Mỗi dự án sẽ phù hợp một công nghệ xử lý rác thải khác nhau
Chia sẻ tại Tọa đàm "Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường" do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, Phó vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Đặng Đình Tùng khẳng định, khi các nhà đầu tư tiếp cận các địa phương cần tìm hiểu rõ về đặc thù, đặc điểm và tình hình phát triển kinh tế - xã hội để đưa ra những quyết định chính xác nhất.
Theo ông Tùng, hoạt động thẩm định công nghệ cho các dự án liên quan đến môi trường nói chung, xử lý rác thải nói đã tương đối rõ trong hệ thống pháp luật. Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ năm 2018 đã dành một chương với 9 điều cho công tác thẩm định công nghệ các dự án đầu tư.
"Và trong quá trình triển khai, hoạt động thẩm định công nghệ các dự án đầu tư là quy định bắt buộc, luôn được xem xét trong quá trình chấp thuận chủ trương hoặc chấp thuận dự án xử lý rác thải trên địa bàn các tỉnh, thành phố,” ông Tùng chia sẻ.
Từ thực tế địa phương, công tác này đã và đang được thực hiện thường xuyên, tuy nhiên, như nhiều chuyên gia từng phát biểu, do đặc thù, đặc điểm và tình hình phát triển kinh tế xã hội riêng của mỗi địa phương, mà riêng câu chuyện xử rác thải sinh hoạt có những cách hiểu khác nhau.
Trong kinh nghiệm thẩm định công nghệ các dự án có liên quan đến xử lý rác thải tại các địa phương, hiện công tác tham vấn vẫn được cơ quan chuyên môn của ngành khoa học công nghệ gợi ý các nhóm công nghệ có thể sử dụng, theo hướng phù hợp nhất với địa phương đó.

Dẫn chứng từ thực tế, ông Đặng Đình Tùng cho rằng, các địa phương vùng sâu, vùng xa có đặc thù kinh tế - xã hội và đặc điểm địa lý chia cắt thì rác thải vẫn có thể chôn lấp kiểu truyền thống, vì phù hợp với điều kiện tiết kiệm của kinh tế. Còn với địa bàn khác phát triển hơn, cơ quan chuyên môn mới có thể tham vấn công nghệ phù hợp hơn.
Tuy vậy, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn khẳng định, quy mô nguồn rác thải mới là yếu tố then chốt của khâu tư vấn, khuyến nghị. Địa phương nào lên đến 4-500 tấn/ngày là có thể tính đến các phương án xử lý, tái chế, có thể đốt và thậm chí đốt phát điện.
“Như chúng ta đều biết, việc ứng dụng công nghệ xử lý cần hài hòa giữa điều kiện phát triển như về tự nhiên, địa lý, điều kiện… thậm chí là môi trường với các yếu tố khác có liên quan. Từ đó, cơ quan chuyên môn mới tham vấn được nhóm công nghệ phù hợp để đảm bảo phương án khả thi với điều kiện thực tế địa phương,” ông Tùng nói.
Quan điểm của Bộ Khoa học và Công nghệ là không có một công nghệ phù hợp nhất, duy nhất với xử lý rác thải. Và công nghệ tối ưu nhất với một địa phương phải là công nghệ phù hợp với điều kiện đặc thù, có thể kết hợp nhiều hình thức khác nhau trong một hệ thống xử lý rác thải.
Liên quan đến câu chuyện, có một số dự án tại một số địa phương, dù công nghệ hiện đại nhưng không thành công, ông Tùng cho rằng còn nhiều yếu tố cấu thành thành.
Đơn cử như ngoài yếu tố công nghệ, còn các yếu tố liên quan đến cơ chế, chính sách của địa phương, hình thức thu gom, cơ chế thanh toán và các giấy phép có liên quan đến nhà đầu tư. Do đó công nghệ khả thi, cũng phải khả thi về kinh tế và các điều kiện vận hành thì dự án mới phát huy được.
“Tức là yếu tố công nghệ sẽ chỉ là yếu tố cần thiết; phải tổng hòa trong các yếu tố liên quan đến quy định pháp luật, bảo đảm hoạt động thường xuyên, liên tục của địa phương, không bị tắc nghẽn, cản trở,” ông Tùng thông tin thêm từ hoạt động thẩm định tại địa phương.