Mỗi ngày xả ra môi trường 104 nghìn túi nilon
Theo khảo sát do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thực hiện gần đây, mỗi ngày có khoảng 104 nghìn túi nilon xả ra môi trường, tương đương 38 triệu sản phẩm một năm.
Nhiều tín hiệu tích cực
Tại tọa đàm "Các giải pháp thay thế đồ nhựa dùng một lần, thúc đẩy tiêu dùng xanh" ngày 23.6, Phó Giám đốc Trung tâm truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường Vũ Minh Lý cho biết, phong trào chống rác thải nhựa phát triển mạnh trong 3 năm gần đây. Các cơ quan trung ương đã sử dụng nước uống đóng chai thủy tinh trong các cuộc họp thay vì chai nhựa như trước. Các địa phương cũng rất tích cực trong việc thay đổi thói quen sử dụng rác thải nhựa dùng một lần thông qua các phong trào.
Đặc biệt là sự vào cuộc của các doanh nghiệp, từ nhà sản xuất đến nhà phân phối bán lẻ. Rất nhiều doanh nghiệp đã dùng túi nilon phân hủy sinh học hoàn toàn hoặc dùng túi làm từ bã mía. Nhiều ngân hàng cũng dùng túi giấy để đựng tiền thay cho túi nilon để giảm thiểu nhiều rác thải nhựa. Với người tiêu dùng, người dân, việc phân loại rác thải cũng đã được thực hiện tốt hơn… “Đây là những hành động tạo thành những thói quen tốt, mang lại tương lai xanh cho Việt Nam”, ông Lý nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Bằng Lăng, Phụ trách Phòng Phát triển bền vững, AEON Việt Nam cho biết, AEON đã triển khai các hoạt động giảm rác thải nhựa trong 2 năm qua. Hiện tại, 95% túi bao gói hàng hóa tại hệ thống siêu thị của AEON Việt Nam là túi phân hủy sinh học, và dự kiến đạt 100% vào cuối năm 2022. Bên cạnh đó, hơn 60% các khay chứa đựng đồ ăn và nước uống chế biến sẵn được làm từ vật liệu thân thiện với môi trường như giấy, bã mía.
Khó đạt mục tiêu năm 2025
Mặc dù vậy, việc giảm sử dụng túi nilon và đồ nhựa dùng một lần còn rất nhiều khó khăn. Theo các chuyên gia, không dễ đạt mục tiêu quản lý chất thải nhựa khi thời gian không còn nhiều.
Cụ thể, Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam (Quyết định 1316) đặt mục tiêu đến năm 2025 sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị; thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải phát sinh. Đề án cũng phấn đấu đến năm 2025 giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; phấn đấu 100% khu du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn không sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.
Nguyên nhân là sự phát triển của ngành bán lẻ và dịch vụ đang gián tiếp tạo thêm gánh nặng cho môi trường bởi ngành này sử dụng số lượng lớn bao bì nhựa, túi nilon và ống hút nhựa. Đặc biệt, thói quen sử dụng túi nilon dùng một lần trong mua sắm, sinh hoạt của người dân, đặc biệt là tại các chợ truyền thống, còn rất phổ biến.
Theo Tổng Giám đốc Starbucks Việt Nam Patricia Marques, Starbucks đã triển khai nhiều chiến dịch nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ đồ dùng nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất Starbucks gặp phải là thay đổi hành vi của người tiêu dùng, do vậy, cần nhiều nỗ lực và sự kiên trì để có thể tác động và thay đổi nhận thức của khách hàng. Từ phía doanh nghiệp, việc chuyển đổi từ đồ dùng nhựa sang các nguyên liệu khác đòi hỏi đầu tư lớn hơn.
Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường Nguyễn Đình Thọ cho biết, theo khảo sát thực hiện gần đây, mỗi ngày có khoảng 104 nghìn túi nilon xả ra môi trường, tương đương 38 triệu sản phẩm một năm. Viện đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, hiệu quả nhất là khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn và sử dụng lại, tái chế các sản phẩm nhựa thải.
Tổng Giám đốc Starbucks Việt Nam Patricia Marques hy vọng Chính phủ sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể thực hiện chuyển đổi sang vật liệu thay thế bền vững, đồng thời tin rằng sự phối hợp giữa khối tư nhân và Nhà nước sẽ thúc đẩy những thay đổi tích cực hơn trong tương lai.