với chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, Ðức không phải là quốc gia duy nhất tại EU bị chỉ trích do siết chặt biên giới, mà cả Hungary, Cộng hòa Séc và Slovenia cũng trong hoàn cảnh tương tự. Rõ ràng, nạn di cư bất hợp pháp không chỉ gây nhức nhối, mà còn là nhân tố đe dọa khối thống nhất của EU. Từ nhiều năm nay, vấn đề người di cư, tị nạn luôn là chủ đề gây tranh cãi trong chương trình nghị sự của EU. Song, lời giải cho bài toán hóc búa này vẫn bỏ ngỏ, dẫn đến việc nhiều nước tự tìm giải pháp khắc phục.
Thúc đẩy giải pháp chung và thống nhất
Có thể nói, việc kiểm soát biên giới không chỉ là vấn đề về mặt chính trị, mà còn là về bản sắc của châu Âu. Liệu Đức có thực sự muốn trở thành một châu lục đóng cửa với những người dễ bị tổn thương nhất? Các biện pháp kiểm soát biên giới tạm thời của Đức do bị nhiều sức ép bủa vây càng cho thấy tầm quan trọng của một chính sách thống nhất, toàn diện đối với người tị nạn và di cư, tránh để tình trạng “mạnh ai nấy làm” khiến khối đoàn kết rạn nứt.
Chính vì vậy, việc đẩy nhanh EPMA là rất quan trọng để bảo đảm một hệ thống công bằng và hiệu quả hơn; đồng thời giúp phân bổ trách nhiệm cho những người xin tị nạn một cách công bằng hơn trên khắp khu vực, giảm bớt áp lực cho các quốc gia tuyến đầu ở Địa Trung Hải. Mỗi quốc gia thành viên sẽ được yêu cầu tiếp nhận một hạn ngạch người xin tị nạn hoặc đóng góp tài chính cho những quốc gia làm như vậy. Sự hỗ trợ dựa trên tinh thần đoàn kết này là điều cần thiết để bảo đảm không có quốc gia nào phải gánh chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng, trong khi những quốc gia khác chỉ đơn giản là đóng cửa biên giới.
Hơn nữa, hiệp ước này đưa ra các cơ chế để hợp lý hóa quy trình xin tị nạn, giúp quy trình này diễn ra nhanh hơn và cân bằng hơn. Bằng cách đẩy nhanh thời gian xử lý đơn xin tị nạn và đưa ra các quy tắc rõ ràng hơn về trục xuất khi đơn xin bị từ chối, điều này sẽ giúp ngăn chặn tình trạng tắc nghẽn và tồn đọng gây ảnh hưởng đến hệ thống. Mỗi quốc gia EU sẽ chia sẻ trách nhiệm xử lý người xin tị nạn, đảm bảo gánh nặng không đổ lên đầu một số quốc gia.
Các biện pháp tạm thời giờ không còn phù hợp, đây là lúc EU cần một giải pháp thống nhất, công bằng và nhân đạo, để bảo vệ sự toàn vẹn của khu vực.