Mở rộng tư duy nghệ thuật

- Thứ Năm, 24/10/2019, 08:35 - Chia sẻ
Qua Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ IV, được thưởng thức những thử nghiệm của đồng nghiệp quốc tế, các nhà làm nghệ thuật, đạo diễn sân khấu Việt Nam phần nào xác định được mình đang đứng ở đâu. Để hội nhập với dòng chảy sân khấu quốc tế, điều dễ nhận thấy là các nhà làm nghệ thuật sân khấu Việt Nam không thể khư khư cách làm cũ mà cần mở rộng tư duy nghệ thuật.

Sáng tạo mọi góc độ

Những người làm nghệ thuật sân khấu đến với Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ IV đều có chung mục đích, là mong mỏi được xem những tìm tòi sáng tạo thật sự mới lạ từ mọi góc độ sáng tạo như kịch bản, dàn dựng, diễn xuất, nhằm làm giàu thêm ngôn ngữ nghệ thuật sân khấu. Và họ đã phần nào được thỏa mãn qua 7 xuất diễn của các đoàn nghệ thuật quốc tế, với những sáng tạo đúng tiêu chí “thử nghiệm”.

“Bpolar” của Israel gắn với câu chuyện của một nhân viên bán hàng lớn tuổi - người thầm yêu con gái của chủ nhân. Vở diễn không có phụ đề, cũng gần như không có lời thoại. Thay vào đó, trong hơn 60 phút, bằng diễn xuất phối hợp với âm nhạc, ánh sáng, múa rối và các màn chiếu video, mọi cung bậc cảm xúc của nhân vật từ thích, yêu, si dại... cho tới khi phát triển thành căn bệnh tâm thần đầy u uẩn - được dẫn dắt rất khéo để đẩy tới cao trào. Đây rõ ràng là “cuộc chơi của những người làm nghệ thuật”, một đạo diễn đã nhận xét như vậy khi xem vở diễn. Khán giả không thể rời mắt khỏi sân khấu bởi sự tự do sáng tạo, thoải mái tung tẩy, không bị trói buộc bởi những nguyên tắc.


Cảnh trong ở “Bpolar” của Đoàn Nghệ thuật Ayit, Israel

Theo NSND Triệu Trung Kiên, quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, đạo diễn và ê kíp sáng tạo của “Bpolar” đã cho thấy không có giới hạn nào cho sáng tạo nghệ thuật. “Chúng tôi đã đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác bởi những tìm tòi đáng nể của họ. Tôi đặc biệt thích cách đưa tư duy mới, hiện đại vào sân khấu truyền thống, để đáp ứng thị hiếu của khán giả hôm nay, đặc biệt là giới trẻ. Cảm giác đó trở lại khi xem “Câu chuyện về bức tranh cổ” của Shanghai Huaiju Opera Troupe, Trung Quốc. Các bạn đã thử nghiệm diễn hý khúc rất mới so với lối truyền thống. Từ những thử nghiệm của đồng nghiệp mà tôi có thêm những gợi ý trong công tác dàn dựng của mình”.

Các nghệ sĩ đến từ Hy Lạp cũng đã có vở diễn đầy ấn tượng với khán giả Việt. Dựa trên bộ phim cùng tên nổi tiếng của Hy Lạp (từng được đề cử giải Oscar) “Cánh đồng đẫm máu” kể về cuộc xung đột tàn nhẫn diễn ra tại vùng Thessaly đầu thế kỷ XX. Vở diễn cũng sử dụng rất ít lời thoại, thay vào đó mang đậm tính ước lệ của sân khấu phương Đông, với cách xử lý đặc biệt. Trên sân khấu, các diễn viên phối hợp với nhiều đạo cụ hỗ trợ, như sử dụng máy chiếu và những bức tranh tái hiện không gian, làm nổi bật chủ đề xung đột giữa nông dân và địa chủ. Phông nền sân khấu cũng được “gói” bằng những tấm vải lớn - khi là tấm bản đồ đất, khi là cánh đồng của nông dân, nơi cuộc nổi loạn diễn ra. PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ: “Vở diễn cho tôi cảm giác gần gũi hơn so với các tác phẩm đến từ các nước phương Đông. Dù sao cũng có những điều mới mẻ mà ai xem cũng thích, cũng hiểu, đặc biệt là tính hiện thực và ngôn ngữ tả thực của tác phẩm”.

