Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, doanh thu mảng dịch vụ viễn thông đang chững lại. Năm 2023, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 139.260 tỷ đồng, chỉ tăng 0,41% so với năm 2022 và đạt 99,5% kế hoạch năm 2023. Trước đó, năm 2022, doanh thu dịch vụ viễn thông đạt 138.000 tỷ đồng, chỉ tăng 1,6% so với năm 2021.
Ở Việt Nam, ba nhà mạng Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng Công ty Viễn thông MobiFone và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chiếm trên 90% thị phần viễn thông. Trong năm 2023, Viettel vẫn đang giữ vững vị trí số 1 về viễn thông với 56,5% thị phần thuê bao di động. Khoảng 34% thị phần viễn thông đang thuộc về MobiFone và VNPT - công ty mẹ của Vinaphone.
Năm vừa qua, Viettel đạt doanh thu hợp nhất 172.5000 tỷ đồng, tăng 5,4%. Viettel cho biết, thị phần viễn thông năm qua tăng 1,64% và tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu bền vững, với 56,5% thị phần. Các dịch vụ ngoài di động cũng giữ vị thế cao, gồm cố định băng rộng (FTTH) với 43% thị phần; truyền hình trên đa nền tảng với 8,6 triệu khách hàng, chiếm 31,2% thị phần…
Tại VNPT, năm 2023, tổng doanh thu đạt 54.856 tỷ đồng, bằng 102,14% so với năm trước đó, đạt 98,2% kế hoạch. Đáng chú ý là, dịch vụ di động chỉ chiếm 34,6% doanh thu của VNPT. Điểm sáng năm 2023 của VNPT là dịch vụ cáp quang (chiếm 29,5% doanh thu) và dịch vụ MyTV (chiếm 14,5% tổng doanh thu). Đây cũng là năm đầu tiên, doanh thu băng rộng và truyền hình của VNPT vượt doanh thu của dịch vụ di động.
Trong khi đó, kết quả kinh doanh năm 2023 của MobiFone lại giảm sút khi tổng doanh thu công ty mẹ đạt 25.440 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.638 tỷ đồng, giảm lần lượt 12% và 49% so với năm trước đó.
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu của MobiFone đạt 7,25%. Tổng công ty nộp ngân sách nhà nước 1.639 tỷ đồng.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2024 của VNPT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, tăng trưởng những năm gần đây của các nhà mạng là thấp, thấp hơn tăng trưởng GDP (viễn thông trong nước của Viettel tăng từ 2 - 5%, VNPT từ 2 - 3%, Mobifone thì giảm từ 4 -10% mỗi năm). Một nhà mạng viễn thông thế hệ mới mà tăng trưởng tốt là phải xung quanh 10%, tăng trưởng mức đạt yêu cầu thì cũng phải trên 5%.
Bộ trưởng cho rằng các nhà mạng chủ chốt, đã chưa đầu tư đi trước về xây dựng hạ tầng số, và cũng vì vậy mà vẫn chưa tìm thấy không gian tăng trưởng mới, trong khi không gian cũ đã hết dư địa, thậm chí suy giảm.
Ví dụ như các dịch vụ truyền thống là thoại và SMS, đã từng chiếm gần 100% doanh thu di động của nhà mạng, thì cơ bản sẽ giảm xuống chỉ còn dưới 10%.
Những dịch vụ truyền thống này của VNPT vẫn đang chiếm tới 40%, phải chuẩn bị là tỷ lệ này sẽ giảm xuống dưới 10%. Nếu không sớm mở ra không gian mới thì VNPT cũng như các nhà mạng khác sẽ gặp nguy hiểm trong tương lai, Bộ trưởng đưa quan điểm.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong 30 năm tới, sẽ có những chuyển dịch quan trọng trong lĩnh vực viễn thông - công nghệ thông tin - công nghệ số, như chuyển từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số; từ hạ tầng thông tin liên lạc sang hạ tầng kinh tế số; từ công nghệ thông tin sang công nghệ số; từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số; từ tự động hoá sang thông minh hoá, sang trí tuệ nhân tạo; từ xử lý thông tin hữu hạn sang xử lý dữ liệu số vô hạn để sinh ra giá trị mới; từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số; từ gia công, lắp ráp sang làm sản phẩm Make in Vietnam; từ doanh nghiệp dịch vụ sang doanh nghiệp công nghiệp và công nghệ; từ doanh nghiệp khai thác sang doanh nghiệp nghiên cứu phát triển các ứng dụng số...
“Các chuyển dịch nêu trên cũng chính là định hướng phát triển của các nhà mạng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh và chỉ ra rằng, không gian tăng trưởng mới của nhà mạng là hạ tầng số, 5G, AI, chip bán dẫn, dịch vụ chuyển đổi số, an ninh mạng…