Ngày 27.11, ông Trần Xuân Lương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH, TT - DL) Hà Tĩnh cho biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký quyết định công nhận khu mộ và khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (huyện Hương Sơn) là di tích Quốc gia đặc biệt.
Năm 2024 là năm ghi dấu mốc đặc biệt - kỷ niệm 300 năm ngày sinh danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 2024), một trong những Đại danh y nổi tiếng nhất trong lịch sử y học Việt Nam, một danh nhân văn hóa thế giới.
Việc được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đúng vào dịp kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông sẽ làm tăng thêm ý nghĩa của di tích; mở ra dấu mốc mới trong hành trình bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trên quê hương Hà Tĩnh và cả nước.
Đến nay, Hà Tĩnh có 3 di tích được công nhận di tích Quốc gia đặc biệt gồm: Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du; khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại và khu mộ, khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Cũng theo ông Trần Xuân Lương, lễ kỷ niệm 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sẽ được tường thuật trực tiếp trên kênh VTV1, vào tối 27.12 tại quảng trường Thành Sen, TP Hà Tĩnh. Sau phần lễ, trao bằng di tích Quốc gia đặc biệt sẽ là Chương trình nghệ thuật và màn bắn pháo hoa tầm cao, tầm thấp trong vòng 15 phút.
Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh năm Giáp Thìn 1724, tại làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Lê Hữu Trác xuất thân từ một gia đình truyền thống khoa bảng, nhiều người học giỏi, đỗ cao, làm quan to dưới thời vua Lê chúa Trịnh. Cha của ông là Lê Hữu Mưu, đỗ đệ tam giáp tiến sĩ và làm quan dưới triều Lê Dụ Tông tới bậc thượng thư. Mẹ ông là Bùi Thị Thường, quê ở xứ Bàu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Biệt hiệu Hải Thượng do hai chữ đầu tiên tỉnh (Hải Dương) và tên phủ (Thượng Hồng), nhưng cũng có thể do chữ Bàu Thượng là quê mẹ và đây là nơi ông ở lâu nhất (từ năm 26 tuổi đến khi mất). “Lãn Ông” nghĩa là ông lười, ngụ ý lười với công danh phú quý nhưng rất chăm chỉ đối với sự nghiệp chữa bệnh cứu người.
Năm 26 tuổi, ông từ bỏ chốn quan trường về quê ngoại phụng dưỡng mẹ già ở làng Bàu Thượng, xã Tịnh Diệm, nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Tại đây ông miệt mài tìm kiếm, khảo cứu, ươm trồng các loại cây thuốc bản địa, làm thơ, dạy học, viết sách, chữa bệnh cứu người. Ông mất năm 1791, để lại cho đời một tấm gương sáng về y đức, y lý, y thuật. Mộ ông được táng tại chân núi Minh Tự, bên sông Ngàn Phố, xã Quang Diện, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Năm 2023, ghi nhận những công lao, đóng góp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, UNESCO đã vinh danh ông là Danh nhân văn hóa thế giới.