Nghề Chăm sóc sức khỏe và công tác xã hội

Mới - Ấn tượng - Thu hút

- Thứ Ba, 13/10/2020, 08:40 - Chia sẻ
Tại kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia đang diễn ra, mặc dù là lần đầu tiên góp mặt, nhưng với 8 module thi ở 4 lĩnh vực, nghề Chăm sóc sức khỏe và Công tác xã hội đã gây được ấn tượng mạnh, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các chuyên gia và đông đảo học sinh, sinh viên.

Tổng hợp nhiều kỹ năng

Diễn ra tại Hội đồng thi số 5 - Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, nghề Chăm sóc sức khỏe và Công tác xã hội là môn thi có số lượng module lớn nhất, tới 8 module ở 4 lĩnh vực lớn. Chia sẻ với phóng viên, ông Vũ Đình Tiến - Trưởng khoa Điều dưỡng, Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai  cho biết, dù là năm đầu tiên tổ chức thi nhưng đây lại là nghề có số bài thi nhiều nhất, dẫn tới những bỡ ngỡ trong khâu tổ chức, đào tạo và ôn thi cho các thí sinh. Thậm chí, nhiều người còn băn khoăn chưa hiểu nghề công tác xã hội là gì; sẽ phát triển ra sao ở Việt Nam cũng như trong khu vực và thế giới?

Ông Vũ Đình Tiến cũng cho biết thêm, bộ đề thi được xây dựng dựa trên những bộ đề thi mẫu của ASEAN và thế giới, từ đó xây dựng nội dung thi vừa đạt tiêu chí chuẩn của các cuộc thi khu vực và thế giới nhưng vẫn phù hợp với phong tục tập quán của người Việt Nam. Ở phần thi thứ nhất - Chăm sóc tại bệnh viện, bệnh nhân nằm tại viện và thí sinh đóng vai trò người điều dưỡng tham gia công tác chăm sóc trong nửa ngày. Phần thi thứ 2 - Chăm sóc ban ngày, đây là lĩnh vực mới mà một số bệnh viện như Bạch Mai và bệnh viện K đang áp dụng. Thực tế, nhiều bệnh nhân không cần thiết phải nằm tại bệnh viện điều trị, mà họ chỉ đến viện vào buổi sáng và được chăm sóc bởi các nhân viên y tế; buổi chiều các bệnh nhân này trở về nhà, được chăm sóc bởi gia đình và ngày hôm sau lại tiếp tục như hôm trước.

Chia sẻ về Phần thi thứ 3 - Tại viện dưỡng lão dành cho những người già, ông Vũ Đình Tiến cho hay, viện dưỡng lão ngày càng tăng lên và người điều dưỡng giống như một người chăm sóc, người có thể nắm bắt mọi vấn đề. Ví dụ, những bệnh nhân bị ung thư phổi cần nhận được sự trợ giúp khi bệnh nhân có vấn đề như đau khớp, đau toàn thân hay là bệnh nhân bị loét do ít di chuyển, người điều dưỡng khi đó đóng vai trò là một người thân để chăm sóc cho người bệnh.

Phần thi cuối cùng - Chăm sóc tại nhà. Đây là mô hình rất mới, áp dụng với những bệnh nhân không tự đi lại được nhưng có nhu cầu được chăm sóc tại nhà và được các cơ quan y tế đăng ký cử nhân viên đến tận nhà chăm sóc. Đây là lĩnh vực rất mới ở Việt Nam nhưng trong tương lai, nhu cầu chăm sóc tại nhà rất lớn, giống như là lấy mẫu xét nghiệm tại nhà. Việc chăm sóc tại nhà hạn chế sự đi lại của người bệnh cũng như giảm bớt người thân phải đưa người bệnh đến bệnh viện và tham gia vào chăm sóc.

Qua 4 nội dung thi của nghề Chăm sóc sức khỏe và Công tác xã hội có thể thấy, đây là nghề kết hợp giữa nhiều kỹ năng từ kiến thức, thái độ tới mức độ tự chủ của người làm công tác điều dưỡng, chăm sóc người bệnh... Điều này tác động đến những người trực tiếp tham gia giảng dạy, đào tạo cho sinh viên phải có những thay đổi để phù hợp với sự phát triển của đất nước cũng như sự phát triển của thế giới.

Ngoài kỹ năng, cần sự uyển chuyển

Theo ông Vũ Đình Tiến, việc đưa nghề Chăm sóc sức khỏe và công tác xã hội tham gia Kỳ thi kỹ năng nghề là hoàn toàn đúng đắn và bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới. Ở nhiều quốc gia, những nhân viên công tác xã hội có thu nhập cao và được coi như một thành viên quan trọng của gia đình. Đặc biệt, ở nhiều nước phát triển tại châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, việc phát triển các ngành nghề chăm sóc sức khỏe mang lại cơ hội lớn cho lao động Việt Nam.

Nói về chất lượng của thí sinh năm nay, ông Vũ Đình Tiến cho rằng, các thí sinh đều làm tốt phần liên quan đến kỹ năng y tế, chăm sóc người bệnh. Tuy nhiên, cũng có trường hợp các em hơi lúng túng trước những tình huống mà Ban tổ chức đặt ra, điều này cũng dễ hiểu bởi các em còn khá trẻ và sắp tới vẫn còn một chặng đường dài để rèn luyện.

Môi trường làm việc của người làm nghề Chăm sóc sức khỏe và Công tác xã hội có thể gặp người có văn hóa hoặc người hạn chế về tri thức. Vậy làm thế nào để vẫn bảo đảm đúng yêu cầu, quy định bệnh viện, của các cơ sở y tế mà vẫn làm hài lòng người được chăm sóc? Theo ông Tiến, đây là cả một quá trình rèn luyện, hoàn thiện bản thân mà mỗi người làm nghề sẽ tự rút ra trong quá trình làm việc.

“Bất cứ làm nghề nào cũng cần có “tâm” bởi kiến thức được đào tạo chuyên sâu, bài bản vẫn chưa đủ mà còn đòi hỏi tinh thần học hỏi, vừa tư duy, vừa uyển chuyển để xử lý tình huống xảy ra. Nghề này có nét đặc thù, đó là phải tự xoay chuyển các tình huống sao cho phù hợp và không phải ai cũng giống ai, vì đứng trước những vấn đề, mỗi người lại lựa chọn xử lý theo hướng khác nhau” - ông Tiến nói. 

Tùng Dương