Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế

Mở rộng phạm vi chủ thể ký kết

- Thứ Tư, 08/07/2020, 06:13 - Chia sẻ
Ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ và vững chắc hơn để thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hội nhập quốc tế. Xuất phát từ quan điểm đó, dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế, trong đó mở rộng đến cấp đơn vị trực thuộc, nhằm phù hợp với nhu cầu thực tiễn về hợp tác quốc tế hiện nay.

Mở rộng chủ thể đến cấp đơn vị trực thuộc

Một trong những bất cập của Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế 2007 dẫn đến khó khăn trong triển khai công tác thỏa thuận quốc tế là chưa quy định về việc ký kết thỏa thuận quốc tế của đơn vị trực thuộc. Thực tế, một số đơn vị trực thuộc bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đã ký kết nhiều văn bản hợp tác để thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực cụ thể, đáp ứng yêu cầu hợp tác, hội nhập quốc tế.

Theo thống kê của Bộ Ngoại giao và báo cáo từ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, từ khi Pháp lệnh 2007 có hiệu lực đến ngày 31.12.2019, có tổng cộng 3.378 văn bản hợp tác quốc tế cụ thể được ký kết nhân danh đơn vị trực thuộc (bao gồm cả các đơn vị sự nghiệp công lập), trong đó có 1.695 văn bản hợp tác quốc tế cụ thể được ký kết nhân danh đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, và 1.953 văn bản thỏa thuận hợp tác cụ thể được ký kết nhân danh đơn vị trực thuộc UBND cấp tỉnh. Ngoài ra, cấp tỉnh, huyện của một số tổ chức như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã ký các văn bản hợp tác với đối tác nước ngoài, trong đó, đa số là thỏa thuận nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài.

Như vậy, thực tế ký kết thỏa thuận quốc tế ở cấp đơn vị trực thuộc khá phổ biến. Dự kiến, trong tương lai, số lượng văn bản loại này sẽ còn được ký kết nhiều hơn nữa, nhất là trong bối cảnh nhu cầu hợp tác, hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng tăng cao. Trong khi đó, khung pháp luật hiện hành vẫn còn để ngỏ, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh thủ tục ký kết đối với thỏa thuận quốc tế loại này. Điều đó dẫn đến sự lúng túng của các đơn vị trực thuộc các cơ quan, tổ chức trong quá trình ký kết các thỏa thuận quốc tế vì không biết phải tuân theo quy trình nào, có phải xin ý kiến Trung ương không.

So với Pháp lệnh năm 2007, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật mở rộng quy định về việc ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ; thỏa thuận quốc tế nhân danh tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thỏa thuận quốc tế nhân danh UBND cấp huyện, xã; cơ quan cấp tỉnh của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Cân nhắc lĩnh vực chủ thể chủ động ký kết

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản thống nhất với dự thảo Luật và cho rằng, phạm vi điều chỉnh như vậy đã mang tính bao quát về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện và tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế. Việc mở rộng chủ thể ký kết đến cấp đơn vị trực thuộc sẽ giúp giải quyết được khó khăn, vướng mắc hiện tại trong việc ký kết, thực hiện các văn bản hợp tác quốc tế của các đơn vị trực thuộc các cơ quan nhà nước ở Trung ương và cấp tỉnh. Các ĐBQH cũng nhấn mạnh, hoạt động hợp tác quốc tế của các đơn vị trực thuộc, trong đó có ký kết văn bản hợp tác quốc tế, cụ thể cần tuân theo nguyên tắc, thẩm quyền nhất định, quản lý nhà nước; trình tự, thủ tục được quy định tại Luật Thỏa thuận quốc tế, phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành về chức năng, nhiệm vụ của mình và các quy định của Đảng về quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại.

Góp ý về phạm vi điều chỉnh, ĐBQH Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) nhấn mạnh, dự thảo Luật cần tập trung vào thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết... hay nói cách khác là tập trung vào chủ thể ký thỏa thuận, vì chủ thể ký thỏa thuận phải xin ý kiến của cấp cao hơn trước khi thực hiện thỏa thuận. Điều này cho thấy tính chặt chẽ trong quy định. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân cũng cho rằng, dự thảo Luật nên cân nhắc quy định thêm những lĩnh vực cho phép các chủ thể có thể chủ động quyết định việc ký thỏa thuận quốc tế để bảo đảm thời gian, cơ hội thực hiện hợp tác. Nếu thủ tục nhiều dễ dẫn đến mất cơ hội hợp tác. Phân tích điều này, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân đề nghị, các thỏa thuận trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học… có thể mở rộng trao quyền cho các chủ thể có đủ năng lực.

Khi quy định chủ thể ký kết là các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội... theo ĐBQH Đôn Tuấn Phong (An Giang), chúng ta còn thiếu một số loại hình tổ chức khác như tổ chức khoa học - công nghệ, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, các hiệp hội, ngành, nghề… Ngoài ra, có những tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp mà chỉ có ở cấp tỉnh, cấp huyện, thậm chí chỉ có ở cấp xã. Vì vậy, thống nhất với nhiều ĐBQH khác, đại biểu Đôn Tuấn Phong đề nghị, cân nhắc để bảo đảm tính bao quát của quy định này.

Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý nhằm làm rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; làm rõ nội hàm, nội dung cốt lõi của thỏa thuận quốc tế và đặc biệt để phân biệt với điều ước quốc tế mà Luật Điều ước quốc tế năm 2016 đã quy định, trong đó, quy định rõ chủ thể ký kết và bản chất pháp lý của các văn kiện ký kết.

Nhật An