Mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án Gia đình, người chưa thành niên
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân đề nghị nghiên cứu, chỉnh lý khoản 4 Điều 1 theo hướng mở rộng thẩm quyền xét xử Tòa án Gia đình và người chưa thành niên, bao gồm cả những vụ việc dân sự liên quan đến người chưa thành niên.
Bổ sung quy định thẩm quyền của Tòa Phá sản
Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13, tại khoản 3 Điều 1 dự thảo Luật (sửa đổi, bổ sung Điều 36 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015) quy định về thẩm quyền của các Toàchuyên trách Toà án nhân dân khu vực gồm: Toà Dân sự, Toà Kinh tế, Toà Sở hữu trí tuệ, Tòa Gia đình và người chưa thành niên.

Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân khu vực theo định hướng tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Toà án gồm: Tòa chuyên trách có thể có Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Kinh tế, Tòa Hành chính, Tòa Gia đình và người chưa thành niên, Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ. Để bảo đảm đồng bộ giữa các văn bản luật, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về thẩm quyền của Tòa Phá sản vào khoản 3 Điều 1 dự thảo Luật cho đầy đủ.
Tại khoản 4 Điều 1 dự thảo Luật quy định: “4. Toà Gia đình và người chưa thành niên Toà án nhân dân khu vực có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc hôn nhân và gia đình”.
Theo đại biểu, quy định trên chỉ thể hiện thẩm quyền chuyên trách của Toà án khu vực đối với những vụ việc hôn nhân và gia đình mà chưa bao gồm những vụ việc liên quan đến người chưa thành niên. Đề nghị nghiên cứu, chỉnh lý khoản trên theo hướng mở rộng thẩm quyền xét xử Toà án Gia đình và người chưa thành niên. Nội dung này bao gồm cả những vụ việc dân sự liên quan đến người chưa thành niên để bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người chưa thành niên trong các vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
Cùng với đó, khoản 22 Điều 1 (sửa đổi, bổ sung Điều 413 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015) quy định: “1. Ngay sau khi nhận đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị đối với quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công, Tòa án nhân dân cấp tỉnh phải có văn bản yêu cầu Tòa án đã xét tính hợp pháp của cuộc đình công chuyển hồ sơ vụ việc để xem xét giải quyết”.
Việc quy định “ngay sau khi nhận” khó xác định được thời gian cụ thể Tòa án nhân dân cấp tỉnh phải có văn bản yêu cầu Tòa án đã xét tính hợp pháp của cuộc đình công chuyển hồ sơ vụ việc để xem xét giải quyết. Do đó, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị xem xét, chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể thời gian Tòa án nhân dân cấp tỉnh phải có văn bản.
Thêm điều khoản chuyển tiếp những vụ việc đang thụ lý trước đó
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tư pháp người chưa thành niên, khoản 3 Điều 3 Dự thảo (sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 73 Luật Tư pháp người chưa thành niên số 59/2024/QH15) quy định: “Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành quyết định của Viện kiểm sát nhân dân khu vực, Viện kiểm sát quân sự khu vực”.
Đại biểu cho biết, hiện nay, theo Điều 9, Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (bản dự thảo mới nhất được lấy ý kiến tại cuộc họp Ban Soạn thảo ngày 28/4/2025) quy định:
“Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp bao gồm:
a) Cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp;
b) Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh)”.
Như vậy, theo dự thảo Luật Thi hành án dân sự ngày 28/4/2025, hệ thống cơ quan thi hành án dân sự không có cơ quan thi hành án dân sự khu vực. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tham khảo để bảo đảm các nội dung văn bản thống nhất, tránh chồng chéo, mâu thuẫn.
Đại biểu Lã Thanh Tân cũng đề nghị rà soát, sử dụng thống nhất từ “ngày” hay “ngày làm việc” trong dự thảo luật để bảo đảm thống nhất. Cùng với đó, tại Điều 6 dự thảo Luật: “Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025”. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa quy định điều khoản chuyển tiếp về việc áp dụng pháp luật kể từ ngày 1/7/2025 đối với những vụ việc mà Tòa án đang thụ lý trước đó thì cách áp dụng pháp luật như thế nào? Đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về nội dung này.