Rà soát, cắt giảm quy định về hoạt động kinh doanh

“Mới chỉ có áp lực trong hội nghị”

- Thứ Bảy, 04/07/2020, 06:22 - Chia sẻ
Tại Tọa đàm “Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh” ngày 3.7, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam cho rằng, áp lực cắt giảm chỉ có trong hội nghị, cấp trên có phê bình cấp dưới cũng ở hội nghị. Vì vậy, các bộ, ngành mới chỉ cắt giảm, đơn giản hóa những quy định đơn giản và vẫn đang cố giữ những quy định đem lại quyền lực, quyền lợi cho mình.

Bộ, ngành chần chừ thay đổi  

Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Minh Thảo cho rằng, trong bối cảnh "bình thường cũ", doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn do các quy định chồng chéo, bất hợp lý. Vừa qua, dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp, hơn bao giờ hết họ cần môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Vì vậy, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương càng phải đẩy nhanh, tăng tốc rà soát và cắt bỏ các quy định, điều kiện kinh doanh bất hợp lý để doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường. Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đặt mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025 cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh rất có ý nghĩa đối với doanh nghiệp. 

Ảnh minh họa

Những năm qua, Chính phủ tập trung khá nhiều vào cải cách điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra, quản lý chuyên ngành, các chỉ số cụ thể về môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư kinh doanh chịu tác động bởi nhiều văn bản do nhiều cơ quan khác nhau ban hành. Bà Thảo cho rằng, nếu không giải quyết những bất cập về chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản luật này sẽ khiến cơ quan quản lý nhà nước lúng túng. Họ không biết thực hiện theo quy định pháp luật nào nên không đưa ra quyết định dẫn tới rủi ro cho doanh nghiệp. 

Cũng theo bà Thảo, cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn ngại thay đổi, tạo lên sức ì rất lớn trong thực thi pháp luật. Bên cạnh đó, tình trạng “quyền anh, quyền tôi” vẫn tồn tại. “Các bộ, ngành chắc chắn biết cách thức quản lý hiện đại nhưng vấn đề ở đây là sự chần chừ trong việc thay đổi”, bà Thảo nói. 

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam nhìn nhận, chúng ta mới chỉ tạo áp lực từ trên xuống nhưng vẫn nặng về hình thức, mới chỉ có áp lực ở trong phòng hội nghị, cấp trên có phê bình cấp dưới cũng chỉ ở trong hội nghị. Điều này khiến cho các bộ, ngành không thấy áp lực cho nên mới chỉ cắt giảm, đơn giản hóa những quy định đơn giản, còn những quy định đem lại quyền lực cho bộ, ngành thì vẫn đang cố giữ. Vì vậy, cần phải tạo áp lực mạnh hơn nữa để buộc các bộ, ngành phải chủ động trong việc rà soát, cắt giảm các quy định bất hợp lý.

Tọa đàm
Ảnh: Tuệ Anh

Cẩn trọng khi ban hành văn bản mới

Để đạt được mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong 5 năm tới, ông Nam cho rằng, từ nay đến năm 2025 cần cẩn trọng việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới, tránh phát sinh thêm những quy định bất hợp lý. Cùng với đó, cần phải xác định rõ trách nhiệm cá nhân nếu không đạt mục tiêu chứ không phải chịu trách nhiệm theo kiểu “rút kinh nghiệm” và đổ cho yếu tố khách quan như cán bộ ít, công việc nhiều, thiếu thiết bị…

Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của CIEM, bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng, mô hình Tổ công tác của Thủ tướng về rà soát văn bản quy phạm pháp luật thành lập tháng 3 vừa qua là phù hợp. Tổ công tác có thể lựa chọn thành viên tham gia vào tổ cũng như đội ngũ giúp việc có chuyên môn trong các lĩnh vực như vậy để soạn thảo các văn bản liên quan.

Theo bà Thảo, sự kết nối với cộng đồng doanh nghiệp cũng rất quan trọng bởi đây chính là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ những văn bản đó. Sự tham gia của đại diện doanh nghiệp có nhiều ý nghĩa trong việc tìm kiếm giải pháp đạt được sự đồng thuận - vừa bảo đảm yêu cầu quản lý, vừa tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp. Tiếng nói của họ góp phần tạo ra áp lực để thay đổi. Bên cạnh đó, chuyên gia và báo chí cũng là kênh quan trọng trong việc tạo áp lực để bộ ngành phải thay đổi về tư duy, có những cải cách thực chất. 

 

An Thiện