Luật - Những điểm mới:Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020

Mở rộng phạm vi điều chỉnh

- Chủ Nhật, 27/12/2020, 07:37 - Chia sẻ
Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020 thể hiện tính công khai, dân chủ, minh bạch, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp. Việc ban hành Luật có ý nghĩa quan trọng cả về đối nội, đối ngoại, tạo khung pháp lý vừa chặt chẽ, vừa linh hoạt, đáp ứng nhu cầu ký kết thỏa thuận quốc tế phù hợp với lợi ích quốc gia và nhu cầu đối ngoại.

Mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế

Được ban hành thay thế cho Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007, Luật Thỏa thuận quốc tế nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đã được quy định tại Điều 12, Hiến pháp năm 2013 và thể hiện trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng. Trong đó có Nghị quyết số 22 - NQ/TW ngày 10.4.2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 06 - NQ/TW ngày 5.11.2016 và Nghị quyết số 50 - NQ/TW ngày 20.8.2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Nội dung các nghị quyết nhấn mạnh trọng tâm thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định kinh tế - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

	Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu
Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu
Ảnh: Hoàng Ngọc

Việc xây dựng Luật Thỏa thuận quốc tế còn nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trực tiếp, như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Điều ước quốc tế, Luật Quản lý nợ công. Đồng thời, khắc phục những bất cập, khó khăn đã bộc lộ trong quá trình triển khai thi hành Pháp lệnh ký kết và thực hiện Thỏa thuận quốc tế, bảo đảm phù hợp với chủ trương cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính hiện nay ở nước ta.

Theo Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Luật Thỏa thuận quốc tế đã mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc ký kết thỏa thuận quốc tế của các chủ thể chưa được quy định trong Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007. Ví dụ, tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã ở khu vực biên giới, cơ quan cấp tỉnh của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Đối với các thỏa thuận nhân danh Nhà nước, Chính phủ nhưng không phải là điều ước quốc tế thì việc ký kết cũng sẽ thực hiện theo quy định của Luật Thỏa thuận quốc tế.

Do Luật Thỏa thuận quốc tế đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đến cả thỏa thuận nhân danh Nhà nước, Chính phủ nên Luật đã bổ sung điều khoản quy định rõ tính chất của thỏa thuận quốc tế để phân biệt với điều ước quốc tế và các hợp đồng, thỏa thuận về giao dịch dân sự, kinh tế, tài chính, đầu tư.

Quy định về trình tự, thủ tục rút gọn

Luật Thỏa thuận quốc tế lần này còn bổ sung một chương mới quy định về trình tự, thủ tục rút gọn với những tiêu chí, điều kiện cụ thể để áp dụng trong trường hợp cần xử lý gấp do yêu cầu về chính trị, đối ngoại, cứu trợ khẩn cấp, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh. Luật quy định hai hình thức rút gọn, bao gồm rút gọn về quy trình và rút gọn về thời hạn, hồ sơ. Luật cũng bổ sung một số điều khoản về thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh nhiều cơ quan, tổ chức; thỏa thuận quốc tế liên quan đến quốc phòng, an ninh, đầu tư. Trong đó, yêu cầu các cơ quan, tổ chức phải xin ý kiến của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn đối với nhóm thỏa thuận quốc tế này.

Để triển khai thi hành Luật, ông Phạm Quang Hiệu nêu rõ, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định quy định chi tiết việc ký kết và tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã ở khu vực biên giới và cơ quan cấp tỉnh của tổ chức. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an sẽ xây dựng, ban hành các thông tư quy định chi tiết việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế của các cơ quan, đơn vị trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế đã quy định trong Luật.

Bộ Ngoại giao với tư cách là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thỏa thuận quốc tế sẽ triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về thỏa thuận quốc tế, tổ chức tập huấn, biên soạn sổ tay, cẩm nang hướng dẫn trình tự ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế phục vụ nhu cầu của các cơ quan tổ chức.

Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020 thể hiện tính công khai, dân chủ, minh bạch, nhà nước pháp quyền, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp. Việc ban hành Luật có ý nghĩa quan trọng cả về đối nội, đối ngoại, tạo khung pháp lý vừa chặt chẽ, vừa linh hoạt, đáp ứng nhu cầu ký kết thỏa thuận quốc tế phù hợp với lợi ích quốc gia và nhu cầu đối ngoại. Đặc biệt, Luật sẽ khắc phục kịp thời những bất cập của Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007 và được kỳ vọng sẽ đáp ứng các yêu cầu hội nhập quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn tới. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2021.

Anh Thảo