Mỗi phương trời một phong tục

Thanh Chi tổng hợp 23/01/2009 00:00

Lễ hội đón mừng năm mới ở châu âu xuất hiện lần đầu vào đêm cuối cùng của năm 999, rạng sáng ngày đầu tiên của năm 1000. Mọi người đều sợ hãi chờ đợi sự ứng nghiệm của một lời tiên tri rằng đó là thời điểm cáo chung của thế giới…

      May mắn thay, lời cảnh báo thế giới hủy diệt vào ngày 1.1.1000 không thành sự thật. Khi chuông đồng hồ điểm đúng 12h00, thấy ngày mới đã đến mà vẫn chẳng phải “tận cùng”, ai nấy đều mừng rỡ khôn tả, ôm hôn, chúc mừng nhau. Để ghi nhớ ngày vui đó, sáng ngày 1.1.1000, người đứng đầu Nhà thờ La Mã khai lễ cầu phúc. Từ đó, phong tục đón mừng năm mới dương lịch tiếp diễn hàng năm cho đến bây giờ...
      Đất nước lâu đời, cây thông muộn nhất
      Hy Lạp là đất nước duy nhất có truyền thống đón Tết không giống tất cả các nước cùng thuộc châu âu. Phân phát quà cho trẻ con không phải ông già Noel, mà là những hậu duệ của Đức Thánh Vasily – bởi vì ở Hy Lạp, Chính thống giáo được hiến pháp công nhận là tôn giáo chính thức. Các nhân vật đi phân phát quà Tết cho trẻ em còn tham gia quảng cáo hàng hóa, thực phẩm, đồ chơi và cả... chứng khoán nữa. Hóa ra phong tục dựng cây thông đón năm mới được đất nước cổ kính này du nhập rất muộn. Từ năm 1933, cây thông năm mới đầu tiên được dựng trong cung điện của Tân Vương Otton (người gốc Đức), sau đó, người dân Hy Lạp thấy hay, mới làm theo.
      Người Anh cũng biết “hóa vàng”
      Khi tiếng chuông điểm giờ giao thừa đã đến, dân xứ sương mù Albion có tục lệ mở cửa sau để tống tiễn năm cũ, sau đó mở cửa trước để nghênh đón năm mới vào nhà. Chỉ đến lúc đó, tất cả thành viên gia đình mới được ngồi vào bàn tiệc và trưng bày tặng phẩm đầu năm của mình cho người thân. Tất cả các tặng phẩm đều được đánh giá công khai: những món có giá trị đồng hạng thì đem phân phát đều cho mọi người, những món có giá trị nổi trội được gom vào một trò chơi, kiểu tông bô la như ta thường gọi, tức là lấy phiếu gắp thăm chọn người may mắn. Kết thúc một đêm phiêu lãng là gửi cho đấng siêu linh một bức thư, trong đó liệt kê nguyện vọng của từng người về  món quà Tết năm sau. Thư gửi sang thế giới bên kia cũng được người Anh gửi bằng cách “hóa”: bỏ vào lò, bốc lửa, khói bay mang theo nội dung bức thư lên trời.
      Láng giềng lần lượt khao nhau
      Pháp – đất nước đã hiến tặng thế giới một “thủ đô của Tình yêu” đón mừng năm mới không có gì khác với các nước châu âu, nhưng ở các làng quê miền nam vẫn lưu truyền những phong tục đặc biệt. Ví dụ, ngày đầu năm, người phụ nữ đầu tiên ra lấy nước nguồn thế nào cũng phải để lại bến một chiếc bánh rán từ bàn tiệc tất niên của nhà mình. Người kế tiếp ra lấy nước sẽ được hưởng chiếc bánh đó, nhưng cũng không quên để lại một món ăn mang theo “để phần” cho người đến sau. Cứ như thế, nơi đầu nguồn nước trở thành chỗ để tất cả những người hàng xóm láng giềng... khao nhau!

