Hội thảo do UBND thành phố Nha Trang phối hợp với Viện Kinh tế - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa tổ chức. Đây là hội thảo cuối trong nhóm 3 hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển TP. Nha Trang (1924 - 2024), 15 năm Nha Trang được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh (2009 - 2024).
Đề xuất các giải pháp vững vàng tiến ra biển lớn
Phát biểu đề dẫn khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo Nguyễn Sỹ Khánh chia sẻ: Nha Trang có vị trí địa lý và địa hình lạ, quý hiếm, bởi có “Tứ thủy triều quy, Tứ thú tụ”. Sự kết hợp đa dạng của các loại địa hình đồng bằng, đồi núi và các đảo trên vịnh biển đã tạo ra các danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp. Vịnh Nha Trang được công nhận là thành viên của Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới. Từ một làng chài nhỏ bé nép mình bên sông Cái, Nha Trang đã vươn mình trở thành đô thị năng động của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, vị thế, vai trò ngày càng được khẳng định không chỉ của tỉnh Khánh Hòa mà của cả khu vực và cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển của thành phố chưa ngang tầm và tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cảnh quan mà thiên nhiên ban tặng cũng như giá trị văn hóa đặc sắc, nguồn nhân lực dồi dào thành phố đang sở hữu.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân khẳng định, để có một thành phố phồn vinh, hạnh phúc cần tính toán kỹ lưỡng, hài hòa giữa phát triển và bảo tồn, hướng đến phát triển nhanh, bền vững, phồn vinh và hạnh phúc. Trước tiên, việc xây dựng, phát triển TP. Nha Trang phải nằm trong tổng thể xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trong đó, Nha Trang là đô thị hạt nhân, trung tâm phát triển nhất của tỉnh. Với vai trò hết sức quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong tư duy, trong hành động TP. Nha Trang phải luôn có tầm nhìn xa hơn, rộng hơn. Đồng thời, cần nhìn nhận, đánh giá đúng vị trí, đúng khả năng của Nha Trang - Khánh Hòa trong tiến trình phát triển, xây dựng thương hiệu dịch vụ du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài và sức hấp dẫn, hội tụ tinh hoa thế giới đến Nha Trang - Khánh Hòa sinh sống và làm việc, góp phần làm đẹp, làm giàu, tăng thêm sức mạnh cho quê hương, đất nước, từ đó đề xuất các giải pháp thực hiện phù hợp để Nha Trang - Khánh Hòa vững vàng tiến ra biển lớn.
Lan tỏa về một Nha Trang phồn vinh, hạnh phúc
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp, trao đổi, thảo luận nhiều giải pháp phát triển thành phố trong thời gian tới. Theo đó, để “Thành phố biển Nha Trang - Khánh Hòa phồn vinh, hạnh phúc”, cần phải bắt đầu từ văn hóa. Nha Trang có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để trở thành một thành phố đáng sống như bác sĩ A.Yersin nhận xét là vùng đất có “khung cảnh thanh bình tuyệt vời”. Trách nhiệm của thế hệ hôm nay là phải làm sao để Nha Trang ngày càng đẹp hơn, giàu sức sống hơn. Bên cạnh lợi thế về biển đảo, Nha Trang có sông Cái nằm trong lòng thành phố rất đẹp. Chính vì vậy, phải có giải pháp phát huy giá trị của sông Cái, cần kiểm soát được rác thải của sông; có trạm quản lý chất lượng nước của Nha Trang.
Nỗ lực xây dựng “Thành phố biển Nha Trang - Khánh Hòa phồn vinh, hạnh phúc là cơ hội để thực hiện ý tưởng phát triển quê hương đất nước. Nha Trang không đua với thành phố nào của Việt Nam mà phải đua với toàn cầu, cạnh tranh quốc tế, phải xin được thí điểm hình mẫu về thành phố thông minh - sáng tạo. Nha Trang phải xác định là thành phố hướng biển, xây dựng thành phố văn hóa, đẳng cấp quốc tế... Nguồn lực để phát triển của Nha Trang là nhân lực, hạ tầng, thể chế vượt trội.
Và để trở thành thành phố sáng tạo toàn cầu, TP. Nha trang phải xây dựng được hệ sinh thái sáng tạo công nghệ, văn hóa nghệ thuật; tạo ra những sản phẩm sáng tạo tiên phong, tạo ra giá trị mới trong xã hội Trí tuệ nhân tạo - Kỷ nguyên Khai sáng toàn cầu; tụ hội những nhà sáng tạo hàng đầu, những nhân vật tinh hoa của thế giới về với Nha Trang. Để hiện thực hóa được mục tiêu này, cần xây dựng Công viên phần mềm (AIP) của Đại học Thông tin liên lạc (trụ sở ở Nha Trang) trở thành trung tâm sáng tạo hàng đầu của Nha Trang, kết nối với các trung tâm nghiên cứu sáng tạo của Đại học Harvard, Đại học MIT và các trường đại học ở thành phố Boston và bang Massachusetts (Mỹ). Đồng thời, xây dựng hạ tầng y tế, giáo dục tiên tiên để thu hút những tinh hoa trên thế giới và Việt Nam về sống và làm việc; khơi dậy khát vọng sáng tạo của người Nha Trang thông qua chương trình “ Người dân Nha Trang sáng tạo…”.
Cùng với đó, sau hội thảo, thành phố nên có một chiến lược truyền thông, định vị hình ảnh Nha Trang - Khánh Hòa trên bản đồ quốc tế. Quan trọng hơn, làm thế nào để mỗi người dân thành phố phải là đại sứ để lan tỏa về một Nha Trang phồn vinh, hạnh phúc trong cả nước và bạn bè quốc tế.