Bổ sung quyền lợi ngắn hạn
Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện do Nhà nước tổ chức thực hiện đã và đang mang đến cơ hội cho hàng chục triệu người nông dân, lao động tự do được đảm bảo về an sinh xã hội. Người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để thụ hưởng những lợi ích to lớn mà chính sách này mang lại.
Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, lũy kế đến thời điểm hết tháng 2.2024, cả nước có 17,69 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó chỉ có 1,568 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, qua khảo sát, tổng kết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội Ngô Xuân Giang cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do chính sách bảo hiểm xã hội còn thiếu hấp dẫn, người lao động chưa được hưởng các chế độ ngắn hạn. Mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng còn rất thấp. Trong khi đó, người dân tham gia chủ yếu là trung niên, không có việc làm, thu nhập thấp cho nên việc tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là khó khăn khi phải phụ thuộc vào chồng, vợ, con cái, đối với lao động trẻ có sức khỏe thì họ chỉ nghĩ đến thu nhập trước mắt, mà chưa nghĩ đến tương lai lâu dài, do đó cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tuyên truyền để người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Trước thực tế đó, mới đây Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung thêm quyền lợi ngắn hạn để thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cụ thể, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bao gồm cả lao động nữ và lao động nam, khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện là đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con, thì được hưởng trợ cấp thai sản.
Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con, thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng trợ cấp thai sản. Nếu cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội, đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản, thì chỉ cha hoặc mẹ được hưởng trợ cấp thai sản. Người vừa có đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện, và vừa có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì chỉ được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trường hợp mẹ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, cha đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện, thì mẹ được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc. Còn cha được hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Trường hợp cha đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, mẹ đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện, thì cha được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc. Mẹ được hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Mức hưởng trợ cấp, 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra. Đồng thời, mức trợ cấp 2 triệu đồng cũng áp dụng cho trường hợp mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ.
Tăng độ bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện
Một trong những yêu cầu cải cách trong Nghị quyết số 28-NQ/TW đã đặt ra: “Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội”.
Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hằng tháng. Quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc tham gia không liên tục có cơ hội tích lũy đủ 15 năm đóng (thay vì 20 năm như quy định hiện hành) để hưởng lương hưu hằng tháng thay vì phải nhận bảo hiểm xã hội một lần. Với mức lương hưu hằng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh mức hưởng và trong thời gian hưởng lương hưu được quỹ bảo hiểm xã hội mua thẻ bảo hiểm y tế, qua đó sẽ góp phần bảo đảm tốt hơn cuộc sống của người lao động, sẽ có thêm nhiều người được đảm bảo lương hưu và được hưởng bảo hiểm y tế khi về già.
Chị Đinh Thị Nga (xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) chia sẻ, “Trước đây, tôi cũng được tư vấn về việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng thời gian đóng dài nên tôi cũng lấn cấn chưa tham gia. Sau khi nghe thông tin giảm thời gian đóng xuống còn 15 năm thì tôi đã không ngần ngại tham gia với mức đóng 8 triệu đồng/năm, mỗi người có thể lựa chọn mức đóng phù hợp với điều kiện của mình. Bản thân tôi nghĩ nếu có điều kiện mọi người cũng nên tham gia, sau này khi về già mình có lương hưu, có thẻ bảo hiểm y tế không trở thành gánh nặng cho con cái”.
Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) hấp dẫn hơn với những người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khi tăng thêm chế độ thai sản, rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm, mở rộng đối tượng tham gia... Tuy nhiên, mục tiêu hướng đến là tăng độ bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người lao động. Để làm được điều đó cần phải có kế hoạch, có lộ trình, có giải pháp cụ thể. Bởi vì, thực tế tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa cao, ảnh hưởng đến an sinh xã hội khi họ hết tuổi lao động. Mặc khác, Bảo hiểm xã hội cần phải nghiên cứu cắt giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận chính sách và tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện”.