MÔ HÌNH CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ TẠI HÀ NỘI, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VÀ ĐÀ NẴNG

Mở rộng thẩm quyền, tăng nguồn lực cho Hội đồng Nhân dân chính quyền cấp trên

- Thứ Tư, 28/07/2021, 05:04 - Chia sẻ
Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương

Trong quá trình thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, việc quy định mở rộng thẩm quyền cho HĐND quận (Hà Nội) và HĐND thành phố (ở TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng) là rất cần thiết để không ảnh hưởng đến việc kiểm soát quyền lực cũng như bảo đảm quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân. Cùng với mở rộng phạm vi thẩm quyền, cũng cần nghiên cứu tăng cường nguồn lực để HĐND có thể đảm đương được khối lượng lớn công việc được giao.

Cần thiết để phù hợp với xu hướng phát triển

Từ ngày 1.7.2021, các nghị quyết về việc thực hiện và thí điểm thực hiện chính quyền đô thị tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng bắt đầu có hiệu lực. Việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị rất cần thiết để phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội và xu hướng phát triển tại 3 thành phố lớn hiện nay.

Với sự khác biệt về kết cấu hạ tầng, giao thông và chênh lệch về mật độ dân cư giữa khu vực đô thị trung tâm và ngoại ô, việc xây dựng mô hình chính quyền khác nhau giữa vùng đô thị và vùng nông thôn là giải pháp hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, xứng tầm với vị thế là các trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa trọng tâm của ba vùng Bắc - Trung - Nam.

Để thực hiện các mục tiêu có chất lượng, cần phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của chính quyền trong quản lý, điều hành; các giải pháp tăng trách nhiệm với người dân địa phương và với các cơ quan nhà nước cấp trên, hướng tới mục đích phục vụ người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kết quả thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại 3 thành phố trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 là cơ sở để tính đến việc áp dụng tại các địa phương khác trong cả nước.

Bảo đảm kiểm soát quyền lực, quyền lợi của cử tri

Theo Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân. Vì vậy, khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị (trong đó có việc không tổ chức HĐND ở cấp phường hoặc cả quận và phường), việc kiểm soát quyền lực cũng như bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân ở những nơi đó cần được đặc biệt quan tâm.

Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, một nguyên tắc chủ đạo, xuyên suốt được thể hiện qua các bản Hiến pháp Việt Nam là thiết lập Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Dù có thay đổi mô hình, cách thức tổ chức các cơ quan nhà nước như thế nào thì phải luôn đặt lợi ích và quyền làm chủ của Nhân dân lên hàng đầu. Chính vì vậy, khi các nghị quyết về thực hiện và thí điểm thực hiện chính quyền đô thị tại 3 thành phố có hiệu lực, việc mở rộng thẩm quyền cho HĐND quận (ở Hà Nội) và HĐND thành phố (ở TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng) là quy định cần thiết để cơ quan dân cử ở địa phương giám sát được các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, không ảnh hưởng đến việc kiểm soát quyền lực cũng như bảo đảm quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của cử tri cũng như quyền làm chủ của Nhân dân.

Khi mở rộng phạm vi thẩm quyền, tất yếu sẽ tăng số lượng các công việc và lĩnh vực hoạt động của HĐND ở chính quyền cấp trên. Ví dụ như trong hoạt động giám sát, chủ thể, nội dung giám sát của HĐND sẽ nhiều hơn. Điều đó đòi hỏi cố gắng hơn nữa của HĐND và các bộ phận cấu thành của HĐND, có hoàn thành nhiệm vụ hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ việc dự kiến, xây dựng đến triển khai thực hiện. Đặc biệt, cùng với mở rộng phạm vi thẩm quyền, cũng cần nghiên cứu tăng cường nguồn lực để HĐND có thể đảm đương được khối lượng lớn công việc được giao.

Bên cạnh đó, vai trò của truyền thông báo chí, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức đoàn thể, sự giám sát, theo dõi của Nhân dân và cử tri, cùng với những yếu tố bảo đảm khác như: Bộ máy tham mưu, giúp việc của HĐND, sự hỗ trợ của công nghệ thông tin… cũng sẽ đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ của HĐND ở chính quyền cấp trên.

Để thận trọng và từng bước đánh giá hiệu quả hoạt động của mô hình chính quyền đô thị, Quốc hội đã ban hành 3 nghị quyết với ba phương thức tổ chức khác nhau giữa Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Từ đó, Quốc hội sẽ có đánh giá hiệu quả nhằm đưa ra mô hình phù hợp.

Theo dõi, nắm bắt để có thêm căn cứ thực tiễn

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và để có cơ sở pháp lý nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, nhất là ở ba địa phương thực hiện mô hình chính quyền đô thị và thí điểm thực hiện mô hình này. Ngay sau buổi làm việc của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ban Công tác đại biểu đã xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.

Trong đó, có nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND với mục đích sẽ tạo cơ sở pháp lý, góp phần hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND.

Đối với ba địa phương đang thực hiện và thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị, Ban Công tác đại biểu đã có đề xuất với Tổng Thư ký Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các địa phương để kịp thời theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của HĐND Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng trong bối cảnh thực hiện và thí điểm thực hiện. Từ đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có thêm căn cứ thực tiễn để báo cáo Quốc hội trong quá trình tổng kết việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị.