Quan điểm này được nhiều đại biểu, chuyên gia đồng tình, làm rõ tại Tọa đàm “Đưa quy định mới về đất nông nghiệp trong Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng 6.3.
Tiếp cận đất nông nghiệp theo nguyên tắc thị trường
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền nhấn mạnh, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Chính sách, pháp luật đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, vì thế, cần phải được hoàn thiện và thực thi hiệu quả.
Đối với đất nông nghiệp, Luật Đất đai 2024 đã hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý và sử dụng với nhiều quy định mới nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân theo hướng hiện đại, bền vững. Có thể kể đến các quyết sách quan trọng như: tổ chức kinh tế, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp sẽ được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; người sử dụng đất nông nghiệp được kết hợp với thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu; mở rộng hạn mức và đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp…
Một trong những điểm nổi bật, mang tính đột phá về đất nông nghiệp đó là cho phép các tổ chức, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và tăng giới hạn, hạn mức giao đất, tích tụ tập trung đất đai và chuyển mục đích sử dụng đất. Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội, điều này đã giải quyết được hai vấn đề: Thứ nhất là gia tăng khả năng kêu gọi nhà đầu tư, gọi vốn, “bơm vốn” vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tăng tính hấp dẫn của đất nông nghiệp. Thứ hai, nông dân cũng có thể kích cầu, tăng năng lực thông qua tích tụ, tập trung đất đai, khắc phục tình trạng manh mún về ruộng đất.
Dưới góc nhìn của ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Luật Đất đai 2024 có nhiều điểm tích cực đối với người nông dân, đối với lĩnh vực nông nghiệp và đất nông nghiệp. Một trong những chế định quan trọng nhất là giải quyết được tình trạng đất bỏ hoang ở nhiều nơi, giải quyết những cản trở khiến việc sử dụng đất nông nghiệp chưa thực sự hiệu quả.
Cụ thể, theo ông Đậu Anh Tuấn, những cá nhân hay tổ chức vốn không sản xuất nông nghiệp đã có thể được nhận chuyển nhượng. Hạn mức cũng được “nới” mạnh mẽ hơn, tăng hạn mức chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp lên 15 lần. Việc tăng hạn mức về thời gian cho quỹ đất 5% cũng tác động trực tiếp đến sản xuất theo hướng hàng hóa, khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ mạnh mẽ hơn.
Cùng chung nhận định, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương cho rằng, mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp sẽ tránh được tình trạng sử dụng đất manh mún. Quy định mới sẽ khuyến khích tổ chức, cá nhân có tiềm lực có thể đầu tư vào đất nông nghiệp, khiến đất nông nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cũng cho rằng, những thay đổi của Luật Đất đai gia tăng cơ hội tiếp cận đầu tư theo nguyên tắc thị trường, quan trọng nhất là trả lại đúng giá trị của đất nông nghiệp, giúp sử dụng đất nông nghiệp đúng mục đích.
Nhiều chuyên gia nhận định, những quy định này sẽ tạo điều kiện đưa các công nghệ vào và nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành nông sản, hướng tới nền nông nghiệp sản xuất xanh, sạch, có thể cạnh tranh và chinh phục thị trường của những quốc gia phát triển.
Cấp bách triển khai các văn bản dưới luật cụ thể, thống nhất
Với 260 điều, có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2025, Luật Đất đai là luật rất đồ sộ, các quy định của Luật Đất đai quá lớn, nhiều chính sách lớn trong luật chỉ quy định một cách nguyên tắc, chủ trương và phải được cụ thể, hướng dẫn ở những văn bản dưới luật. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương cho biết, theo thống kê sơ bộ, có hơn 65% nội dung các văn bản dưới luật giao Chính phủ, các bộ ngành quy định chi tiết. Chính phủ đã phân công soạn thảo 16 văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai.
“Hiện Chính phủ, các bộ ngành như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực ngày đêm triển khai, bởi quy định nhưng không có thủ tục, điều cụ thể đi kèm thì quy định của luật không thực hiện được. Ban hành kịp thời đã quan trọng, nhưng quan trọng nữa phải đồng bộ, và phải phù hợp với chủ trương chính sách trong luật đã quy định” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương nhấn mạnh.
Ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo Kế hoạch do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký, sẽ có 9 nghị định và 6 thông tư nhằm triển khai thi hành Luật Đất đai. Riêng về đất nông nghiệp, chủ yếu ở Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai. Một số vấn đề đang gặp khó khăn, vướng mắc là xác định cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; xác định quy hoạch đất trồng lúa để các địa phương phải phân bổ đúng chỉ tiêu quốc gia; hướng dẫn trường hợp sử dụng đất nông nghiệp đa mục đích; hướng dẫn các trường hợp doanh nghiệp thỏa thuận với người dân để nhận quyền chuyển đổi đất trồng lúa, quy định thủ tục hành chính để ghi nhận các thỏa thuận dân sự này…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được phân công xây dựng nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa. Bà Nguyễn Thị Mai Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, bộ đang tích cực triển khai, tuy nhiên cũng gặp một số khó khăn. Liên quan đến việc xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa, vấn đề khó nhất là quy định điều kiện, tỷ lệ, diện tích, thẩm quyền cho phép xây dựng trên đất trồng lúa như thế nào. Một vấn đề khác được bà Hiên nêu, trong luật quy định UBND quy định về công trình xây dựng phục vụ trực tiếp trên đất sản xuất nông nghiệp, mỗi tỉnh lại có điều kiện, đặc thù khác nhau nên các tỉnh cần có sự chuẩn bị kỹ, hướng dẫn phù hợp để thực hiện quy định này. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng cần đồng hành cùng các tỉnh khi hướng dẫn nội dung này.
Chia sẻ với Chính phủ và các bộ ngành về khối lượng công việc phải thực hiện, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội nhận định, đây là thách thức rất lớn khi đất đailiên quan đến 118 luật và liên quan trực tiếp đến hơn 20 luật, đòi hỏi sự đồng bộ của Luật Đất đai so với các văn bản pháp luật khác. Do đó, các văn bản dưới luật phải quy định cụ thể, chi tiết, thống nhất, đồng bộ, phù hợp thực tiễn để các cơ quan thực thi có thể áp dụng thực hiện. Nếu có sự xung đột hoặc khác biệt về quy trình sẽ gây đình trệ trong thực tiễn, tạo ra chi phí không cần thiết khi thực hiện.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, cần có sự đồng điệu trong thiết kế chính sách giữa các bộ ngành, “phải nói chung một ngôn ngữ”, bảo đảm tính đồng điệu, nhất quán. Trong quá trình phân tán các chế định liên quan đến đất nông nghiệp thì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có sự tham gia của nhiều các cá nhân, tổ chức liên quan, đảm bảo chất lượng của nghị định, thông tư.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu đề nghị các văn bản hướng dẫn phải đặc biệt chú ý tới tinh thần của Luật Đất đai và giảm thiểu các thủ tục, không để các thủ tục trở thành rào cản.