Điểm nhấn bằng giao diện hình thể

“Hai vạn dặm dưới đáy biển” của Đoàn kịch Hàn Quốc chọn thế mạnh kịch không lời, tạo điểm nhấn bằng giao diện hình thể, gợi mở nhiều suy nghĩ cho người làm nghệ thuật Việt Nam. Bằng hiệu ứng của âm nhạc, âm thanh, ánh sáng, đặc biệt là tài năng của 4 nghệ sĩ, vở diễn đã cuốn khán giả vào câu chuyện khoa học viễn tưởng, với thuyền trưởng Nemo và những người bạn đã chiến đấu chống lại kẻ xâm lược, bảo vệ mảnh đất của tổ tiên, giúp đỡ người nghèo. Vở diễn còn gửi đến người xem thông điệp về một cuộc sống bình đẳng, tự do, nhân văn và hạnh phúc…

Cũng sử dụng thủ pháp phi ngôn ngữ, “Tháng Tám” của Nhà hát Maldype (Hungary) do Zoltán Balázs đạo diễn, bắt nguồn từ những câu nói siêu hình của Schulz và những nhân tố triết học của ông, được chuyển đổi từ trí tưởng tượng và cảm xúc sáng tạo sang chủ nghĩa phi ngôn ngữ. “Với diễn xuất được xây dựng trên các chuyển động, cử chỉ, ngoại hình, vở diễn dẫn dắt khán giả đến một chiều hướng mới, nhưng vẫn bao gồm các yếu tố của quá khứ, hiện tại trong thế giới đầy hoài niệm… Hay nói cách khác, lấy xu hướng giảm bớt lời, lấy diễn xuất của diễn viên làm chủ đạo, “Tháng Tám” khiến người xem phải ngẫm ngợi từ những điều đơn giản nhất”, nhà viết kịch Lê Quý Hiền cho hay.

“Câu chuyện về bức tranh cổ” của Shanghai Huaiju Opera Troupe là vở nhạc kịch vui nhộn và hài hước; bản sắc văn hóa Trung Quốc thể hiện rất rõ ở phục trang, âm nhạc, lối diễn chi tiết, kỹ lưỡng của các nghệ sĩ và sự dàn dựng đầy kịch tính của đạo diễn. “Qua các tác phẩm, chúng tôi nhìn thấy rất rõ tính chuyên nghiệp với nhiều phong cách sáng tạo. Đây là tác phẩm được dàn dựng công phu, đối ngược với tác phẩm hết sức đơn giản về hình thức tổ chức biểu diễn sân khấu như vở “Hai vạn dặm dưới đáy biển” của ChungMac Theatre Group (Hàn Quốc). Thay vì dàn dựng trên sân khấu 3 mặt, họ chỉ diễn trong một căn phòng”, PGS.TS. Phạm Duy Khuê nhận xét. Ông cho rằng, tính giản lược được thể hiện rõ, khác với sự hoàng tráng của sân khấu Việt Nam. Vở diễn được chuyển thể từ một cuốn tiểu thuyết rất dày với nhiều nhân vật, nhưng đạo diễn chỉ cần 2 diễn viên. Hay vở “Macbeth Mirror” của đoàn Kalyani Lamandalam (Ấn Độ) cũng chỉ cần 3 diễn viên...

Theo đánh giá của NSND Giang Mạnh Hà, sự tham gia của các đơn vị nghệ thuật nước ngoài đã mang đến những làn gió mới và nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp quý cho nghệ sĩ Việt Nam trong quá trình tìm kiếm cách làm, cách kể mới, làm giàu nghệ thuật sân khấu.

Hương Sen