Mọi người dân được thụ hưởng thành quả phát triển

- Chủ Nhật, 06/06/2021, 08:01 - Chia sẻ
Với mong muốn làm sao mang lại cuộc sống tốt đẹp nhất cho con người, trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh quan điểm: Phát triển kinh tế để mang lại lợi ích cho toàn dân. Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng nêu rõ phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Theo nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng NGUYỄN TRỌNG PHÚC, chúng ta không chỉ đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống mà quan trọng hơn là mang lại cuộc sống tốt đẹp cho Nhân dân để mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả phát triển của đất nước.

Lợi ích thiết thân cho người dân

- Trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, xã hội mà chúng ta đang hướng đến là một xã hội mà sự phát triển là thực sự vì con người. Có thể thấy, hơn 91 năm qua, Đảng ta chưa bao giờ đi chệch hướng này, thưa ông?

Đảng và Nhà nước ta luôn hướng tới phát triển kinh tế vì con người, phát triển văn hóa, giáo dục, xã hội vì con người, xây dựng thiết chế chính trị, hệ thống pháp luật của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, quản lý đất nước, xã hội cũng phải mang lại những điều tốt đẹp cho con người. Như vậy, con người là trung tâm, động lực của xã hội, đất nước. Chủ nghĩa xã hội là không để ai bị bỏ lại phía sau. Đó là bản chất đầy thuyết phục của chủ nghĩa xã hội. Trước đây, mô hình chủ nghĩa xã hội của các nước Liên Xô, Đông Âu đã cố gắng hướng đến, nhưng do những sai lầm trong chính sách nên chưa thực hiện được. Những nước đang quá độ lên chủ nghĩa xã hội như Việt Nam phải cố gắng tiếp cận với thực tiễn để hoàn thiện sâu sắc nhận thức về chủ nghĩa xã hội. Và hiểu chủ nghĩa xã hội cho đúng đắn.

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng NGUYỄN TRỌNG PHÚC

- Như Bác Hồ đã định nghĩa chủ nghĩa xã hội là làm cho dân giàu, nước mạnh, giải phóng triệt để con người khỏi áp bức, bất công, khổ đau để đi tới cuộc sống hạnh phúc, ấm no. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, trong Tuyên ngôn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng nhấn mạnh ba chữ: “Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”. Bác Hồ đã hướng tới bảo đảm cho con người được no ấm, được học hành, có cuộc sống tốt đẹp hơn. Sau này, khi dân giàu, nước mạnh thì mọi người phải được ấm no, sung sướng, được tự do, trẻ em được nuôi dưỡng, người già được chăm sóc, có nhà ở tử tế. Chủ nghĩa xã hội không ở đâu xa vời, cao siêu mà đó chính là cuộc sống của con người.

Kế thừa tư tưởng của Bác, Đảng ta luôn mong muốn và nỗ lực không mệt mỏi để mang lại cuộc sống tốt đẹp nhất cho con người. Phát triển kinh tế không chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm người mà phải là mang lại lợi ích cho toàn dân. Ngay cả việc xây dựng nhà nước pháp quyền, hoàn thiện hệ thống chính trị của đất nước cũng phải hướng tới con người - đó là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng nêu rõ phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Chúng ta không chỉ đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào đời sống mà quan trọng hơn là mang lại cuộc sống tốt đẹp cho Nhân dân. Các thành tựu phát triển chỉ thực sự trọn vẹn ý nghĩa khi mang lại lợi ích thiết thân cho người dân, lúc đó chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đúng đắn và chân chính của chủ nghĩa xã hội.

- Thưa ông, thành công hay thất bại là do con người, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là đúng đắn, nhưng cũng có những “con sâu làm rầu nồi canh”, khiến đôi khi chúng ta bị chệch hướng?

 - Dù chế độ chính trị lựa chọn với lý tưởng tốt đẹp bao nhiêu thì trong quá trình đi lên cũng không tránh khỏi sự tha hóa của một bộ phận dân cư, một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Phải nhận thức được thực trạng của xã hội, tìm nguyên nhân chủ quan, khách quan. Qua đó, xác định cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật thế nào, hệ thống kiểm soát quyền lực ra sao để sửa chữa những sai lầm đó, đẩy lùi tha hóa, biến chất, quản lý đất nước, xã hội được tốt hơn.

Trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội, tiến bộ là xu hướng chính, xu hướng chủ đạo, phải lấy cái tích cực để đè bẹp cái tiêu cực, ngăn chặn và đẩy lùi sự tha hóa. Tha hóa về quyền lực có thể dẫn tới tham nhũng, lợi ích nhóm, không thực sự vì dân, vì nước, vun vén cho cá nhân mình, mà gốc gác là chủ nghĩa cá nhân. Quá trình chống tha hóa, biến chất cũng rất lâu dài, không phải “một sớm một chiều” mà xong, nên phải khắc phục thường xuyên, liên tục, tích cực, chủ động. Chính vì thế, Đảng ta đã có các Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XI về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Với cách làm quyết liệt, “không có vùng cấm”, Đảng ta đang chủ động phòng ngừa và hạn chế, nỗ lực xây dựng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo trong sạch, có tâm, có tầm.

Một người vì mọi người, mọi người vì một người

- Ngay trong bài viết của Tổng Bí thư cũng chỉ rõ những khuyết điểm, hạn chế, thách thức mới trong quá trình phát triển đất nước, thưa ông?

- Phê bình và tự phê bình là quy luật trong xây dựng Đảng lãnh đạo và cầm quyền. Đảng ta phải không ngừng hoàn thiện vì đó là đội tiên phong, là đội ngũ những người lãnh đạo. Đạo là đường, muốn dẫn đường được thì phải có những con người ưu tú, loại bỏ được tiêu cực, phát huy tính tích cực trong mỗi cá nhân. Đảng phải gồm những người tiên phong, đạo đức tốt, trí tuệ, uyên bác, có trách nhiệm, có năng lực. Như Đại hội XIII của Đảng ta đặt ra đó là, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên gồm những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, dám sáng tạo, vượt qua thách thức. Muốn vậy phải dùng nguyên tắc phê bình và tự phê bình, coi đó là quy luật để phát triển Đảng, gắn với nguyên tắc tập trung, dân chủ, đoàn kết thống nhất trong Đảng. Đảng và Nhà nước phải gắn bó với Nhân dân, không phải là người cai trị Nhân dân mà là người phục vụ Nhân dân. Yêu cầu tự thân của Đảng là phải không ngừng hoàn thiện, không ngừng tự xây dựng, tự chỉnh đốn Đảng, thì mới gánh vác được trách nhiệm đưa đất nước đi theo con đường chủ nghĩa xã hội.

- Văn kiện Đại hội XIII của Đảng lần đầu tiên đưa "hạnh phúc" của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, theo ông, làm sao để lượng hóa được tiêu chí này?  

- Với mong muốn khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, chúng ta cũng cần có những tiêu chí xác định thế nào là quốc gia phồn vinh, quốc gia hạnh phúc. Thực tế Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố cũng bước đầu nêu ra các tiêu chí hạnh phúc, phồn vinh, trong đó, tôi nhớ Đảng bộ tỉnh Yên Bái là tiên phong trong vấn đề này. Hạnh phúc bao hàm nhiều vấn đề như thu nhập bình quân đầu người là bao nhiêu, mức hưởng thụ về văn hóa, giáo dục như thế nào, tuổi thọ của con người, dân trí ra sao, môi trường xã hội, môi trường thiên nhiên, sự bảo đảm về an ninh, an toàn… Hạnh phúc không dừng lại ở vật chất mà còn cả ở tinh thần. Điều đó đòi hỏi phải xây dựng và quản lý xã hội một cách hoàn thiện nhất. Ở xã hội đó, “một người vì mọi người, mọi người vì một người”, khi những giá trị tốt đẹp nhất của con người hiện hữu, đẩy lùi cái xấu xa, thì xã hội đó là xã hội lý tưởng.

- Xin cám ơn ông

Hoàng Ngọc thực hiện