      Đại hội chế biến thuốc nổ
      Ở Brazil, năm mới là dịp trẩy hội, khác hẳn với lễ Giáng sinh vốn là ngày lễ tôn giáo chỉ khuôn trong phạm vi gia đình. Đón năm mới, bao giờ Rio de Janeiro cũng tổ chức bắn pháo hoa rực rỡ. Cả triệu người dân địa phương và du khách đổ ra bãi biển nổi tiếng Copacabana – nơi diễn ra cả một đại nhạc hội của kỹ thuật sử dụng thuốc nổ: từ hàng trăm tàu bè gần bờ tuôn lên không trung những đài ánh sáng lung linh muôn sắc. Theo truyền thống, ngày mùng một Tết, người ta chỉ mặc áo trắng ra đường.
      Ngày đầu năm vẫn làm việc
      Ngay từ đầu tháng 12, tất cả các cửa hiệu, khách sạn, nhà hàng ở Ai Cập đều đã được trang hoàng đón Tết và bắt đầu có bán những thứ hàng đặc trưng chào năm mới. Các trung tâm giải trí chuẩn bị xôm trò vì giới trẻ thích theo kiểu Tây, không chịu bỏ lỡ thời cơ vui vẻ. Nhưng phần lớn người dân Ai Cập lại khác: họ không làm gì đặc biệt, chỉ uống trà, nhấm nháp bánh kẹo đón năm mới rồi đi ngủ sớm, vì hôm sau, ngày 1 tháng giêng vẫn là ngày làm việc như thường.
      Năm nay thuộc thế kỷ nào?
      Ở Gruzia, dân địa phương đón mừng năm mới những... hai lần. Lần thứ nhất: từ ngày 31.12 năm cũ đến ngày 1.1 năm kế cận; Lần thứ hai từ ngày 13 đến ngày 14.1. Dân Gruzia theo Chính thống giáo cho nên lễ Giáng sinh của họ được cử hành từ sáng sớm ngày 7.1.  
      Nhưng người Iran lại đón Tết theo kiểu... riêng biệt: không pháo hoa rực trời, không cây thông kim nhũ trong nhà và không có những đám vui chơi huyên náo ngoài đường phố. Gần đến ngày Tết, Teheran chỉ nhắc nhở người dân bằng cách bày ra cửa hiệu một số đồ lưu niệm Tết, căng một số biểu ngữ bên đường với lời chúc mừng nhà tiên tri Isa (Đức Chúa) giáng sinh. Khác với nhiều quốc gia trên thế giới, Iran theo lịch mặt trời, do đó lễ đón mừng năm mới và ngày mới của mùa xuân mới (Nouruz) sẽ được tổ chức muộn hơn, vào cuối quý I-2009 của lịch quốc tế. Theo người Iran, năm nay được tính là năm 1388, vẫn thuộc thế kỷ thứ XIV...
      Lần duy nhất, vô tư đi nhé!
      Trước thời Minh Trị (1868-1911), Nhật Bản theo lịch Trung Hoa, còn bây giờ thì theo lịch Âu Mỹ, nhưng vẫn tổ chức Tết Nguyên đán tươm tất. Áp Tết, họ cố gắng hoàn tất mọi việc, dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa... Khi 108 tiếng chuông chùa vang lên nhằm xua đuổi 108 thứ đam mê tội lỗi của kiếp người, một mùa xuân mới bắt đầu đến với người Nhật. 
      Đã thành lệ, để tổng kết một năm làm việc, trước Tết, các hãng và công ty thường tổ chức một tối bonenkai, nhằm quên đi năm cũ, để bước vào năm mới với đầu óc minh mẫn và lương tâm trong sáng. Tại tối bonenkai, mọi người có thể thả lỏng những quy chế, kỷ luật của ngày thường: đây là lần duy nhất trong năm, giữa ông chủ và người làm thuê, cấp dưới và cấp trên không còn khoảng cách, cứ thoải mái vô tư “mày tao chi tớ” với nhau...

    Nổi bật
        Mới nhất
        Mỗi phương trời một phong tục
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO