Mới

Nghiêm Lương Thành 14/11/2013 08:31

Tôi thật tốt số. Vợ tôi tuy hơi chậm chạp nhưng nấu ăn khá ngon. Vốn ít nói, việc gì cũng chỉ cặm cụi làm. Làm xong, nếu được khen là thích và tự cho rằng như thế cũng bõ cái công cặm cụi. Thực ra, trong chúng ta, phần lớn đều như vậy.

Một lần, buổi chiều, sau một ngày làm việc và học tập rã rời, mấy bố con tôi cùng đói meo, chẳng thể làm được việc gì, thậm chí là nghe nhạc, bèn quây quần vào mâm cơm. Trên mâm mới chỉ có độc cái bát tộ trắng hoác hơ, mấy cái bát ăn cơm, nắm thìa cùng đũa và cạnh đó là nồi cơm đã chín. Tôi buồn thiu, còn hai đứa con thì làm dịu cơn đói bằng cách gõ bát khua muôi ầm ĩ. Vợ tôi, mặt đỏ gay vì nóng, lật đật bê từ trong bếp ra một cái nồi.

- Có đây, có đây. Gớm, háu đói như bố. Chiều nay vội quá. Bữa tối nay nhà mình ăn “chuyên đề”. Mấy bố con chịu khó nhé.

Minh họa của Thúy Hằng
Minh họa của Thúy Hằng
Ăn chuyên đề, theo lối nói của vợ tôi, nghĩa là trên mâm có nhõn một món. Thằng anh nghe thấy vậy thì mặt mũi liền ỉu xìu. Vung được mở ra. Trật tự được lập lại tức thì, không cần đến một câu nhắc nhở hoặc khiển trách nghiêm khắc thông thường, bởi trung ương thần kinh của ba bố con đã nhận được những thông tin về mùi và, trong khoảnh khắc, đưa ra những dự đoán khá chính xác về vị. Chúng tôi lập tức bị khuất phục bởi các hạt vật chất nhỏ li ti từ cái nồi ấy nhẹ bay ra, quyện vào nhau thành một làn khói đầy hấp lực.

Vợ tôi, mấy sợi tóc bết trên trán vì mồ hôi mồ kê, cầm lấy cái bát tộ, nghiêng mặt né làn hơi nóng hôi hổi đang bốc lên nghi ngút từ miệng cái nồi, thận trọng múc thức ăn ra. Hai đứa con tôi rướn cổ lên, đưa những cái cánh mũi đang phập phồng về phía làn khói thơm phức mà thám hiểm.

- Món gì mà thơm thế mẹ ơi? - Thằng anh, vốn háu ăn, lim dim hít hà.

- Giả cầy - Con em nói, giọng đầy kiến thức - Anh quên rồi à?

- Đúng đấy, con gái có khác, nhưng món này vẫn chưa phải là tuyệt chiêu của mẹ đâu - Tôi nói, giọng có lẫn chút nịnh đầm, nhưng vì phản ánh đúng hiện thực khách quan nên không gặp một chút phản ứng khiêm tốn nào, dù là yếu ớt.

Con em, thoắt cái, trở nên hoạt bát, kéo nồi cơm về phía mình và bắt đầu xới cơm cho cả nhà. Thằng anh háu đói như bố, bắt chước tôi, gắp tạm ứng ngay một miếng, đưa vào miệng, ngồi thẳng dậy, nhai nhồm nhoàm; thỉnh thoảng nó dừng lại, tâm trí dường như dồn cả vào miếng thịt trong miệng. Lát sau, nó gật gù mãn nguyện: “Mẹ nhà mình đúng là bậc kỳ tài trong thiên hạ”. Tôi cười đồng tình. Mùa hè vừa rồi cu cậu mới đọc được bộ Tam quốc diễn nghĩa có khác.

*

Cơm trắng sốt dẻo, rưới chút nước vàng sậm, sền sệt riêng có của thứ nước bì móng giò, ăn với những miếng thịt ngậm xương, có đủ cả bì với mỡ cùng nạc, đã được thui đến độ cháy cạnh và ngấm nghía vào đó đầy đủ hương thơm nồng ấm nóng của khóm giềng bên bể nước mưa, vị cay mát thoảng ngọt của khóm sả trong góc vườn sau nhà, vị chua dịu của thứ mẻ được đựng trong những cái âu sành hoặc bình tích sứt vòi để bên bếp nấu, bụi tro rơm rạ phủ lên một lớp mỏng để rồi cùng với hơi ấm của lửa ấp ủ, hun tạo nên cái vị mà mỗi khi nhớ về một miền quê, không ai không thấy nó hiện lên. Tất cả những thứ đó, cho thêm một chút rượu đục (thứ mà cụ Nguyễn Trãi vẫn ưa dùng) cùng bóp lẫn vào thịt sống, để cho hương và vị đủ ngấm đến tận từng thớ thịt rồi mới đặt lên bếp. Kể cũng lạ: trước khi chế biến, rượu là rượu, giềng là giềng, sả là sả, mẻ là mẻ, mắm tôm là mắm tôm... thứ nào có cái tôi của thứ ấy, không thứ ý chí ẩm thực nào, dù là độc tài và sắc bén đến mấy, có thể cơ học mà đổ đồng được. Vậy mà một khi được những đôi tay mềm yếu của phụ nữ xứ ta phối lại, chúng lại cho một hòa vị hòa hương tuyệt đến mức, xin đánh cuộc, sành chơi đến bậc như cụ Tản Đà cũng không khỏi xao xuyến.

Mà sao lại gọi là giả cầy?

Ngày trước chợ búa chủ yếu là bán thịt lợn, bò và gia cầm. Những gia đình có mức sống từ trung lưu trở xuống cũng chỉ mua mỡ là chủ yếu, để ăn được lâu, tiết kiệm mà khớp đầu gối vẫn trơn tru nhẹ nhõm. Thịt chó không phải lúc nào cũng có, được coi là thức để ăn chơi trong những lúc giời đi vắng, chứ có đâu như bây giờ: công nghệ cầy tơ đa món đa phương phát triển đến mức thịnh hoạt, người ăn đủ hạng chẳng kể sang hèn, chữ nghĩa đầy vơi, đều ngồi xếp bằng trên phản, bên cạnh có mấy em mắt xanh mỏ đỏ lả lơi chuốc rượu tiếp nhắm cho cái sự ẩm thực thêm phần trữ tình uyển chuyển.

Bình thường, chưa thấy ai gọi thịt lợn, gà, bò... là đặc sản. Nhưng thịt chó thì có đấy, bởi cấu tạo vật lý và thành phần hóa học của nó có cái đặc biệt và cách chế biến cũng có phần “không giống ai”. Phàm người nào trong đời đã có một lần được thưởng thức thì lần sau chỉ cần thoáng ngửi, dù chỉ là một sợi khói vương lên từ kẽ vung, thì lập tức à lên một tiếng, nở một nụ cười đậm đà cảm xúc ẩm thực, rồi run run khẽ phán: Nó đấy.

Bởi thế, để sửa chữa cái khuyết điểm vì đã nghèo túng vất vả, không phải lúc nào thích mà có được ngay cái thứ thịt chó huyền bí đó, người ta bèn sáng kiến ra cách dùng thịt lợn, chế biến theo lề lối của thịt chó để thỏa mãn đáng kể niềm hứng khởi khiêm tốn của mình. Món đó được gọi là giả cầy, phỏng theo món dựa mận, đỉnh cao của nền thịt chó chân chính mà vùng nào cũng có.

*

Bố con tôi thành thực hỷ hả, hồn nhiên lặn hụp trong không khí bữa ăn gia đình. Ở đây, mọi lễ nghi rườm rà đều gác lại, chữ Lễ được cải tiến, tinh giản hơn, sao cho trong khuôn khổ đó cái tôi hồn nhiên, hàm chứa nhiều tiềm năng, được phát triển thoải mái tự tại. Hạnh phúc đã đạt đến độ viên mãn. Bằng chứng là thằng con tôi, khi ăn xong, vươn vai đứng dậy bên cái nồi đã sạch bóng, hứng khởi phát tác: “Mẹ nhà mình muôn năm”. Và lập tức, con em cũng giơ tay, cho bố ăn theo, hô tướng lên: “Bố nhà mình cũng thế”. Vợ tôi ngừng tay dọn mâm bát, ngồi yên, lặng ngắm các chúng sinh, miệng nở một nụ cười mãn nguyện khiêm nhường.

Thực ra, phần lớn các bà vợ xứ ta, ít nhiều, đều có cái nhu cầu được chăm sóc, quán xuyến chồng con và, trong tầm điều tiết của mình, đều muốn cho chồng con luôn được thỏa mãn, vui sướng và phát triển hết công suất. Mấy hôm sau, bố con tôi lại được gặp món giả cầy yêu thích. Không khí bữa ăn vẫn hào hứng. Khi thu dọn mâm, vợ tôi múc chỗ còn lại, cho vào một cái bát con sạch sẽ tinh tươm: “Mẹ không cho vào tủ lạnh đâu, lát nữa học xong, đứa nào thấy đói thì ăn nhé”.

Cuối tuần đó, ngày nghỉ có nhiều thời gian, vợ tôi - như đã nói trên, chỉ nhăm nhăm muốn cho chồng con luôn được thỏa mãn, vui sướng - lại mở đại hội giả cầy. Ăn được mấy miếng, tôi có cảm giác uể oải thế nào. Nhìn hai đứa con, tôi thấy hình như chúng cũng thế. Nhưng, nhờ trời, có lẽ ngài cũng phú cho chúng cũng một chút phẩm chất tinh tế: cảm xúc ẩm thực cho dù là kém sôi động, nhưng chúng vẫn cứ gắp, cứ múc đều đều, khéo léo không để lộ ra cái vẻ nhẫn nại đầy ý chí rất có thể làm rầu lòng mẹ. Kết thúc bữa ăn, vợ tôi ngồi thừ, nhìn nồi giả cầy vẫn còn đến phân nửa, mặt thoáng buồn. Lúc ấy, trên ti vi đang có chương trình ca nhạc Những bài hát về Hà Nội. Nhạc dạo đầu của bài Nhớ về Hà Nội vừa cất lên, tôi vội cầm cái điều khiển chuyển phắt sang kênh khác. Thật may, kênh này cũng đang có một chương trình ca nhạc: Mùa xuân, mùa xuân, một mùa xuân nho nhỏ, lặng lẽ dâng cho đời... “Bố thích nhạc vui hả bố?” Con em, vừa bưng cho tôi chén nước, vừa trêu chọc bố. “Ừ”, tôi cười, trả lời cho qua chuyện.

Nhớ về Hà Nội là một bài hát hay, được rất nhiều người yêu thích. Vào quãng đầu những năm tám mươi thế kỷ trước, bấy giờ tôi vẫn chưa gặp được bà xã, chương trình truyền hình của ta chưa phong phú và thời lượng phát sóng chưa cao như bây giờ. Cứ mỗi buổi chiều, trước giờ phát sóng chính thức nửa tiếng, Đài truyền hình Hà Nội bắt đầu phát đi bài này. Dân mình, chẳng hiểu thế nào, chẳng ai bảo ai, cứ đến giờ đó là nhất loạt bật máy thu hình. Rồi từ đủ các loại máy lớn máy bé, made in từ nhiều quốc gia với đủ cấp chất lượng, phần lớn đã qua sửa chữa và sang tay nhiều chủ, cùng phát ra đủ loại chất lượng âm thanh với nhiều cỡ âm lượng, dội từ nhà này sang nhà khác, và cứ thế, như một dàn đồng ca được nhân bản vô tính, ùa ra tràn ngập cả các vỉa hè, đường phố. Còn tôi, cũng vào giờ đó, rời nhiệm sở, vai đeo nhũng nhẵng chiếc túi đựng vài thứ tài liệu lằng nhằng cùng chiếc cặp lồng cơm trưa đã rỗng không, uể oải đi bộ từ Bờ Hồ, trên nền ca khúc đó, dọc theo Hàng Bài, phố Huế để về nhà. Bài hát quả là tuyệt. Tôi thầm cảm ơn Đài truyền hình đã tặng tôi món quà âm nhạc đó vào cái giờ mệt mỏi nhất trong ngày, vừa đi vừa lắng nghe, vừa nuốt lấy từng lời của ca từ, từng nốt nhạc óng chuốt của cái khúc thức chậm rãi, lịch lãm, đầy hoài niệm và man mác buồn.

Ngày nào cũng vậy. Nghĩa là tôi cũng vẫn đi về dọc theo những đường phố ấy, cũng nghe một ca khúc ấy, mà cái ca khúc ấy vẫn thế, vẫn say sưa, vẫn tha thiết, vẫn hoài niệm, nếu có khác thì chỉ có một điều là hình như âm thanh của nó có rè hơn trước, bởi có lẽ nó được phát từ một cuộn băng nghiệp vụ. Rồi đến một hôm, tôi chợt nhận thấy mình trở nên lơ đãng, cái sự thưởng thức không còn được cháy bỏng, nồng nàn như ngày nào. Và một cảm giác bực bội, bức xúc, oi ả, vô lý cứ lớn dần lên mà không hiểu tại sao. Về đến nhà, thấy mẹ tôi đang ngồi nhặt rau muống trước cửa và chiếc ti vi trong nhà cũng đang hắt ra cái giai điệu đã quá quen nhờn ấy. Tôi có cảm giác rằng mình phải làm một việc gì đó, nhưng lại không biết là phải làm việc gì. Cái cảm giác bực bội, oi nồng vẫn âm ỉ, dấm dẳn, nguyên vẹn theo tôi vào nhà. Mẹ tôi vẫn ngồi nhặt rau và rủ rỉ kể cho tôi nghe chuyện giá cả chợ búa không biết là tại làm sao mà cứ tăng đều đều, về cái tật chơi đề của chú Quốc nhà bên đã khiến hai vợ chồng trở nên xô xát to.

Có tiếng lao xao ngoài phố: “Hôm nay đề về bao nhiêu mày?”. “92”. “Số con lừa, khốn nạn thật. Tại sao tao lại đánh con 29 kia chứ? Đau quá”... “A. Vào cầu rực lửa rồi. Bố ơi, đi lấy tiền mua ti vi thôi. Nhà mình có ti vi rồi”... Tai ù đặc, đầu nóng ran, tôi đứng phắt dậy, tiến về phía cái ti vi tắt đánh phụp. Yên ắng trở lại, đầu tôi nhẹ bỗng. Mẹ vẫn thản nhiên ngồi cấu từng cuộng rau. Tôi nằm xuống giường, duỗi thẳng hai tay hai chân, nhắm mắt và thiếp đi.

“Dậy rửa mặt rồi ăn cơm, con”, mẹ dịu dàng vỗ nhẹ vào vai tôi. Tôi mở mắt, nhìn mẹ, lòng tràn ngập một tình cảm biết ơn của con trẻ. Ngày nào mẹ cũng chăm sóc, che chở cho tôi như một cậu bé, cả hơn ba chục năm rồi, cứ như thế mà sao không thấy chán, thấy nhàm. Kỳ diệu thay quả tim con người. Mấy phút chợp mắt, như một liều thuốc tốt, khiến tôi tỉnh hẳn ra, cảm giác thư thái tự tại đã trở lại. “Mẹ không bật ti vi mà xem hả mẹ?”. “Để cho con ngủ. Mẹ có bật lên cũng chỉ để cho vui nhà thôi mà” - Mẹ cười hiền từ - “Bố anh. Thau nước rửa mặt mẹ để ở đầu hè ý, chóng lên không nguội hết cơm canh bây giờ”.

Tôi ngồi im, thờ thẫn nhớ lại những chuyện đó. Vợ tôi bưng đĩa chuối lại rồi ngồi xuống bên, cười dịu dàng:

- Em xin lỗi bố con. Ngày mai em sẽ làm món cua đồng rang mẻ - Rồi vợ tôi quay sang hai đứa - Các con thấy thế nào?

- Hoan hô. Mẹ muôn năm.

- Mới mẻ muôn năm.

- Liên tục mới mẻ muôn năm.

 Rồi, được lời như cởi tấm lòng, hai đứa xếp hàng một, hớn hở diễu xung quanh chiếc chiếu bố mẹ đang ngồi cùng với lủng củng mâm bát chưa dọn, hồn nhiên hét toáng lên. Sau đó, hai cặp môi hồng tươi bắt đầu say sưa cử nhạc:

En én, en èn, ẹn èn, en en
En én, en èn, ẹn èn, en en...
Chưa có hôm nào đẹp như hôm nay
Non nước mây trời lòng ta mê say...

    Nổi bật
        Mới nhất
        Mới
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO