Họa sĩ Vũ Đức Hiếu (Hiếu Mường) là người đã tạo dựng Không gian Văn hóa Mường tại ngoại vi thành phố Hòa Bình từ 2007 - một bảo tàng tư nhân đầu tiên nỗ lực bảo tồn, giới thiệu không gian văn hóa dân tộc Mường tại Việt Nam, một địa chỉ văn hóa, nghệ thuật thu hút mối quan tâm và hợp tác của nhiều người làm văn hóa nghệ thuật trong nước cũng như quốc tế.
Trở lại với gốm Mường của Vũ Đức Hiếu, xưởng gốm, đất tổ mối, đất sét, các nguyên liệu pha chế men gio (tro), phụ liệu... hầu hết khai thác tại chỗ, sau nhiều lần thử nghiệm Vũ Đức Hiếu đã tạo được một sắc thái gốm riêng, mang dấu ấn cá nhân rõ nét.
Thẩm mỹ riêng của gốm Mường nằm ở phom dáng độc đáo, như họa sĩ Vũ Đức Hiếu chia sẻ chính thế giới đồ vật của người Mường mà họa sĩ dày công sưu tầm trong nhiều năm đã dẫn dắt tư duy tạo hình, như một mạch nguồn cảm xúc tự nhiên, vừa có bóng dáng đồ vật, giàu tính biểu hiện phồn thực của cấu trúc sinh học, vừa gợi liên tưởng tới các biểu tượng nguyên thủy xa xôi.
Theo giám tuyển, nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông, gốm của Hiếu Mường đã khai thác tốt cảm hứng, tình yêu trong hành trình ngót hai thập kỷ nỗ lực bảo tồn, quảng bá văn hóa Mường của cá nhân họa sĩ.
Gốm Mường chủ yếu có bề mặt thô ráp, có các gam màu nâu, vàng, chàm, xanh lá... Có được các hòa sắc này là quá trình dài nghiên cứu, thể nghiệm các công thức pha trộn men gio (men hữu cơ) cổ truyền và một số chất vô cơ phổ biến trong kỹ thuật tạo men gốm hiện đại.
Xương gốm, nhờ sử dụng đất tổ mối, đôi khi kết hợp đất samot cho phép Vũ Đức Hiếu nung ở nhiệt cao những hình khối phức tạp của ngôn ngữ điêu khắc và tạo ra bề mặt gốm giàu cảm xúc tự nhiên.
"Có thể nói với gốm Mường, nghệ sĩ Vũ Đức Hiếu trước hết đã tạo được nhiều tác phẩm điêu khắc riêng, độc đáo, sau đó là nỗ lực tôn vinh văn hóa truyền thống nói chung, văn hóa Mường nói riêng", nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông nhận định.
Sự kiện diễn ra trong hai ngày 17 - 18.8, tại số 85 Nhật Chiêu, Tây Hồ, Hà Nội.