Mở tạm đường dẫn Hải Vân 2, “giải cứu” tai nạn giao thông

- Thứ Sáu, 16/10/2020, 07:04 - Chia sẻ
Vào lúc 0 giờ 30 phút ngày 15.10.2020, tại đường dẫn phía Nam vào hầm Hải Vân xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe khách và xe đầu kéo container làm 2 người tử vong tại chỗ và khoảng 20 người bị thương phải nhập viện cấp cứu. Theo nhận định ban đầu, xe khách vượt xe cùng chiều, lấn sang làn đường ngược chiều gây tai nạn.

Mở tạm đường dẫn Hải Vân 2

Ông Lê Châu Thắng, Giám đốc Xí nghiệp quản lý vận hành hầm Hải Vân cho biết, ngay khi phát hiện sự cố thông qua hệ thống camera quan sát, đơn vị đã tiếp cận hiện trường, cho xe cứu thương chở 28 người bị thương đến bệnh viện; đồng thời, bảo đảm giao thông khu vực xảy ra tai nạn và báo cho lực lượng công an để phối hợp xử lý.

Ông Lê Châu Thắng cho biết thêm, Ban Quản lý dự án hầm Hải Vân đã tạm thời cho thông xe một chiều trên tuyến đường dẫn mới của hầm Hải Vân 2 (dự án chưa đưa vào vận hành khai thác) để cho xe của các lực lượng chức năng TP Đà Nẵng tiếp cận hiện trường tai nạn và giải phóng lượng xe ùn tắc tại 2 đầu hầm và trong hầm Hải Vân 1. “Đến 5 giờ 48 phút, sau khi đơn vị quản lý vận hành hầm Hải Vân kéo các xe tai nạn đi, giải phóng hiện trường, giao thông qua hầm Hải Vân 1 trở lại bình thường, tuyến đường dẫn hầm Hải Vân 2 được đóng lại”.

Đây không phải lần đầu tiên đơn vị vận hành hầm Hải Vân chủ động tham gia, phối hợp xử lý các trường hợp khẩn cấp. Nhiều năm qua, đơn vị đã ứng trực giải quyết rất nhiều sự cố và tai nạn giao thông, có những sự cố “giải cứu” chỉ tính bằng phút. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia giao thông, vấn đề bức thiết là phải sớm có ống hầm 2 được đầu tư hoàn thiện và đưa vào vận hành.

Đường dẫn phía Nam vào hầm Hải Vân  

Cần sớm vận hành Hải Vân 2

PGS.TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng: “Do dự báo lưu lượng xe rất thấp nên giai đoạn 1, hầm Hải Vân được thiết kế cho phép lưu thông 2 chiều trong 1 ống hầm. Sự phát triển của đất nước, kinh tế tăng trưởng làm lưu lượng xe tăng nhanh, vượt qua thời gian dự báo điểm mãn tải hầm Hải Vân 1 sau năm 2025, đã đặt ra nhu cầu cấp bách cần hoàn thành ống hầm thứ 2. Hầm thứ 2 đi vào vận hành sẽ giúp giảm thiểu tối đa những yếu tố gây tai nạn, tránh ách tắc và tiết kiệm thời gian lưu thông”.

Chứng kiến sự cố đáng tiếc như vụ tai nạn sáng 15.10 lại càng thấy được tầm quan trọng và tính cấp thiết trong việc đầu tư xây dựng ống hầm 2 của đèo Hải Vân.

Bộ Giao thông - Vận tải cũng đánh giá việc triển khai giai đoạn 2 của dự án sẽ góp phần đảm bảo năng lực vận hành, khai thác hầm Hải Vân trong thời gian tới, đặc biệt trước đà tăng trưởng lưu lượng phương tiện 10 - 15%/năm, ngăn ngừa tình trạng quá tải ở ống hầm Hải Vân 1 hiện nay, đồng thời đồng bộ quy mô 4 làn xe trên toàn tuyến Quốc lộ 1.

Dự án mở rộng hầm đường bộ qua đèo Hải Vân hơn lúc nào hết lại được trông đợi sớm hoàn thành để đưa vào vận hành nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, góp phần phát triển thông thương hai miền Nam - Bắc. Tầm quan trọng và ích lợi là vậy, tuy nhiên, qua trao đổi với lãnh đạo nhà đầu tư và Bộ Giao thông - Vận tải được biết, dự án đang gặp vướng mắc, bất cập, cụ thể là chưa bố trí 1.180 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ dự án và điều chỉnh cơ chế thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan, dẫn đến thiếu hụt vốn và nguồn thu, phá vỡ phương án tài chính của dự án.

Ngày 24.9 vừa qua, Bộ Giao thông - Vận tải tiếp tục có Văn bản số 9666/BGTVT-ĐTCT, trong đó nêu: Từ năm 2018, Thủ tướng đã có chỉ đạo tại Thông báo số 61/TB-VPCP ngày 10.2.2018 và Văn bản số 2605/VPCP-CN ngày 22.3.2018 về việc xử lý khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến đến phương án tài chính của dự án. Bộ Giao thông - Vận tải đã phối hợp với các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước… tổng hợp  báo cáo và đề xuất các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc này tới Thủ tướng .

Năm 2019, căn cứ các ý kiến chỉ của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ Tài chính đã chủ trì tổng hợp và kiến nghị Thủ tướng về giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Thông báo 02/TB-VPCP ngày 3.1.2020 và ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 831/VPCP-CN ngày 5.2.2020 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải đã phối hợp với nhà đầu tư thực hiện rà soát tổng thể phương án tài chính, những cam kết trong hợp đồng dự án và phân tích đầy đủ về cơ sở pháp lý cần thiết, các giải pháp, đề xuất. Bộ Giao thông - Vận tải đã lấy ý kiến của Ủy ban Tài chính Ngân sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Vietinbank và báo cáo Thủ tướng. Trên cơ sở đó, Bộ kiến nghị Thủ tướng chủ trì cuộc họp với Thường trực Chính phủ để thống nhất xử lý khó khăn, vướng mắc của dự án.

Tuy nhiên, đến nay các khó khăn, vướng mắc của dự án vẫn chưa được giải quyết, mặc dù chủ đầu tư đã nhiều lần báo cáo và rất có thể hầm Hải Vân 2 hoàn thành nhưng vẫn chưa thể đưa vào hoạt động vì những bất cập nói trên. Nếu vậy, đây sẽ là sự lãng phí lớn. 

Thành Nam