Địa phương

Mở rộng thị trường, tăng giá trị, chất lượng cho vải thiều

Việt Anh 08/07/2025 07:15

Theo thống kê, toàn tỉnh Bắc Ninh đã tiêu thụ hơn 170/210 nghìn tấn vải với mức giá ổn định; đặc biệt, các vườn trồng đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và VietGAP đều bán ra với giá từ 20.000 đồng/kg trở lên.

Chinh phục thị trường khó tính

Tại buổi tham quan thực tế tại các hợp tác xã sản xuất vải thiều, chứng kiến lễ ký kết cung cấp vải thiều cho các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn tại các phường Phượng Sơn, Chũ và xã Lục Ngạn vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thịnh cho biết địa phương hiện sở hữu nhiều giống vải thiều đặc sản, thơm ngon, được người tiêu dùng trong nước và quốc tế ưa chuộng.

Thu hoạch vải GlobalGAP tại thôn Chay, xã Lục Ngạn.
Thu hoạch vải GlobalGAP tại thôn Chay, xã Lục Ngạn. Nguồn: ITN

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, nhờ chất lượng mẫu mã bảo đảm nên ngoài tiêu thụ nội địa, xuất khẩu sang thị trường truyền thống Trung Quốc sản phẩm vải thiều đã vươn đến thị trường cao cấp như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Úc, các nước EU, Trung Đông và nhiều thị trường khác.. Với chất lượng vượt trội cùng mẫu mã đẹp đã giúp trái vải thiều chiếm được cảm tình của người tiêu dùng quốc tế.

Đại diện Công ty cổ phần Mova Plus tại Cộng hòa Séc thông tin, từ đầu vụ đến nay, doanh nghiệp đã xuất khẩu khoảng 200 tấn vải thiều sang thị trường châu Âu. Sản phẩm chủ yếu được phân phối qua hệ thống siêu thị lớn và liên tục “cháy hàng”, về đến đâu bán hết đến đó. Sự ưa chuộng của người tiêu dùng nước ngoài cũng được thể hiện qua mức giá bán cao, dao động từ 350 - 400 nghìn đồng/kg (tại Đức). Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy chất lượng đã tạo nên giá trị, nông sản Việt nâng khả năng cạnh tranh, chinh phục thị trường khó tính do đi đúng hướng, kiên định với con đường nông nghiệp sạch và bền vững.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn, vải thiều Lục Ngạn - niềm tự hào của tỉnh chính là cơ hội để các doanh nghiệp thêm trân quý nông sản địa phương; nhiều doanh nghiệp đã đánh giá cao giá trị sản phẩm và ký kết hợp đồng bao tiêu, tạo đầu ra ổn định cho người trồng vải. Tại buổi làm việc vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã chứng kiến hàng loạt thỏa thuận bao tiêu sản phẩm, trong đó đã có 100 tấn vải được các doanh nghiệp ký kết thu mua. Tập đoàn Foxconnn mua 30 tấn; Công ty trách nhiệm hữu hạn Welstory 11 tấn; Công ty trách nhiệm hữu hạn Crystal Martin 10 tấn; Tập đoàn Luxshare Việt Nam 10 tấn; Công ty trách nhiệm hữu hạn Fushan Việt Nam 10 tấn; Công ty trách nhiệm hữu hạn New Wing Interconect Technology 1,5 tấn…

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu điều tiết giá thu mua hợp lý, phản ánh đúng chất lượng thực tế, tuyệt đối tránh tình trạng ép giá gây thiệt thòi cho bà con.

Hình thành chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ khép kín

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thịnh, với sản lượng đạt mức cao trong năm nay, việc tiêu thụ tại một số thời điểm đã gặp không ít khó khăn. Nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm chủ lực này, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan triển khai các giải pháp xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, việc chứng minh quy trình sản xuất an toàn và truy xuất nguồn gốc sản phẩm vẫn gặp không ít trở ngại; còn tình trạng nhiều giống vải trong cùng một bó vải, khiến sản phẩm không đồng đều.

Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn chia sẻ, mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành tiêu thụ nông sản, hình thành chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ khép kín; đây không chỉ là mô hình hiệu quả về kinh tế mà còn là dịp tri ân người dân trong tỉnh, nhiều người trong số họ có con em đang làm việc trong các khu công nghiệp.

Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp chế biến tiếp tục đồng hành với bà con trong việc nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm từ vải thiều, nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. Về phía người sản xuất, các hợp tác xã cần đổi mới phương thức tiếp cận thị trường, chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo dựng niềm tin và chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước.

Bắc Ninh sở hữu nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, do đó việc quy hoạch xây dựng khu chế biến nông sản công nghệ cao tại các phường Phượng Sơn, Chũ và xã Lục Ngạn cần được quan tâm. Trọng tâm là kết nối đồng bộ các tuyến giao thông chiến lược, hình thành khu công nghiệp sản xuất, chế biến nông sản giá trị cao. Đặc biệt, tỉnh dự kiến hình thành khu công nghiệp chế biến nông sản sâu, trong đó có trung tâm nghiên cứu và sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ chế biến nông sản công nghệ cao, góp phần hình thành khu công nghiệp mang tính đặc thù.

Song song với đó, tập trung xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu rộng lớn, đa dạng hóa chủng loại nông sản nhằm cung cấp ổn định cho nhà máy chế biến quanh năm cũng là hướng đi then chốt, đây cũng là một bước đi quan trọng nhằm hiện đại hóa lĩnh vực nông nghiệp địa phương.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Mở rộng thị trường, tăng giá trị, chất lượng cho vải thiều
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO