Không địa phương nào… làm như vậy
Thay vì đọc những bài tham luận được chuẩn bị trước, các đại biểu tập trung thảo luận. Thời gian cũng không bị khống chế, nếu đại biểu có quá thời gian quy định thì cũng được thông cảm vì đó mới đúng nghĩa là chia sẻ cách làm hay, những vướng mắc trong thực tế triển khai và cả phương pháp giải quyết những vướng mắc ấy. Bởi vậy, gợi ý của lãnh đạo Ban Công tác đại biểu khi đề dẫn hội nghị chắt lọc và rất trọng tâm. Tất cả đều tỷ lệ thuận với việc thể chế ngày một hoàn thiện, qua đó giúp vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử ngày càng rõ nét, thực chất hơn trong quá trình đóng góp vào sự phát triển của mỗi địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam Võ Hồng là người gắn bó với công việc của cơ quan dân cử gần 4 nhiệm kỳ liên tục. Mở rộng thẩm quyền và nâng cao trách nhiệm của Thường trực HĐND giữa hai kỳ họp là nguyện vọng từ rất lâu của địa phương đang có những bước phát triển nhanh và mạnh mẽ nhất miền Trung. Theo ông Hồng, khối lượng công việc của cơ quan hành chính ngày càng nhiều, nhất là với những địa phương có GDP lớn, hoặc thu hút FDI thành công. Nếu chiểu theo luật và cứ chờ “xuân thu nhị kỳ” để trình HĐND tại kỳ họp thì cơ hội sẽ qua đi. “Chờ phiên họp toàn thể thì không được, vì nhà đầu tư sẽ lựa chọn địa phương khác. Còn tổ chức phiên họp bất thường liên tục, cũng không được vì không địa phương nào… làm như vậy. Đó là lý do cần phải tăng thẩm quyền cho Thường trực HĐND”, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam chia sẻ từ thực tế tại địa phương.
Nhiều đại biểu thừa nhận, việc giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp khá lúng túng và có nhiều ý kiến khác nhau. Ngay cả sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đang thúc giục các địa phương cũng được chỉ ra có một phần lỗi của câu chuyện này. Với cụm từ “kỳ họp bất thường”, là ý nhỏ thôi - cũng được nhiều đại biểu nêu lên với cách hiểu phải cân nhắc về mặt từ ngữ. Nên để kỳ họp thứ mấy, chứ không nên sử dụng cụm từ “bất thường” vì có thể gây tâm lý lo lắng cho xã hội…
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Đồng K’Mák cho rằng, HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương nên dù thẩm quyền thuộc về ai thì trách nhiệm giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp vẫn thuộc cấp chính quyền địa phương đó. Từ nguyên lý này, HĐND, Thường trực HĐND và UBND cần một cơ chế hợp lý để thực thi quyền lực, phối hợp thực hiện và giải quyết công việc. Do đó, khi sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cần tiếp tục quy định Thường trực HĐND là cơ quan Thường trực của HĐND, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định khác của pháp luật có liên quan (Điều 6); đồng thời tiếp tục mở rộng thẩm quyền cho Thường trực HĐND.
![]() | |
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm | Ảnh: Lê Tùng |
Theo đến cùng việc giải quyết những kiến nghị chính đáng
Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri cũng là nội dung được nhiều đại biểu trao đổi tại hội nghị. Theo đại diện Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương (địa phương khách mời), kiến nghị cử tri khá rộng, đa dạng, do đó Thường trực HÐND tỉnh chỉ đạo, phân công các Ban HÐND tỉnh tổ chức giám sát những vấn đề bức xúc, nổi cộm được cử tri và đại biểu HÐND quan tâm, kiến nghị nhiều lần. Ðể tổ chức giám sát hiệu quả, Thường trực HÐND tỉnh Hải Dương xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết. Trong đó, phân loại rõ từng nhóm vấn đề cần giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp; phân công từng Ban HÐND tỉnh tổ chức giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri theo các lĩnh vực, ngành cụ thể, yêu cầu thời hạn báo cáo kết quả giám sát để Thường trực HDNĐ xem xét, tổng hợp.
Chia sẻ kinh nghiệm, đại diện Thường trực HÐND tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk cho rằng, trên cơ sở phân công, chỉ đạo của Thường trực HĐND, các Ban HÐND tỉnh phải chủ động, tích cực đổi mới phương pháp giám sát với nhiều hình thức khác nhau. Trước khi tiến hành giám sát, Thường trực, các Ban HÐND tỉnh chủ động nghiên cứu, xem xét các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp; tiến hành thu thập thông tin liên quan thông qua các kênh khác nhau… Ðồng thời, đối chiếu với các văn bản trả lời, giải quyết của các cơ quan, đơn vị liên quan chú ý tới thời gian, chất lượng giải quyết kiến nghị; các vấn đề còn thiếu sót; trách nhiệm giải quyết chậm thuộc về ai… Ðối với những nội dung giải quyết chưa rõ, Thường trực, các ban HÐND tỉnh tiến hành khảo sát thực địa, giám sát trực tiếp hoặc mời các cơ quan, đơn vị liên quan họp đối chất, giải trình để làm rõ vấn đề. Có như vậy mới có cơ sở theo đến cùng việc giải quyết những kiến nghị chính đáng của cử tri.